Khi nào thì cần Quảng cáo gì?
Lẽ ra tôi đã nói phần này trong loạt bài "Ngành Quảng cáo hoạt động thế nào?" nhưng ... quên, nên đây có thể xem như Phần 3 của chuỗi bài viết (Phần 1, Phần 2 xem trong link) . Mục tiêu ban đầu của tôi khi viết bài ấy cũng là để các Sales (hoặc Account) nhận diện được khi nào thì đi tìm khách, và nên tìm ai, hoặc nên giới thiệu qua cho agency khác khi Client loại hình mà agency của bạn đang cung cấp không phù hợp.
Nhưng chỉ trả lời câu hỏi "Khi nào?" thôi thì không đủ vì mỗi ngành hành/sản phẩm có những đặc trưng khác nhau về sản phẩm cũng như khách hàng của mình, nên tôi sẽ lồng thêm một ít về "Hình thức Quảng cáo nào?" nữa.
Đầu tiên, khi nào Client Quảng cáo?
Đối với chiến lược Quảng cáo cũ, tức cũ theo lý thuyết Marketing chứ vẫn là điều đang xảy ra, có 3 cách phổ biến để hoạch định chiến dịch quảng cáo trong năm. Đó là:
- chiến lược liên tục,
- chiến lược ngắt quãng, (với "biến thể" nhịp đập)
- chiến lược tập trung
Từ cái tên chúng ta cũng có thể phần nào hình dung được, hoặc không thì xem hình ảnh minh họa bên dưới
Giả dụ đơn vị tính ở đây là tháng trong năm và loại hình chúng ta đang xét đến là Quảng cáo TVC. Khi đó các chiến lược sẽ có thể được hiểu như sau:
- chiến lược liên tục: TVC sẽ xuất hiện liên tục trong vòng 12 tháng
- chiến lược ngắt quãng: TVC có thể on air ở các tháng 1, 2, 5, 6, 10, 11, 12, và cầm chừng ở các tháng còn lại (với nhịp đập thì sẽ ngừng hẳn ở các tháng còn lại)
- chiến lược tập trung: TVC được chiếu một thời điểm trong năm như dịp trước Tết, hoặc dịp hè
Và đương nhiên, vì sự khác biệt đó nên mỗi loại chiến lược sẽ phù hợp với các ngành hàng hoặc sản phẩm khác nhau.
Đối với chiến lược Quảng cáo hiện đại, quy trình Quảng cáo cũng thay đổi theo hướng người tiêu dùng chủ động hơn. Điều này (chiến lược quảng cáo), vì thế phụ thuộc vào loại hình Quảng cáo mà Client lựa chọn. Ngoài bị ảnh hưởng bởi ngành hàng/sản phẩm và loại hình Quảng cáo (liên quan đến lợi ích và chi phí), chiến lược Quảng cáo còn bị tác động bởi độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng và giai đoạn trong chu kỳ sản phẩm.
Vậy Client chọn hình thức Quảng cáo nào?
Như tôi có nhắc đến ở trên, hình thức Quảng cáo được lựa chọn dựa trên lợi ích mà hình thức mang lại và chi phí bỏ ra để thực hiện loại hình Quảng cáo đó. Tôi xin nhắc lại 8 loại hình Quảng cáo sau: Advertising, Sales Promotion, PR, Event & Experience, Direct Marketing, Interactive Marketing, Word-of-mouth Marketing, và Personal Selling.
Để biết chính xác được loại ưu, nhược điểm cùng chi phí của các loại hình Quảng cáo thì tốt nhất vẫn là tìm hiểu từ thị trường. Vì vậy tôi sẽ không nói thêm mà chỉ đưa ra cho các bạn các nền tảng Quảng cáo thường dùng của mỗi hình thức Quảng cáo.
1. Advertising: báo in, radio, truyền hình, rạp chiếu phim, product placement, brochures, leaflet, billboard, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo hiển thị,
2. Sales Promotion: trò chơi, cuộc thi, xổ số, quà tặng, phần thưởng, thử nghiệm, triển lãm
3. PR: bộ tài liệu báo chí (press kit), bài diễn văn, hội thảo, báo cáo thường niên, quyên góp từ thiện, các ấn phẩm xuất bản, mối quan hệ cộng đồng
4. Event & Experience: các sự kiện thể thao, giải trí, nghệ thuật, lễ hội, hoạt động đường phố, tour tham quan nhà máy
5. Direct Marketing: gửi thư trực tiếp, catalog, telemarketing, TV shopping
6. Interactive Marketing: website & blog công ty, email, thương mại điện tử
7. Word-of-mouth Marketing: blog, forum, phòng chat (Zalo, Viber,...), trò chuyện
8. Personal Selling: gặp khách hàng, bài trình bày, mẫu thử
Việc còn lại các bạn có thể tự tìm hiểu từ các agency đang cung cấp dịch vụ tương ứng, sẽ hiệu quả hơn là tôi đưa ra.
Ở phần 1 và phần 2 tôi nhắc đến các đối tượng bên ngoài và bên trong ngành Quảng cáo, thì bài này, tôi mong muốn các Sales hiểu rõ mình hơn và sửa credential (nếu cần thiết) cho chính xác và pitch đúng Client, đúng thời điểm.