Lì xì online - chiêu "kinh doanh truyền thống" của marketer Trung Quốc
Mới trở nên phổ biến vài năm trở lại đây, nhưng lì xì điện tử đã tạo ra một cuộc chơi mới thu hút hàng tỉ lượt người mà báo chí nước này gọi là “văn hóa cướp hồng bao”.
Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán, thay vì loay hoay với phong bao đỏ và tiền mới, cô bạn tôi, Cố Hoa, nhân viên một công ty công nghệ tại Thượng Hải mở ứng dụng Wechat, chọn tính năng “phát hồng bao” để gửi cho họ hàng, bạn bè mỗi người 8.88 RMB, tương đương với 30,000 VND.
Nếu trao nhận trực tiếp, 8.88 tệ là là số tiền lì xì “keo kiệt” đến không tưởng so với mức sống ở các thành phố lớn Trung Quốc hiện nay, nhưng trên online, đây lại là bao lì xì được ưa chuộng nhất vì mang ý nghĩa “phát tài phát lộc không ngừng”.
“Tộc lì xì điện tử”
Cố Hoa chỉ là một trong hàng triệu fan trung thành của lì xì điện tử từ khi hoạt động này ra đời năm 2014 đến nay. Theo thống kê do nhà phát hành ứng dụng trò chuyện Wechat công bố, đêm giao thừa Tết Mậu Tuất vừa qua, đã có 688 triệu người tham gia hoạt động phát hồng bao, tăng 15% so với cùng kì năm trước. Còn nhớ Tết Đinh Dậu 2017, đã có 14.2 tỷ bao lì xì được trao nhận qua ứng dụng này, đỉnh cao vào sát thời điểm 0h có 760,000 bao được trao nhận mỗi giây. Ở các thành phố lớn, thay cho rút phong bao lì xì, ngay cả những người già như ông bà của Cố Hoa cũng bắt đầu rút điện thoại quét QR code để mừng tuổi cho con cháu.
Căn bệnh quốc dân “nghiện” điện thoại di động chỉ là một trong những nguyên nhân khiến người Trung Quốc ngày càng sùng bái lì xì online. Trao - nhận trong vòng vài giây, phí gửi 0 đồng, lẻ đến từng xu là những ưu thế mà lì xì theo cách truyền thống không tài nào sánh được. Đặc biệt, xu hướng “tặng nhau tiền lẻ” này được giới trẻ coi là một cuộc cách mạng, bởi nó giúp họ giảm đáng kể áp lực tài chính do truyền thống lì xì nhau mọi lúc mọi nơi của người Trung Quốc.
“Cậu phải tưởng tượng là ở Trung Quốc những năm gần đây, lì xì không còn là một lời chúc may mắn nữa, nó giống như một nghi thức cho tiền lẫn nhau. Không thể mừng tuổi các cháu dưới 200 tệ (khoảng 700,000VND) mà không bị xì xầm sau lưng. Nếu chỉ gồm các cháu ruột thì ok thôi, nhưng còn cháu họ xa, cháu hàng xóm và bất cứ đứa trẻ con nào xuất hiện ở đó thì sao? Mấy năm trước, lần nào đi chúc tết họ hàng, tôi cũng căng thẳng như thể đang đi đánh bạc mà cầm chắc sẽ thua vậy.”
Từ khi quyết định chuyển sang xài lì xì online, công cuộc chúc tết của Cố Hoa đã dễ thở hơn. Bao lì xì điện tử có hạn mức tối đa chỉ 200 RMB (xấp xỉ 700,000 VND), được chọn số tùy thích khiến người gửi lẫn người nhận không cần quá chú trọng số tiền, mà tập trung vào ý nghĩa chúc phúc của những con số: 68 (lục bát, hài âm với ‘lộc phát’), 69 (lộc lâu dài); 16.8 (thuận lợi phát tài), 17.88 (cùng nhau phát tài)...
Do dịp Tết Nguyên Đán năm nay gần với ngày Valentine, các đôi tình nhân cũng thỏa sức sáng tạo những món lì xì biết nói: 5.20 (anh yêu em/em yêu anh), 25.8 (yêu anh nhé), 13.14 (trọn đời trọn kiếp), 20.13 (yêu em trọn đời), 77.5 (hôn em)...
“Giữa lúc báo chí ngày ngày ra rả phê phán thực dụng lên ngôi, đạo đức xuống cấp thì hình ảnh một cô nàng kích động chạy vòng quanh kí túc xá chỉ bởi vài tệ lì xì có phải là rất nhân văn không?”, Cố Dĩnh, em gái Cố Hoa, sinh viên đại học hài hước nhận xét.
Đương nhiên, cũng có những đại gia mạng ‘lách luật' bằng cách gửi nhiều hồng bao cho một người. Nếu sử dụng hết số bao tối đa là 100, đối tượng nhận lì xì có thể thực sự đếm tiền mỏi tay theo đúng nghĩa đen với số tiền lên đến 20,000 RMB, tương đương với 65 triệu VND.
Văn hóa “cướp hồng bao”
Cuộc tăng tốc thần thánh của thanh toán điện tử đã thay đổi rõ rệt không chỉ hành vi mua hàng của người Trung Quốc, mà cả diện mạo ngành truyền thông tại đất nước tỉ dân. Mới trở nên phổ biến vài năm trở lại đây, nhưng lì xì điện tử đã tạo ra một cuộc chơi mới thu hút hàng tỉ lượt người mà báo chí nước này gọi là “văn hóa cướp hồng bao”.
“Cướp hồng bao”, hiểu đơn giản là người tặng “tung” một số bao lì xì với các mệnh giá lớn nhỏ khác nhau lên mạng, những người nhanh tay click sẽ “cướp” được bao lì xì. Số tiền này có thể dùng để mua vật phẩm trên mạng, mua hàng trực tuyến hay đổi thành hiện kim chuyển về tài khoản ngân hàng.
Phát triển từ hoạt động tặng thưởng và tương tác truyền thống, các công ty game online là người đi đầu trong việc tạo ra cộng đồng săn lì xì. Minh Nhật, một game thủ đang là du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, trong đợt Tết Nguyên Đán, cậu “cướp” được không dưới 30 triệu ngân lượng hồng bao, tương đương với số tiền cả triệu VND nạp vào.
“Để hồng bao bay” là hoạt động Tết Nguyên Đán thường niên của mạng xã hội Weibo. Thay vì tự mình xuất trận, mạng xã hội này tạo ra một nền tảng để các doanh nghiệp, cá nhân phát lì xì tri ân người ủng hộ hoặc thu hút thêm người theo dõi cho chính họ. Mỗi hồng bao thường có giá trị rất nhỏ, khoảng một đến vài tệ, nhưng qua mấy ngày tết, những “thợ săn” tài tình đã kiếm được hàng ngàn RMB. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản Alipay (nền tảng thanh toán online do Alibaba phát triển) để mua hàng online hoặc chuyển về tài khoản ngân hàng.
Bảng tổng hợp lịch phát và số lượng hồng bao phát ra của các tài khoản không chỉ giúp “tộc săn hồng bao” chủ động lịch “cướp” lì xì, mà còn trở thành cuộc chạy đua lên top của các thương hiệu và người nổi tiếng. Các fan có thể ủng hộ thần tượng của mình bằng cách góp thêm tiền vào quỹ hồng bao của họ. Trong đợt Tết 2017, tài khoản Weibo của diễn viên Phạm Băng Băng đã phát ra lượng lì xì trị giá 1.5 triệu RMB (gần 5 tỷ đồng), trong đó cá nhân người đẹp góp 160,000 RMB, số tiền còn lại đến từ 25 nghìn người ủng hộ. Ngôi sao trẻ Luhan phát ra số hồng bao trị giá 900,000 RMB, trong đó tự anh bỏ ra 10,000 RMB, số còn lại do 59 nghìn fans cùng đóng góp. Số tiền mỗi fans đóng góp đa phần chỉ một vài RMB, nhưng cá biệt cũng có những fans tích cực góp tới vài chục ngàn RMB.
Đi đầu trong nhóm các công ty công nghệ là OPPO với 1.8 triệu RMB, Meizu 1.75 triệu RMB, theo sát đó là các thương hiệu như VIVO, Samsung, Xiaomi, Nokia…, chưa kể các thương hiệu con của những đại gia này. Với tư cách bán chủ nhà, Tmall của Alibaba khá xông xênh với 5 triệu RMB, tương đương 16.5 tỷ đồng.
“Thay vì dồn toàn bộ tiền đầu tư cho quảng cáo, chúng tôi dành lại một phần để đầu tư trực tiếp cho khách hàng”, Phùng Lệ Lệ, chuyên viên truyền thông một công ty giải trí trực tuyến chia sẻ với chúng tôi. Cô cũng tiết lộ, trong môi trường cạnh tranh quá sức khốc liệt như ở Trung Quốc, chi phí này là quá rẻ để khiến người tiêu dùng có ấn tượng và cảm tình với thương hiệu của mình.
Về những ý kiến trái chiều xung quanh hiện tượng vào những ngày sát tết, nhân viên văn phòng bỏ bê công việc để “săn” lì xì, hoặc cho rằng hoạt động “cướp” lì xì đêm giao thừa làm mất ý nghĩa trân trọng vốn có của tục mừng tuổi đầu năm, Phùng Lệ Lệ tin rằng việc tranh nhau những bao lì xì mệnh giá nhỏ đầu năm mới chỉ khiến mọi người gắn bó với phong tục truyền thống hơn.
“Những người thủ cựu nói rằng chúng tôi đang kinh doanh truyền thống, nhưng họ không đưa ra được thống kê nào cho thấy lì xì online gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội hơn các hoạt động khác. Hầu hết những người tham gia cướp hồng bao không coi đây là một hoạt động kiếm tiền, với họ, đây đơn thuần là một game giải trí đầu năm. Ý nghĩa chúc phúc và chia sẻ tài lộc không còn hạn hẹp trong gia đình, bạn bè, mà có thể mở rộng ra cho toàn bộ khách hàng và công chúng.”
Đương nhiên, đó là nếu tạm bỏ qua chuyện hoạt động phát lì xì đang được mở rộng ra khắp các ngày lễ trong năm, hay sự hình thành của “tộc săn lì xì” với các group chia sẻ bí quyết giật hồng bao khá rầm rộ trên mạng kéo theo một số hiện tượng gian lận, lừa đảo. Dù sao, cướp hồng bao đã trở thành một phần của văn hóa. Nếu như năm 2015, dư luận còn băn khoăn khi tờ Xinhua lên tiếng cảnh báo về hiện tượng ngày tết chỉ cắm cúi cướp hồng bao, không trò chuyện với người nhà; cùng năm, cộng đồng mạng xôn xao chuyện một cô gái ở tỉnh Hà Bắc phải nhập viện trong trạng thái đột quỵ, cánh tay mất cảm giác sau hai ngày đêm không ăn không ngủ săn hồng bao; thì đến nay, “nghiện săn hồng bao” đã trở thành căn bệnh chẳng hề xa lạ. Thậm chí, không ít người đã bỏ việc để trở thành “thợ săn hồng bao” chuyên nghiệp, với thu nhập từ vài nghìn RMB một tháng trở lên. Cuối năm 2017, tiến sĩ Tất Khiếu Thiên của đại học Thanh Hoa đã trở nên sốt giần giật trên mạng sau khi đưa ra thuật toán nhằm săn hồng bao hiệu quả nhất.
Nhiều số liệu cũng chỉ ra, thay vì nằm yên trong tài khoản ngân hàng, hàng tỉ RMB dưới hình thức lì xì đã được luân chuyển qua các hệ thống thanh toán điện tử, một phần lớn trong đó chuyển hóa vào các tài khoản mua hàng trực tuyến như ví Weibo, ví Wechat, trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế đầu năm.
Huyền Dương
Content Manager - Admicro