Dốc hết trái tim: Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được tới trái tim
“Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm,[…] bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu.”
Thành công của Starbucks là một trong những câu chuyện kì diệu nhất về kinh doanh trong suốt nhiều thập kỉ. Một cửa hàng nhỏ ven sông Seatle rốt cuộc lại lớn mạnh và phát triển nên hơn một ngàn sáu trăm cửa hàng trên khắp thế giới và mỗi ngày lại có thêm một cửa hàng mới mọc lên.
Cuốn “hồi kí” của CEO Howard Schultz đã ra đời từ lâu nhưng càng ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn, tính thời đại của nó. Có lẽ bởi nó không hàm chứa những lý thuyết, giáo điều, những bảng phân tích số liệu chi tiết về nguyên nhân thành công hay thất bại… mà ngược lại, bằng cách kể chuyện “thủ thỉ tâm tình”, tác giả gửi gắm câu chuyện về niềm đam mê gắn kết những con người thành một đội ngũ vững chắc nhất, liên kết với nhau trong một mạch nối liền của cảm hứng sáng tạo bất tận và những nỗ lực không mệt mỏi vì một mục tiêu và ước mơ chung: dốc hết trái tim vào những gì mình cung cấp cho khách hàng để đem lại cho họ những trải nghiệm tuyệt vời và đặc biệt nhất.
“Dốc hết trái tim” không chỉ đơn thuần là bài học cho những người làm kinh doanh, là nguồn cảm hứng, động lực cho những người sinh ra với không nhiều điều kiện thuận lợi nhưng ôm mộng lớn làm giàu bằng chính sức mình, nó còn xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường cho những ai khao khát được làm truyền thông chân chính, làm truyền thông bằng con đường ngắn nhất nhưng cũng gian nan nhất, chính là điều mà bao người tâm đắc sau khi đọc cuốn sách: “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim”.
Bởi xét cho cùng, truyền thông là gì nếu như không phải là nỗ lực xây dựng các mối quan hệ bền chặt? Starbucks đã ràng buộc những mối quan hệ xung quanh bằng sự chân thành và nỗ lực đem đến cho họ những giá trị thực sự chứ không phải cách các doanh nghiệp thực hiện “trách nhiệm xã hội” hời hợt bề nổi như hiện nay.
Cuối những năm 1980, hiếm khi người ta nhận thấy một sự hào phóng nào từ các chủ doanh nghiệp, chi phí y tế leo thang buộc rất nhiều giám đốc tại Mỹ cắt giảm phúc lợi. Trong khi các doanh nghiệp khác trả mức lương tối thiểu, cắt giảm tới mức tối đa cho nhân viên của mình thì Starbucks lại nhận thức một vấn đề hoàn toàn khác: “Những người này không chỉ là trái tim và tâm hồn mà còn là diện mạo của công ty trưng bày ra trước công chúng”. Ông đặt ra giả thiết “Nếu vận mệnh công ty nằm trong tay một nhân viên 20 tuổi làm việc bán thời gian thì liệu bạn có nên coi anh ta là món hàng có thể hi sinh được?” và đi đến quyết định mở rộng chính sách y tế cho cả nhân viên bán thời gian. Ông đã đúng khi đối xử công bằng với tất cả mọi người để họ có cảm giác được trân trọng, sự đối đãi thịnh tình của Starbucks đối với nhân viên phản ánh tích cực qua cách họ đối đãi khách hàng. Rất dễ hiểu khi nhờ hành động đó, bản thân nhân viên ý thức được mình là một phần trong cuộc đua doanh số, chiếm lĩnh trái tim khách hàng của thương hiệu, chứ không phải kẻ làm việc bán thời gian, hết giờ làm là cởi bỏ hoàn toàn trách nhiệm.
Nếu ai đã từng biết đến khái niệm BRAND = IMAGE – khi mọi hình ảnh, mỗi cá nhân đều là đại sứ thương hiệu – điều mà mọi công ty đang nỗ lực cải thiện hiện nay thì đó chính là điều mà Howard đã làm được, và làm rất thành công từ hàng chục năm trước nhờ tư duy vượt thời đại. Trước khi nắm bắt trái tim khách hàng, ông chọn xuất phát điểm là trái tim nhân viên – cộng sự của mình.
Đó là bài học về xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đúng nghĩa, một đề tài đang được nói đến nhiều trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Trách nhiệm xã hội đó thể hiện trong những chuyện Starbucks đã làm: bên cạnh câu chuyện xây dựng mối liên hệ đặc biệt với nhân viên ở trên, Starbucks cũng chú trọng lợi ích của những nhóm liên quan khác. Với khách hàng – cam kết mang lại cho khách hàng cà phê ngon nhất với chất lượng tốt nhất, và mang lại cho khách hàng một trải nghiệm Starbucks tuyệt vời, biến các quán cà phê Starbucks trở thành “nơi chốn thứ ba” ngoài ngôi nhà và công sở; với cộng đồng – các chính sách giúp đỡ nông dân ở những nước trồng cà phê; với các cổ đông – luôn mang lại lợi ích cao nhất cho những đầu tư của họ…
Howard đã giúp Starbucks thực hiện cái điều mà người ta quen gọi là “Trách nhiệm xã hội” với một cái tâm trong sáng, không vụ lợi. Thương hiệu của Starbucks trong trái tim người thưởng thức phải chăng gây dựng từ thực chất những điều họ làm được, họ làm vậy vì thực sự họ muốn vậy chứ không cần đến một chiến dịch truyền thông với từng bước chi tiết hay những chiêu trò nhằm kích thích sự chú ý. Tất nhiên với truyền thông, không có khái niệm đúng hay sai, đen hay trắng, chỉ là vấn đề lựa chọn phương thức phù hợp để tiếp cận nhóm đối tượng phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất về doanh số. Thế nhưng hơn một lần trong cuốn hổi kí của mình, tác giả nhắc tới cụm từ “Mục đích của chúng tôi không phải là doanh số mà là đem đến trải nghiệm café đúng nghĩa”, chính tâm thế lên đường đó đã giúp Starbucks cán đích thành công, mà sự lớn mạnh của doanh nghiệp hiện nay là một minh chứng xác đáng.
“Mục đích của chúng tôi không phải là doanh số mà là đem đến trải nghiệm café đúng nghĩa.”
“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, Warren Buffet. Muốn đi được xa, điều cần làm là thuyết phục những người đồng hành, và “Dốc hết trái tim” sẽ thủ thỉ với bạn cách thức làm điều đó.
Với tôi, việc cuốn sách không phải là sách dạy truyền thông thuần túy tạo tâm thế dễ dàng hơn khi tiếp nhận, bạn không thể biết bạn sẽ có được những điều gì trong những chương kế tiếp, bạn say sưa với những câu chuyện trong hồi kí của một nhân vật tầm cỡ và bất chợt nảy ra cho mình một bài học. Đôi khi cả cuốn sách chỉ cho bạn có duy nhất một điều đó thôi, nhưng tôi dám chắc đó là điều bạn sẽ ghi nhớ nằm lòng!
“Dốc hết trái tim” là một cuốn sách rất đáng đọc, với những người làm truyền thông chân chính, hãy mở rộng trái tim và tự tìm cho mình những điều bạn tâm đắc.
* Bài viết đăng trên ybox.vn