Leo núi – 8 bài học áp dụng Luôn & Ngay
Trở về 1 ngày sau hành trình chinh phục Bạch mộc lương tử – Ngọn núi cao thứ 4 trên 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Với độ cao 3046m, hơn 40km đi bộ, leo – Bạch mộc lương tử xứng đáng là điểm khám phá thú vị cho dân leo núi.
Tôi – Một người thích thay đổi, thích khám phá thế giới, khám phá bản thân và cũng sợ chết như ai đó.
Đăng ký vào tour chinh phục Bach mộc lương tử, tôi hào hứng, tôi lo sợ và tôi hồi hộp. Giờ này khi đã về đến nhà, anh em trong team đã an yên bên gia đình, tôi thấy cần chia sẻ ngay những điều này:
01. CHUẨN BỊ là điều quan trọng nhất.
Cũng giống bao câu chuyện khác, với mỗi hành trình, mỗi kế hoạch nào đó, sự chuẩn bị (70%) luôn quyết định sự thành công (30%). Với leo núi cũng rứa, tìm hiểu về cung đường, chuẩn bị trang phục leo núi, chuẩn bị sức khoẻ, và chuẩn bị tinh thần luôn là sự cần thiết.
02. “THẦN THÁI” luôn là thứ tồn tại duy nhất.
Với leo núi, bạn đừng để khó khăn làm nản chí, đừng để mệt mỏi làm chùn bước & thậm chí đừng để cảnh đẹp làm xao lòng. Luôn giữ cho mình một “Thần thái” (Tinh thần) tốt, khi mệt mỏi hãy hít một hơi thật sâu, hãy suy nghĩ về những điều tích cực và giữ trên môi một nụ cười để bước tiếp. Cuộc sống cũng vậy, sẽ chẳng bao giờ trên con đường chúng ta đi toàn trải hoa hồng, sẽ có lúc khó khăn, lúc mệt trí. Nếu chúng ta luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tìm thấy những điều lý thú ngay cả trong những vấp ngã, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Ảnh chụp cùng Anh Kim Tuấn Thành, Giám đốc sáng tạo của ATH Design
03. “TẬP TRUNG” là con đường nhanh nhất.
Với những cung đường khó khăn, những đỉnh núi treo leo, nếu bạn không dành sự tập trung cho những bước chân, những cú bám chắc thì bạn đã FAIL trước khi lên tới đỉnh núi kia. Tập trung cực kỳ quan trọng trong công việc, trong cuộc sống. Khi bạn tập trung làm tốt nhất những điều bạn làm tốt thì con đường chúng ta đang đi sẽ gần hơn tới thành công.
04. Không phải là ĐÍCH ĐẾN mà là HÀNH TRÌNH chúng ta đã đi.
Ý nghĩa của việc chinh phục những đỉnh núi cao không phải là chúng ta lên được tới đỉnh của nó, không phải là bạn được selfie với cái tam giác bằng inox trên đỉnh. Điều tuyệt vời hơn cả là trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình chúng ta đã đi qua. Tôi vẫn nhớ như in những vách núi treo leo, những sống lưng núi hiểm trở, những rừng tre, rừng trúc, những bùn lầy, những tiếng suối róc rách, những cơn gió mát lạnh & cả những tiếng thở khi mệt. Trong cuộc sống tôi cũng tôn trọng những trải nghiệm của mình, sẽ có đúng có sai, sẽ có buồn có vui nhưng đó chính là hành trình mà chúng ta đến với đỉnh cuộc sống.
Đồng đội tôi là những Marketer, PR Manager, Event Director
05. NGƯỜI DẪN DẮT bạn là ai?
Với leo núi, người đi trước bạn là người giúp bạn leo nhanh hay leo chậm, leo an toàn hay mất sức. Tôi rất thích đi sau những bước chân của cô gái porter người dân tộc trong đoàn, những bước chân của cô thật chắc chắn, trọng tâm của những bước chân luôn đặt đúng chỗ khi lên và xuống. Trong cuộc sống thì điều này giống với câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, hay như “Chọn bạn mà chơi”. Chơi với những người tốt, những người có chung quan niệm sống – họ sẽ truyền thêm năng lượng tốt cho bạn, giúp bạn, chỉ cho bạn đúng – bạn sai để bạn tốt hơn.
06. CHIA NHỎ để TỐT LỚN
Với hành trình chinh phục độ cao 3046m tương đương với 42km, nó sẽ là một thử thách với người leo. Chúng ta không thể đi một mạch hành trình này một cách băng băng. Với chúng tôi, chúng tôi chia nhỏ hành trình thành nhiều hành trình nhỏ khác nhau, lượng theo sức mình, nhìn nhận những cung đường để có kế hoạch đi & nghỉ. Trong công việc cũng rất hay nếu chúng ta áp dụng điều này. Đừng nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ rồi ngồi than thở. Hãy bắt đầu làm, làm từng việc nhỏ, chia nhỏ từng công việc, có kế hoạch cho nó rồi tự nhiên việc sẽ nhanh chóng hoàn thành.
07. Luôn tìm thấy TÍCH CỰC trong những điều TIÊU CỰC
Anh bạn tôi – trong lúc mất phương hướng, anh lạc sang một con đường khác và lạc đoàn mất 3km. Anh làm chúng tôi lo lắng, chúng tôi hô vang cả núi rừng. Rồi cũng may mắn chúng tôi tìm lại được anh. Với anh đó sẽ là một trải nghiệm thú vị và cả chúng tôi cũng sẽ rút ra được những bài học sau việc đó của anh. Trong công việc, tôi bắt đầu nhận ra rằng, đừng buồn và thất vọng quá lớn nếu chúng ta bị fail một điều gì đó. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra được một điều gì đó tích cực, một bài học quý giá hay một điều gì đó khiến bạn bớt buồn, bớt lo lắng. Phải lấy lại ngay “Thần thái” tốt ở phần 02.
08. Thành quả được ghi nhận là của cả ĐỒNG ĐỘI.
Những cái bắt tay, những cái ôm sung sướng vì chúng tôi đã chinh phục được ngọn núi kia, đã chinh phục được bản thân mình. Nhìn lại toàn bộ chặng đường đã đi qua, chúng tôi thấy rằng thành quả kia không phải chỉ do mình cá nhân, tôi cảm ơn đồng đội vì đã luôn sát cánh, chia sẻ từng miếng bánh, ngụm nước, từng lời động viên mình. Thành quả ghi nhận đó là của cả Đồng đội tôi. Tôi nhìn lại hành trình của Doanh nghiệp mình, tôi thấy nó quá đúng, mọi thành quả dù to, dù nhỏ đạt được đều có sự đóng góp và ghi nhận của cả tập thể, của từng cá nhân. Tôi cảm ơn vì điều đó.
Sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời về chuyến đi này. Nếu bạn là một người chưa bao giờ dám thay đổi, chưa bao giờ dám thử thách thì hãy cho mình 1 PLAN leo trèo đi. Khá thú vị đấy. Bạch mộc lương tử là một hành trình khá ổn đấy!
Bài viết chia sẻ bởi Hoàng Dũng, CEO of ColorMedia