McKinsey: Tương lai của ngành vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng
Tài liệu thuộc bản quyền của McKinsey & Company. Bạn sẽ được chuyển đến trang gốc của McKinsey & Company để tải về.
Thị trường vận chuyển hàng hoá đến tay người dùng cuối có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ do tác động của thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng ẩn chứa nhiều thách thức và rủi ro cho những tay chơi mới. Tài liệu nghiên cứu này sẽ giúp bạn suy xét kỹ lưỡng hơn trước khi dấn thân vào lĩnh vực này.
Hiện nay, thị trường vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là vận chuyển bưu phẩm đến tay người tiêu dùng, đang nhận được nhiều sự chú ý, không chỉ vì độ lớn thị trường mà còn vì tiềm năng tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2015 dao động từ 7 đến 10% ở các quốc gia phát triển như Đức và Hoa Kỳ, và gần 300% ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ.
Động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng này chính là thương mại điện tử, đã chuyển thị phần từ B2B sang B2C. B2C từng chiếm khoảng 40% thị trường, nhưng đã vượt qua 50% ở một số quốc gia, bao gồm cả Đức. Ngoài ra, chi phi giao hàng đến tay người tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí giao hàng bưu kiện – thường chiếm 50% hoặc thậm chí vượt quá 50% – khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng cho những ai muốn đạt được lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, việc giao hàng đến tay người tiêu dùng khiến các công ty gặp khó khăn, vì họ thường phải chịu một khoản chi phí đáng kể về nhân lực, hệ thống vận chuyển.
Trước những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt khi muốn đầu tư vào thị trường này, doanh nghiệp cần có sự xem xét kỹ lưỡng các yếu tố. Tài liệu nghiên cứu về tương lai của lĩnh vực vận chuyển đến người tiêu dùng cuối, được soạn thảo bởi các tác giả Martin Joerss, Jürgen Schröder, Florian Neuhaus, Christoph Klink, Florian Mann từ McKinsey.
Một số nội dung chính được rút ra từ tài liệu
1. Người tiêu dùng mong muốn được giao hàng nhanh hơn, nhưng phần lớn vẫn rất nhạy cảm với giá cả
- Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn tại Trung Quốc, Đức và Mỹ với sự tham gia của 4.700 đáp viên, kết quả cho thấy gần 25% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền để được giao hàng trong ngày hoặc giao hàng tức thì.
- Tuy nhiên, khoảng 70% người tiêu dùng còn lại vẫn ưu tiên lựa chọn phương thức giao hàng giá rẻ.
2. Mô hình giao hàng tương lai
- Ba mô hình giao hàng đến tay người tiêu dùng được dự đoán sẽ chiếm ưu thế trong tương lai gồm xe tự hành với tủ khóa, drones và giao hàng bằng xe đạp.
- Trong đó, xe tự hành và drones được ưa chuộng bởi mức độ tự động hóa và dành cho hàng hoá có giá trị tài sản cao với tỷ lệ 80% hàng hóa sẽ được giao bằng phương tiện tự động như xe tự hành và máy bay không người lái (drones).
3. Tầm nhìn này sẽ trở thành hiện thực trong vòng mười năm tới
Theo các nhà nghiên cứu, kịch bản giao hàng đến tay người tiêu dùng với mô hình hiện đại được đề cập ở trên sẽ có thể đạt được trong 10 năm tới, đặc biệt là những nước phát triển. Dĩ nhiên cũng còn tùy thuộc vào tâm lý cộng đồng, quy định và chi phí lao động.