Budweiser và viral clip "Puppy Love"
Đoạn quảng cáo gây sốt này hội tụ ba tiêu chí: Giàu cảm xúc, mang tính hình tượng và cách kể chuyện đầy tính nghệ thuật.
Trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl vẫn là chương trình truyền hình trực tiếp ăn khách nhất nước Mỹ hàng năm, mặc dù giá quảng cáo đắt đến giật mình cho 30 giây là 4 triệu USD, nhiều công ty vẫn cố gắng chen chân để sản phẩm của mình có cơ hội xuất hiện trước gần 100 triệu người hâm mộ trên toàn nước Mỹ.
Hãng bia Budweiser cũng vậy. Budweiser là thương hiệu một loại bia nhạt do Anheuser-Busch InBev sản xuất. Trình làng vào năm 1876, Budweiser đã vượt lên trở thành một trong những loại bia có doanh số bán hàng cao nhất tại Mỹ và có mặt tại hơn 80 thị trường trên toàn thế giới.
Để cạnh tranh với hàng chục thương hiệu tên tuổi khác xuất hiện trong vài phút nghỉ ngắn ngủi giữa trận, khó khăn mà Budweiser phải đối mặt là vừa phải truyền tải được thông điệp về sản phẩm trong 60 giây ngắn ngủi, vừa phải làm cho thương hiệu của mình nổi bật giữa hàng loạt ông lớn, tạo ấn tượng mạnh khiến người ghi nhớ.
Và đây là đoạn quảng cáo đã được Budweiser phát đi trong trận Super Bowl trên toàn nước Mỹ.
Thoạt xem qua, bạn sẽ có ấn tượng về một mẩu quảng cáo đáng yêu, bình yên và thẫm đẫm giá trị nhân văn.
Nhưng ẩn sâu bên trong, mẩu quảng cáo chứa nhiều chi tiết thú vị và ý nghĩa, nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình cũng như tốn nhiều giấy mực của các chuyên gia phân tích marketing một thời gian dài sau khi trận đấu kết thúc.
Đây không phải là một mẩu quảng cáo điển hình cho đồ uống có cồn, cụ thể là bia. Nội dung nói về một chú chó nhỏ cố gắng chạy khỏi trang trại cho nhận nuôi chó con để kết bạn với một chú ngựa giống Clydesdale ở trang trại phía cuối đường.
Mặc dù chủ của trang trại cho nhận nuôi và chủ của chú ngựa đã nhiều lần tìm cách ngăn cản chúng đến với nhau, chú chó vẫn tìm cách để chạy đến thăm bạn ngựa.
Một ngày, chú chó được một người đàn ông có vẻ là doanh nhân nhận nuôi. Hai người bạn không muốn phải chia tay, nên chú ngựa Clydesdale cùng tàu ngựa đã đuổi theo chặn chiếc xe lại.
Cuối cùng, hai người chủ trang trại nhận ra không thể giữ hai người bạn động vật này xa nhau, nên người chủ trang trại ngựa đã nhận nuôi chú chó con.
Về mặt cảm xúc, chỉ riêng cốt truyện về hai người bạn bị ngăn cản không được đến với nhau đã khiến người xem cảm động.
Loài chó giống Golden Retriever được đánh giá là dễ gần và đáng yêu nhất trong tất cả các loại. Hầu như ở Mỹ, ai cũng từng nuôi một con thú cưng nào đó, nên chú chó con đã tạo kênh kết nối sự đồng cảm với khán giả.
Về mặt âm nhạc, bài hát “Let Her Go” của Passenger góp phần đẩy cao cảm xúc của câu chuyện. Lời bài hát buồn, kể về việc con người chỉ nhận ra giá trị của nhiều thứ khi chúng bị mất đi.
Cả đoạn quảng cáo không có đoạn hội thoại nào, nhưng nó là ví dụ điển hình cho câu nói: “Đôi khi sự im lặng còn đáng giá hơn một nghìn từ”. Nó vượt qua rào cản ngôn ngữ, vươn tới nhiều quốc gia và vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn.
Về tính hình tượng, cả đoạn quảng cáo chỉ một lần logo của Budweiser xuất hiện trên mũ của người chủ trang trại, nhưng ở kích cỡ rất nhỏ và hầu như khó nhận ra nếu không nhìn kỹ.
Nhưng những fan trung thành của bia Budweiser sẽ nhận ra ngay thương hiệu “ruột” khi chú ngựa giống Clydesdales xuất hiện. Ngựa Clydesdales là một hình tượng gắn liền trong hàng trăm năm với bia Budweiser.
Đây được đánh giá là công cụ quảng cáo thông minh của thương hiệu, vì họ không cần nhồi nhét hình ảnh khô khan của chiếc logo vào đoạn clip nhưng vẫn giúp người xem nhận ra và thích thú với thương hiệu.
Mục đích của quảng cáo là Budweiser bán được nhiều bia hơn, nhưng công ty không chọn cách xây dựng hình ảnh gắn liền với những buổi tiệc tùng, mà khéo léo gắn biểu tượng của thương hiệu vào một câu chuyện về tình bạn và những khoảnh khắc đáng nhớ.
Về nghệ thuật kể chuyện, Puppy Love là một câu chuyện thành công hội tụ đủ các tầng: Bối cảnh, mâu thuẫn, bước ngoặt, cởi nút và kết thúc.
Lấy bối cảnh là một trang trại ở miền quê rộng bát ngát, clip kể về một tình bạn mâu thuẫn lạ lùng giữa chú chó và chú ngựa. Nó biểu tượng cho tình yêu vô điều kiện trong thế giới loài người, bất kể bạn ở đâu, thuộc dân tộc nào, màu da gì.
Chú chó con luôn tìm cách bỏ đàn chó con, chui rào và chạy đi. Người xem chỉ hiểu mục đích của chú chó khi khung cảnh tối trong nhà kho được hiện ra, với chú ngựa hí lên mừng rỡ chào chú chó đến thăm.
Clip được đẩy lên cao trào, âm nhạc dồn dập khi chú chó được một người đàn ông sang trọng có vẻ là một doanh nhân nhận nuôi và chở đi.
Người đàn ông với trang phục sang trọng, bước lên một chiếc xe sang trọng, trở thành một hình ảnh đối nghịch với khung cảnh yên bình, giản dị xung quanh.
Cách xây dựng hình ảnh đối lập như vậy của Budweiser lập tức khiến người xem nghĩ ngay rằng cuộc sống mới với nhà lầu, xe hơi sẽ không hợp với chú chó, minh chứng bằng đôi mắt buồn miên man của chú nhìn về trang trại khuất xa dần sau cửa kính ô tô.
Chú ngựa dường như cũng hiểu điều này, đã vượt hàng rào chạy theo người bạn nhỏ. Tàu ngựa giống Clydesdales đang ăn cỏ gần đó cũng lập tức chạy theo, chặn chiếc xe ô tô lại.
Đoạn clip rượt đuổi giữa ngựa và xe chèn liên tiếp các khung hình quay chú chó và đàn ngựa chạy theo, mỗi phản ứng từ một phía kéo theo phản ứng dây chuyền từ phía còn lại. Đây là một cảnh tượng hùng vĩ và cảm động về tình bạn, đồng thời tái khẳng định thương hiệu Budweiser qua tàu ngựa Clydesdales ấn tượng.
Sau đoàn ngựa hộ tống chú chó con trở về trong sự ngạc nhiên của người chủ trang trại, câu chuyện được cởi nút khi người chủ (đội chiếc mũ có in logo nhỏ của Budweiser) quyết định trao chú chó nhỏ cho chủ trang trại ngựa để hai người bạn được ở bên nhau.
Kết lại clip, phạm vi quay của camera được mở rộng ra, sáng rực rỡ với nắng vàng, cây cối, chú chó con vui vẻ nhảy nhót, sủa vang với chú ngựa trong sân cỏ trái ngược với những mảng tối đầu clip, khi người chủ bế chú chó khỏi nhà kho và chú ngựa buồn bã nhìn theo.
Kết quả
Tính đến thời điểm hiện tại, quảng cáo đã có 1,31 triệu lượt chia sẻ theo số liệu của Unruly’s Viral Video Chart, kéo nó lên vị trí thứ sáu trong danh sách các quảng cáo của Super Bowl được chia sẻ nhiều nhất mọi thời đại.
Đoạn quảng cáo cũng giúp thương hiệu bia Đức soán ngôi Volkswagen trở thành thương hiệu được chia sẻ trực tuyến nhiều nhất mọi thời đại, cùng với mẩu quảng cáo thứ hai có tên “A Heroes’ Welcome” cũng thành công vang dội.
Tuy nhiên, Budweiser không chỉ gặt hái thành công vang dội trên mạng.
Theo số liệu của công ty truyền thông Civolution, chỉ tính riêng tại Mỹ, “Puppy Love” xuất hiện trên các kênh truyền hình 75 lần trước trận đấu, và được phát lại 1.200 lần trên các đài địa phương, nhiều gấp 4 lần so với quảng cáo phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại của Volkswagen với 318 đài phát thanh đăng lại.
Theo số liệu, “Puppy Love” dẫn đầu nhiều mục xếp hạng, trong đó có 10 quảng cáo được chia sẻ nhiều nhất Super Bowl 2014 tại 1.310 triệu lượt chia sẻ, bỏ xa quảng cáo đứng ở vị trí thứ hai, cũng của Budweiser với 203 nghìn lượt.
Quảng cáo cũng đứng ngôi đầu bảng 5 quảng cáo được nhiều đài truyền hình trong nước chiếu nhất cũng như được nhiều đài địa phương chiếu nhất, đứng thứ hai trong danh sách các quảng cáo được nhiều đài truyền hình quốc tế chiếu nhất.
“Trận Super Bowl năm nay tràn ngập tình yêu thương với ‘Puppy Love’ của Budweiser và ‘Make Love Not War’ của Axe chiến trọn ánh đèn sân khấu. Nó đi sâu vào lòng người và có sức lan tỏa trên toàn thế giới”, bà Sarah Wood – nhà đồng sáng lập công ty thống kê truyền thông Unruly nhận xét.
Lê Phương / BizLive