Doanh nghiệp bán lẻ nhanh nhạy ứng dụng bán hàng đa kênh
Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh việc tìm kiếm, áp dụng những phương thức bán hàng và quản lý đa kênh. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất giúp mở rộng kênh bán, từ đó tăng khả năng tiếp cận khách hàng ở mức tối đa, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhận định về xu hướng thay đổi phương thức bán hàng trong phân phối bán lẻ gần đây, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT cho rằng, ngành bán lẻ đang thay đổi rất mạnh mẽ trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam, tốc độ chuyển mình cũng rất nhanh chóng.
Hiện tại, người mua hàng sử dụng nhiều thiết bị kết nối internet khác nhau như điện thoại, máy tính, thậm chỉ cả máy chơi game để mua hàng. Họ cũng có thể mua sắm ở bất cứ đâu, trên website, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử hay đến tận cửa hàng. Do đó, việc ứng dụng nền tảng bán hàng đa kênh dựa trên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công cụ thương mại điện tử được dự báo sẽ là giải pháp cốt lõi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong cuộc cạnh tranh sống còn hiện nay.
Xét về lợi ích tổng thể, ông Raymond Yee, Phó Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập đoàn chuyển phát nhanh DHL cho rằng, ứng dụng thành công phương thức bán hàng đa kênh sẽ tác động mạnh tới chiến lược kinh doanh, từ đó góp phần xoay chuyển hoàn toàn cục diện kinh doanh của doanh nghiệp.
Những con số so sánh đáng chú ý đã được ông Raymond đưa ra để chứng minh cho nhận định này, đó là người ứng dụng thành công và thích ứng với mô hình bán lẻ đa kênh sẽ có cơ hội tăng doanh thu hàng năm tới 9,5%, đồng thời có thể giảm chi phí tiếp cận tới mỗi khách hàng khoảng 7,5%.
Trong khi đó, ngược lại, nếu không thích ứng được mô hình này, doanh nghiệp bán lẻ sẽ bỏ lỡ tới 6,5% doanh thu do không tiếp cận được người tiêu dùng và bị tăng chi phí tiếp cận khách hàng do phương thức kinh doanh lỗi thời, không phù hợp với sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng.
“Với bán hàng đa kênh, cơ hội tăng trưởng mà thị trường xuyên quốc gia mang tới cho các nhà bán lẻ là 25%/năm, một con số không thể tìm được ở bất cứ một thị trường bán lẻ tiềm năng bậc nhất nào hiện nay. Chưa kể, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh kinh doanh 10 - 15% với các mặt hàng xuyên quốc gia thông qua bán lẻ trực tuyến và bán hàng đa kênh”, ông Raymond cho biết.
Tiềm năng lớn như vậy, song theo các chuyên gia công nghệ, một thách thức đặt ra đối với các ứng dụng nền tảng bán hàng đa kênh hiện nay là việc thống nhất tiếp nhận và xử lý đơn hàng với các kênh bán hàng, giúp quản lý tập trung dù doanh nghiệp phân phối và các chủ cửa hàng có bán trên nhiều kênh khác nhau như cửa hàng, website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội…
Thực tế, nhiều giải pháp hiện hành tuy có thể hỗ trợ quản lý và bán hàng đa kênh nhưng chưa hỗ trợ đầy đủ các kênh từ online tới offline và không phải nền tảng mở nên hạn chế khả năng tích hợp, mở rộng các kênh bán hàng. Điều này đẫn đến việc thiếu khả năng xử lý đơn hàng tập trung, dễ “trật khớp” trong lúc đồng bộ sản phẩm, đơn hàng.
Đây chính là bài toán đặt ra đòi hỏi các nhà tạo lập ứng dụng cần tìm cách khắc phục triệt để thông qua việc biến website, bán hàng tại cửa hàng, Facebook hay sàn thương mại điện tử trở thành những những kênh bán hàng được tích hợp thống nhất tại một trung tâm quản lý, từ đó giảm tối đa chi phí nhân lực và tiếp thị, xử lý đơn hàng cho các doanh nghiệp bán lẻ. Chẳng hạn, mới đây Công ty Công nghệ DKT vừa ra mắt Sapo X, nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh đầu tiên tại Việt Nam.
Không đứng ngoài cuộc trào lưu ứng dụng công nghệ thương mại điện tử thông qua phương thức bán hàng đa kênh, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước gần đây đã rục rịch hướng tới mở rộng đầu tư ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử và phương thức bán hàng mới để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và đa dạng hóa nguồn doanh thu, lợi nhuận.
Trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ số, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đình đám như Thế giới di động, FPT, Vinmart theo chân các tên tuổi lớn của nước ngoài như Lotte, Aeon vừa mở rộng phát triển các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ theo kênh phân phối bán lẻ truyền thống, đồng thời không tiếc tiền của đầu tư phát triển hệ thống bán hàng đa kênh.
Đại diện FPT Retail cho biết, trong năm 2017, doanh thu mảng thương mại điện tử đã tăng đáng kể, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng góp vào kết quả tích cực của doanh nghiệp. Với hướng đi mới, chuỗi bán lẻ FPT Retail kỳ vọng sẽ đa dạng hóa kênh bán hàng để tăng trưởng mạnh doanh thu, lợi nhuận của mảng thương mại điện tử thời gian tới.
Theo Báo Đầu tư chứng khoán