Làm thế nào để đo lường hiệu quả của một chiến dịch SMS Marketing?

Ngày nay khi các kênh truyền thông kỹ thuật số lên ngôi, việc đo lường hiệu quả của một chiến dịch marketing dường như trở nên dễ dàng hơn. Facebook, Google, Youtube, Ads Network… tất cả đều xuất ra được các chỉ số thống kê hiệu quả của một chiến dịch như lượt hiển thị, lượt xem, lượt click hay tỷ lệ chuyển đổi. Vậy câu hỏi đặt ra là: Trong kỷ nguyên số như vậy, một chiến dịch SMS Marketing được đo lương hiệu quả như thế nào? Và làm cách nào để đo được các hiệu quả mà chiến dịch đó mang lại?

Làm thế nào để đo lường hiệu quả của một chiến dịch SMS Marketing?

Trước hết, hãy chắc chắn rằng danh sách khách hàng của bạn là phù hợp. Hiện nay ở Việt Nam, việc chạy một chiến dịch SMS Marketing đều được hỗ trợ dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên ý thức được rằng cần phải lưu trữ thông tin khách hàng của mình, kể cả những người đã từng mua hàng hoặc những khách hàng ở dạng tiềm năng. Đó là nguồn tài sản vô cùng quý giá để doanh nghiệp có thể khai thác, chăm sóc và biến họ trở thành khách hàng trung thành với mình. Nhưng trong trường hợp các doanh nghiệp mới thành lập, chưa đủ dữ liệu khách hàng và cần đẩy doanh thu nhanh thì dữ liệu được cung cấp từ nhà mạng là một nguồn khá “ngon, bổ và rẻ”. Hiện nay các nhà mạng đều có thể cung cấp dữ liệu số điện thoại được phân chia theo khu vực, độ tuổi, giới tính và thu nhập (ước tính trên mức cước điện thoại sử dụng hàng tháng). Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định bảo mật trong ngành viễn thông, danh sách số điện thoại này chỉ được sử dụng để chạy chiến dịch cho doanh nghiệp mà hoàn toàn không được tiết lộ. Điều này cũng gây hoài nghi cho các doanh nghiệp về tính chính xác của các dữ liệu này. Thực tế các nhà mạng cũng chỉ đảm bảo 70% – 80% tính chính xác của dữ liệu mà họ cung cấp, do việc đăng ký thông tin thuê bao điện thoại mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn còn những vấn đề nhỏ chưa thể giải quyết được. Vậy để đảm bảo rằng dữ liệu là chuẩn xác và chất lượng, các doanh nghiệp nên bắt tay vào việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cho riêng mình, ngay hôm nay!

Thứ hai, hãy làm cho nội dung tin nhắn của bạn có tính cụ thể và giới hạn về thời gian. Một tin nhắn có nội dung quảng cáo hoặc giới thiệu chung chung sẽ hoàn toàn không thể mang lại hiệu quả, hoặc nếu có thì nội dung đó phải gắn trong một chiến dịch tổng thể mà SMS chỉ là một phần bổ trợ thêm thông tin cho khách hàng về thương hiệu quả doanh nghiệp. Hãy tạo ra một nội dung có tính cụ thể về thời gian, địa điểm, ưu đãi, khuyến mãi để có thể kích thích khách hàng ngay khi họ đọc được tin nhắn. Nếu chương trình và dịch vụ của bạn phù hợp và thậm chí cao hơn là kích thích được nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ lập tức hành động. Khi đó hãy nhớ rằng một số hotline, một địa chỉ email hoặc đường link sẽ thứ mà khách hàng cần ngay lúc đó. Sau đó bạn chỉ cần đo lường bằng cách thống kê các cuộc gọi tới, các email phản hồi hoặc lượt click/follow trang của bạn. Nếu SMS nằm trong một chiến dịch tổng thể gồm nhiều kênh khác, hãy cố gắng tách biệt các thông tin liên hệ của bạn để có thể đánh giá được tường tận hiệu quả nó so với các kênh khác mà bạn đang triển khai. Hãy cố gắng cụ thể hóa nội dung và phân biệt hóa từng kênh để việc đo lường trở nên dễ dàng hơn.

Điều cuối cùng, hãy nhìn nhận SMS là một thành phần trong chuỗi các hoạt động marketing đồng bộ cho doanh nghiệp của bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng: Tôi cần doanh thu, tôi sẽ chạy SMS Marketing để tăng doanh thu ngay lập tức. Hãy có cái nhìn dài hạn cho một chiến lược tổng thể. Tất cả các kênh truyền thông số khác như Facebook, Google, Forum, Youtube.. đều khó có thể mang lại hiệu quả nếu như nó được thực hiện đơn độc. Hãy kết hợp SMS với các kênh khác, cùng bổ trợ cho nhau để tiếp cận tối đa khách hàng mục tiêu của bạn và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Cuc Nguyen
VMG Media – https://www.brandsms.vn