Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Pixar, Steve Jobs và hành trình giải phóng sự sáng tạo

"Đồ họa đẹp sẽ giữ chân chúng ta tiêu khiển trong vài phút, chính câu chuyện mới giữ chúng ta yên trên ghế."

To Pixar and Beyond

Trong cuốn sách “To Pixar and Beyond” do Levy Lawrence chấp bút – cựu giám đốc tài chính, người đã góp công rất lớn để hỗ trợ giúp Pixar niêm yết trên sàn chứng khoán – đã tiết lộ một vài câu chuyện thú vị và truyền cảm hứng cho những con người trẻ và đầy nhiệt huyết với khát vọng thay đổi thế giới, đặc biệt những ai làm việc trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ và nội dung.

Để có thể bao quát hết nội dung cuốn sách, chúng ta có thể chia quá trình tranh đấu thành 2 cột mốc chính:

  • Một, đó là cả quá trình huy động mọi nguồn lực để tìm ngân hàng đầu tư tham gia cho đợt IPO của Pixar. (Goldman Sacks và JP Morgan Stanley tuy không thành nhưng nó lại khiến cho việc IPO trở thành 1 hiện tượng lịch sử)
  • Và Hai, quá trình cân đo đong đếm các điều khoản trong bảng hợp đồng trói buộc của Disney và hành trình giải phóng sự sáng tạo của Pixar.

Tuy nhiên, ở bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập đến hai vấn đề chính mà giới marketing vẫn hay đề cập về nó: Content is King Pixar's Brand Value (nội dung là tất cả và giá trị thương hiệu).

To Pixar and BeyondContent is King

Chúng ta vẫn nghe nói rằng: Nội dung là vua. Nếu hiểu theo nghĩ đen, nếu nội dung là vua thì tất cả mọi thứ khác sẽ là tôi tớ. Nếu đã chọn được vua thì chúng ta chỉ cần dốc hết mọi nguồn lực mà đẩy nó lên. Nhưng thực tế được Levy nêu ra trong cuốn sách không phải vậy.

Pixar là một công ty công nghệ - chuyên sáng tạo về các mô hình chuyển động, các thiết kế nhân vật hoạt hình, các phối cảnh màu sắc phức tạp trên máy tính, nhưng nó cũng đồng thời là một công ty sáng tạo, về những câu chuyện nhân cách hóa những món đồ chơi, những loại côn trùng hay là những nhân vật giả tưởng để giúp chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn về cuộc sống đời thường bằng những ý nghĩa giàu tính nhân văn, xã hội trong ấy.

Pixar là một khối kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo – đã được định hướng thành một công ty giải trí. Levy cũng kể rõ quá trình để định hình Pixar thành một công ty là kết quả cuối cùng sau nhiều lần nhọc nhằn phân vân giữa định hướng: là công ty chuyên bán phần cứng hay nên là một công ty film người đóng...

Trở lại Content is King, Levy chỉ ra rằng, ngay đến các ông trùm của ngành sáng tạo thời ấy như Disney, việc xác định một bộ film có thể thắng lớn hay không ngay khi xem xong tác phẩm gần như release ra thị trường thì đó là điều không tưởng.

“Chúng tôi đầu tư 15-20 film, và không chắc một trong số chúng sẽ thắng.”

Thêm vào đó, với bộ máy nhân công đồ sộ, việc kiểm duyệt quy trình sáng tạo không chỉ có sự nhúng tay từ ban quản trị, các giám đốc chuyên môn sẽ góp ý và các nhà tài trợ film sẽ tham gia. Một căn phòng có quá nhiều ông sếp thì sẽ không có ai là sếp và kết quả cuối cùng sẽ không là sự chủ động, đó là sự tác động qua lại – là sự gọt giũa để khiến cho câu chuyện nguyên bản từ chính đội ngũ sản xuất sáng tạo phải thay đổi đế khiến nó “make sense” – phù hợp với ý nghĩ của số đông. Tuy nhiên, sáng tạo không phải thế.

Sự khác biệt không bao giờ đến từ số đông, mà là một ý tưởng độc đáo được vận dụng tinh tế có thể đi trước thời đại để tạo được ảnh hưởng lên số đông và từ đó, họ đã dần chấp nhận nó.

Steve Jobs và Levy cùng những nhà điều hành cấp cao John Lassester, Ed Catmull đã có những tranh đấu quyết liệt về kiểm soát sự sáng tạo. Phần thắng đã thuộc về những người định hướng và thực thi về sáng tạo là John và Ed. Điều đó có nghĩa, bất kì sản phẩm sáng tạo nào được đưa ra, Steve và Levy có thể thêm thắt và đưa ra một số gợi ý để thay đổi nội dung nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc John và những đạo diễn – phụ trách dự án phim đó.

Đó là một việc rất rủi ro, việc 2 người – một nắm về quản lí cả 1 công ty và một nắm về tài chính, không thể can thiệp quá sâu vào quá trình sáng tạo khiến họ vừa bị động với nhà đầu tư, vừa bị động với chính bản thân khi mà ảnh hưởng sau cùng nếu thất bại thì họ sẽ là người phải dọn dẹp bãi rác.

Nhưng cuối cùng, họ đã chấp nhận. Dù ban đầu có hơi đau đáu, lo lắng về kết quả kinh doanh cuối, những thay vì phó mặc, họ ủy quyền toàn bộ cho những người đứng đầu để chịu trách nhiệm sáng tạo. Đây không phải là một quyết định chính xác, cũng không hẳn là một sự trao quyền bất lực, chính ra nó là sự dũng cảm chấp nhận để có thể thực hiện đúng nguyên lý “Content is King”.

Pixar, Steve Jobs và hành trình giải phóng sự sáng tạo

Các nhà điều hành của Pixar năm 1997. Từ trái sang: Lawrence Levy, Ed Catmull, Steve Jobs, John Lassester và Sarah McArthur. Ảnh: Lawrence Levy.

Giá trị thương hiệu Pixar

Pixar từ khi đã tìm ra được định vị sẽ là một công ty giải trí, vốn nếu thành công sẽ đối đầu trực tiếp với kẻ khổng lồ Pixar trên đường dài. Việc Jobs và Levy phải tranh đấu, để dòng chữ Pixar được đặt ngang bằng, cùng kích thước, trưng bày ở bất kì loại hình quảng cáo nào không hề đơn giản. Họ phải đứng lên ngồi xuống không phải vì quyền lợi của mình, mà còn phải cân đo đong đếm cả quyền lợi của phía đang nắm ưu thế là Disney.

Có 4 việc làm mà Levy đã vạch ra trong sách, hay nói khác đi là hình ảnh 4 cột trụ tác giả đề cập trong sách:

  • Tăng phần chia lợi nhuận 50/50
  • Nắm quyền sáng tạo
  • Trao quyền mua cổ phiếu cho nhân viên
  • Thương hiệu Pixar

Điều mà Steve Jobs thực tâm quan tâm nhất đó chính là thương hiệu Pixar. Không phải là câu chuyện về tài chính về việc có nhiều lợi nhuận hơn, cái ông quan tâm là Pixar phải được mọi người biết đến như một công ty giải trí với khả năng sáng tạo vượt bậc.

Vì theo như thuyết âm mưu mà Levy nói về việc đầu tư cho 1 công ty không hề tăng trưởng trong suốt 10 năm với khoản tiền 50 triệu đô cho Pixar, Jobs đang muốn xây dựng Pixar theo hướng công nghệ để đây sẽ là một bước đệm để quay trở lại với khu chính điện tại Apple. Tuy nhiên, khi thực sự thấy được sự nỗ lực và những thành tựu vang dội từ team Pixar, ông đã chuyển hướng đi.

Pixar, Steve Jobs và hành trình giải phóng sự sáng tạo

Thành công của Pixar ngày nay, mang dấu ấn rất lớn từ Steve Jobs Ảnh: Pixar.

Nếu đọc kỹ, Levy đã khắc họa rất rõ nét sự căm ghét Jobs – người chủ sở hữu đáng khinh khi không trao cho họ quyền mua cổ phiếu cho nhân viên – vốn là mỏ vàng của bất kì startup nào tại thung lũng Sillicon Valley. Nhưng nhờ những thay đổi ở 4 cột trụ, dần dần các nhân viên cấp cao là John và Ed đã bắt đầu kết nối với Jobs, họ đã tìm được tiếng nói chung.

Một ý rất hay trong sách viết rằng, trong các buổi họp định hướng hay xem các sản phẩm demo thô của Cuộc chiến côn trùng, họ đã hỏi Jobs rằng “ý kiến của ông như thế nào?”. Dù Jobs đã tỏ ý không muốn bình luận và cứ chia sẽ họ cứ tiếp tục phát triển ý tưởng đó. Nhưng họ lại tiếp tục “nhưng chúng tôi thực sự muốn biết ông đang nghĩ gì về nó?”.

Khi được một người giám đốc sáng tạo hỏi một vị giám đốc điều hành câu hỏi đấy, chúng ta cảm thấy rất tự hào. Và người hỏi ý kiến Jobs lại chính là một huyền thoại về lĩnh vực thì ta lại càng thấy họ tôn trọng Jobs đến như nào dẫu cho tính khí ngang tàng khi trước IPO ông đã đối xử với mọi người.

Nếu bạn trung bình và tỏ ra khinh khi người khác, cái bạn nhận lại sẽ là cảm giác khinh thường tương tự. Nhưng nếu bạn là một thiên tài thực sự “+” đầy và đủ bản lĩnh để lèo lái con tàu đơn thân, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng hay khác đi là sùng bái. Và trên đời này, không nhiều người sở hữu được điều đó.

Ở Apple ông có thể la lối.

Ở NeXT Jobs có thể lớn tiếng.

Nhưng ở Pixar, người ta sẽ chỉ thấy Jobs đi quanh quẩn khắp công ty như đi dạo trong con phố công viên mà ông vẫn thường hay đi cùng người bạn của mình Levy khi bàn về các vấn đề cuộc sống, về tình hình tài chính của công ty và về Pixar. Ông bình lặng. Trầm tĩnh hơn những nơi khác. Vì ở đây, có lẽ ông đã nhận ra rằng mình đang làm việc cùng những nghệ sĩ sáng tạo đại tài của thế giới quy tụ nơi đây.

Cái Steve Jobs quan tâm là Pixar phải được mọi người biết đến như một công ty giải trí với khả năng sáng tạo vượt bậc.

Nói Content is King thì dễ, thực hiện quy trình mới khó.
Khi đã ra quyết định, phải quyết liệt theo đuổi nó đến tận cùng.

Có thể thấy, thành công của Pixar ngày nay, mang dấu ấn rất lớn từ Steve Jobs – một con người hết sức cay nghiệt nhưng có một tầm nhìn rất xa mà ít ai có thể sánh kịp. Và một sự đấu tranh quyết liệt từ đội ngũ nhân viên cấp cao của Pixar về việc kiểm soát đầu cuối quá trình sáng tạo – một sự toàn tâm toàn ý để khai phá những nhân vật hoạt hình và những câu chuyện đầy tính nhân văn, giáo dục.