7 lỗi khiến tin nhắn của bạn vào thùng rác
Tiếp thị qua tin nhắn là hình thức thông thường và phổ biến nhất của tiếp thị trên điện thoại di động bởi tính dễ sử dụng, khả năng tiếp cận và tính tương tác cao. Tuy nhiên, nếu triển khai chiến dịch không đúng cách có thể ảnh hưởng đến kinh doanh và hình ảnh của bạn. Luôn chắc chắn bạn không mắc phải 07 sai lầm sau trong chiến dịch tiếp thị qua tin nhắn của mình
1. Không biết ai là người nhận tin nhắn
Tránh sai lầm theo kiểu gửi tin nhắn giảm giá vé xem phim tại rạp Quận 3, HCM cho người dùng cuối ở Dak Lak hay Cần Thơ.
Gợi ý:
- Luôn xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng của riêng bạn qua các kênh khác nhau (liên hệ qua website, đăng ký qua SMS, email, hội thảo, etc). Đây là nguồn dữ liệu quý giá nhất mà không ai có thể mang đến cho bạn.
- Đừng bao giờ đi thuê hoặc mua database. Điều đó là phạm pháp và lãng phí tiền bạc vì bạn chẳng bao giờ xác thực được độ chính xác của chúng.
- Nếu bạn mới gầy dựng công việc kinh doanh và chưa thể xây dựng nguồn database ban đầu cho mình, hãy lưu ý rằng một số nhà mạng có hỗ trợ gửi tin quảng cáo đến những thuê bao đồng ý nhận tin quảng cáo từ nhà mạng. Bạn hoàn toàn có thể gửi tin nhắn đến khách hàng mục tiêu thông qua các tiêu chí chọn lọc theo khu vực, độ tuổi, giới tính, v.v.
2. Chọn loại tin nhắn không phù hợp.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại tin nhắn khác nhau với mức giá đa dạng để bạn chọn lựa. Việc chọn tin nhắn nào cho phù hợp sẽ tuỳ vào mức ngân sách cho phép và mục đích gửi tin nhắn.
Một số loại tin nhắn phổ biến để bạn chọn lựa:
- Tin nhắn gửi từ số điện thoại lạ: 0934235456, 01223456434, v.v: Đây là loại tin nhắn có chi phí rẻ nhất, độ nhận diện thương hiệu gần như bằng 0, vì vậy, nó cũng được dùng để spam và lừa đảo nhiều nhất. Nên hạn chế tuyệt đối việc sử dụng tin nhắn này nếu bạn không muốn làm mai một hoặc phá huỷ hình ảnh thương hiệu của mình.
- Tin nhắn gửi từ đầu số 8xxx, 1900xxxx: Loại tin nhắn này có chi phí vừa phải, tuy nhiên độ nhận diện thương hiệu không thực sự cao nếu bạn dùng chung đầu số với nhiều công ty khác. Hãy chọn đầu số nào càng ít được chia sẻ càng tốt, hoặc thậm chí có thể xây dựng riêng cho mình một đầu số để sử dụng.
- Tin nhắn thương hiệu (Brand SMS): Đây là loại tin nhắn có độ nhận diện thương hiệu tốt nhất vì khi gửi, người nhận tin sẽ thấy thương hiệu của bạn (HSBC, ANZ, ACB, v.v) thay vì là một số điện thoại lạ hay một đầu số. Loại tin nhắn này được chia ra làm hai loại: tin chăm sóc khách hàng (mức cước cao hơn) và tin nhắn quảng cáo (giá thấp hơn).
3. Không chọn thời gian gửi tin phù hợp
Bạn chắc chắn không muốn nhận được thông điệp quảng cáo khi còn sáng tinh mơ, trong giờ nghỉ trưa hay khi đang yên giấc tối. Hãy chắc chắn bạn cũng đừng làm điều đó với khách hàng của mình.
Gợi ý:
- Thông thường, thời gian gửi tin tốt nhất là từ 8:30 - 11:30, 14:30 -17:00.
- Tuỳ vào tính chất của sự kiện, nhãn hàng, hay tập khách hàng của bạn mà chọn thời gian sao cho hợp lý nhất để gửi tin cho phù hợp.
- Không nên gửi tin nhắn trễ sau 17:00, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như chương trình giảm giá theo giờ vàng chỉ áp dụng tại các trung tâm mua sắm vào thời gian buổi tối hay đại loại như vậy.
4. Không kiểm tra nội dung tin nhắn trước khi gửi
Cho dù bạn đang phải chạy theo deadline, đừng bao giờ quên kiểm tra lại nội dung tin nhắn. Bạn nên gửi thử nội dung xuống máy của mình trước khi gửi đồng loạt cho toàn bộ khách hàng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của khách hàng nhận tin để xem xét nội dung tin nhắn:
- Các chi tiết đã thực sự chính xác và rõ ràng?
- Lợi ích của khách hàng đã được làm nổi bật chưa?
- Nếu tôi muốn sử dụng quyền lợi trong nội dung tin nhắn này thì phải làm gì?
Gợi ý: Hãy chắc chắn các chi tiết sau luôn chính xác:
- Chính tả
- Địa chỉ website, đường link
- Thông tin liên hệ.
5. Thiếu yếu tố ‘Call to Action’
Thật ngớ ngẩn nếu bạn cố tạo sự tương tác với khách hàng nhưng lại không cho họ biết phải làm gì. Đừng quên gợi ý cho khách hàng về bước tiếp theo và luôn kèm theo thông tin liên hệ.
Gợi ý: Luôn chắc rằng tin nhắn của bạn đã gồm một trong các thông điệp, lời mời sau:
- Ghé thăm cửa hàng (kèm địa chỉ)
- Địa chỉ truy cập website (website của bạn có hỗ trợ phiên bản mobile)
- Liên hệ hotline
- Đổi coupon tại cửa hàng
- Phản hồi tin nhắn
6. Khiến khách hàng bị bội thực tin nhắn
Trong tình trạng khách hàng ‘đã’ bội thực với các tin nhắn rác từ các số điện thoại lạ như hiện nay, bạn phải luôn cân nhắc liệu tin nhắn có mang lại giá trị cho khách hàng được nhận không, tần suất gửi tin có dày quá không, loại tin nhắn bạn dùng đã phù hợp chưa (tốt nhất là dùng tin nhắn thương hiệu (brand SMS) để nâng cao độ tin cậy với khách hàng cũng như độ nhận diện thương hiệu của bạn)
Chắc chắn rằng bạn KHÔNG mắc phải các sai lầm đại loại như:
- Một nội dung, gửi hai lần
- Yêu cầu khách hàng thực hiện việc đã hoàn thành. Ví dụ yêu cầu khách hàng thân thiết đăng ký làm thành viên. Để chắc chắn điều này, bạn phải quản lý danh sách và nội dung gửi đến khách hàng thật chi tiết và tỉ mỉ.
7. Đừng có lúc nào cũng ‘Bán hàng, bán hàng và bán hàng’
Tạo thiện cảm với khách hàng bằng giá trị cộng thêm thay vì chỉ tập trung vào bán hàng.
Gợi ý: Bạn nên đa dạng hoá các mục đích khác nhau khi sử dụng tin nhắn để mang lại giá trị trọn vẹn hơn cho khách hàng của mình, ví dụ:
- Thông tin chăm sóc khách hàng (tích luỹ điểm, lợi ích dành cho khách hàng thân thiết, v.v)
- Tin nhắn chúc mừng sinh nhật, lễ, tết, v.v.
- Thông tin có ích khác cho khách hàng. Ví dụ: nếu công ty bạn bán thuốc bảo vệ thực vật, bạn có thể gửi cho bà con những tin nhắn thông tin mùa vụ, cách chăm sóc cây theo từng mùa, cảnh báo các dịch bệnh đang có tại khu vực của họ, v.v
Thực hiện một chiến dịch tiếp thị qua tin nhắn tưởng chừng rất đơn giản nhưng không hẳn như vậy. Hy vọng 7 gợi ý trên có thể giúp bạn tránh được những sai lầm cơ bản và mang lại thành công cho chiến dịch của mình.
Theo VIETGUYS JSC. - Mobile Marketing Solutions.