Thương mại điện tử Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á

Năm 2017, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực như với sự đầu tư của nhiều đại gia quốc tế như Alibaba và JD.com.

Các doanh nghiệp nội cũng tham gia cuộc chơi ngày một tích cực hơn với việc Thế Giới Di Động chào đón thành viên mới như Vuivui.com và sát nhập chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh.

Theo báo cáo Bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á 2017 của iPrice, được tổng hợp từ 1,000 doanh nghiệp thương mại điện tử tại 6 thị trường Đông Nam Á, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều con số tăng trưởng tích cực so với các quốc gia khác.

Việt Nam có mức tăng trưởng thiết bị di động ấn tượng nhất Đông Nam Á

Theo iPrice, tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam có mức tăng tưởng cao nhất Đông Nam Á, ở mức 26% trong năm 2017.

Mặc dù khi so sánh với các quốc gia Đông Nam Á khác, tỷ lệ người dùng internet mua sắm internet của Việt Nam không cao bằng, nhưng năm vừa qua là năm Việt Nam có mức tăng trưởng bùng nổ. Cũng theo một báo cáo của Wearesocial về Internet năm 2017, Việt Nam là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á có tăng trưởng tỷ lệ người sử dụng di động cao nhất (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng cao nhất Đông Nam Á

Cũng theo nghiên cứu của iPrice, Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn hẳn so với mức trung bình của khu vực (gấp 1,3 lần mức trung bình).

Tuy nhiên, một điểm khác cần lưu ý là giá trị đơn hàng của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực (giá trị đơn hàng của Singapore cao gấp 3,7 lần so với Việt Nam), cho thấy người Việt vẫn còn dè dặt khi đặt hàng những sản phẩm có giá trị cao.

Các doanh nghiệp Việt hiện tại cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi trả hàng, khi việc đổi trả phải phối hợp với đơn vị vận chuyển thứ 3.

Người Việt thường mua hàng vào trước giờ trưa

Khác với các quốc gia Đông Nam Á khác, thường mua sắm vào thời điểm nghỉ trưa từ (từ 12h trưa đến 2h trưa), thời gian mua sắm đỉnh điểm của người Việt diễn ra vào khung giờ 11h trưa.

Thêm vào đó, như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, người Việt cũng chuộng mua sắm vào thời điểm từ 9h đến 17h (là khung giờ đi làm và đi học). Chỉ riêng Singpapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có lượng người mua sắm nhiều nhất vào thời điểm tối, sau khi tan sở.

Chuyển khoản và COD là hình thức thanh toán chủ yếu tại Việt Nam

Hai hình thức thanh toán phổ biến nhất ở Việt Nam là chuyển khoản (88%) và thanh toán khi nhận hàng (82%). Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Tại Singapore và Malaysia chỉ 20% doanh nghiệp hỗ trợ hình thức này.

Phương thức thanh toán trả góp và giao dịch tại điểm bán tại Việt Nam cũng cao nhất so với các quốc gia Đông Nam Á, lần lượt có con số 49% và 47%.

Lý giải cho việc này, đa phần doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam thuộc mảng điện thoại, điện máy gia dụng sở hữu hệ thống bán lẻ trên toàn quốc như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hay FPT Shop. Tất cả đều có chính sách mua hàng trả góp trong vòng một năm và họ áp dụng hình thức này cho cả khách hàng mua sắm trực tuyến.

Bản đầy đủ của báo cáo có thể được download tại đây.

Theo: iPrice Insights