Ai nên làm in-house, ai nên làm agency?

Đây là câu hỏi không chỉ sinh viên mới ra trường mà còn là những người đã đi làm vẫn thường tự hỏi bản thân, liệu mình hợp với vị trí nào hơn.

Trước hết để tồn tại được trong ngành truyền thông, không cần biết bạn đang làm in-house hay agency, chắc chắn bạn phải là người sáng tạo và luôn yêu thích những điều mới mẻ. Nếu không thì bạn đã thua ngay từ khi đặt chân vào nghề.

Nên làm in-house nếu bạn:

  1. Bạn muốn trở thành chuyên gia truyền thông trong một lĩnh vực xác định như giáo dục, công nghệ, y tế, FMCG… vậy hãy chọn các doanh nghiệp về các lĩnh vực đó để làm việc. Điều đó cũng có nghĩa bạn phải xây dựng một mạng lưới mối quan hệ trong ngành tốt ví dụ như các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông, các đối tác, KOL, những người quan tâm đến lĩnh vực bạn đang truyền thông.
  2. Bạn là tuýp người thích sự ổn định, làm việc có kế hoạch rõ ràng theo giai đoạn 5 năm, 1 năm, từng quý, tháng, tuần rõ ràng và không thích sự xáo trộn.
  3. Bạn mong muốn được thăng tiến theo đúng lộ trình nghề nghiệp.
  4. Các kỹ năng của bạn đồng đều, ít nhất có tư duy bằng hình ảnh, có khả năng copywriting…

Ai nên làm in-house, ai nên làm agency?

Nên làm agency nếu bạn:

  1. Bạn yêu thích được làm việc và va chạm với nhiều ngành nghề khác nhau.
  2. Bạn chịu được áp lực cao từ “tứ phía”: khách hàng, sếp, đồng nghiệp và… khách hàng
  3. Bạn sẵn sàng làm việc quá giờ và chấp nhận người quản lý thời gian của bạn chính là khách hàng của bạn.
  4. Bạn muốn thu nạp nhiều kiến thức chung về thị trường, về các ngành, muốn có kinh nghiệm càng nhanh càng tốt hay khả năng tư vấn, lập chiến lược cho brand, ngân sách, đánh giá hiệu quả chiến dịch.
  5. Bạn muốn network của mình đa dạng và rộng lớn: từ nhà cung cấp tổ chức sự kiện đến đơn vị in ấn, MC, nhà báo, hệ thống địa điểm tổ chức sự kiện, các hot bloggers, vloggers, các channel lớn, các agency booking khác…

Con đường nào tốt nhất cho sự phát triển bản thân

Thật ra không có người nào hoàn toàn sinh ra để làm cho in-house hay agency. Bạn nên hỏi rằng lúc nào mình nên làm agency, lúc nào nên làm in-house?

Thực tế đã chứng minh, lộ trình làm việc lý tưởng của một người làm truyền thông là làm agency sau đó đến PR in-house: Đầu tiên nên làm việc trong môi trường agency sau đó chọn một ngành nghề bạn yêu thích và cảm thấy mình giỏi trong lĩnh vực đó để chuyển sang môi trường in-house. Bởi lẽ, khi vừa ra trường bạn có nhiều thời gian để học hỏi, va chạm, được sai lầm, rút kinh nghiệm, tích lũy những mối quan hệ cơ bản với các nhà cung cấp, đơn vị truyền thông… Chưa kể bạn chưa bị ràng buộc quá nhiều các nghĩa vụ cá nhân khác, do đó bạn có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, dùng cả tuổi thanh xuân để phát triển bản thân về mọi mặt trong công việc. Tuổi thanh xuân, hãy khoan nghĩ về chuyện cân bằng trong cuộc sống, cứ thử đặt công việc lên đầu trong giai đoạn này, sau này cũng sẽ được "trường sinh bất lão".

Ai nên làm in-house, ai nên làm agency?

Về sau, khi đã tìm thấy ngành nghề yêu thích và cảm thấy cứng cáp, bạn nên làm việc tại in-house. Nhiều người cho rằng làm in-house là chọn con đường nhàn hạ, yên ổn nhưng đó không phải do môi trường mà do mục tiêu của bạn. Mục tiêu sự nghiệp của bạn càng thấp thì mức độ “nhàn” càng cao và ngược lại.

Vậy khi làm in-house bạn sẽ nhận được điều gì? Bạn sẽ thuộc tổ chức có gắn kết chặt chẽ và chuyên nghiệp trong cơ cấu nhân sự chứ không đơn thuần lãnh đạo theo dự án. Thay vì lập các kế hoạch mang tính chất ngắn hạn, chiến dịch, bạn phải phóng tầm mắt ra xa để lập kế hoạch và định hướng về danh tiếng lâu dài cho tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy bài toán đặt ra cũng rộng hơn bao gồm cả lãi, lỗ, thu chi… Bài học mà bạn có được từ in-house còn là bài học quản lý nhân sự, cách đánh giá hiệu quả công việc, nhân sự, văn hóa doanh nghiệp… Và tất nhiên, mối quan hệ của bạn cũng phát triển ở mức sâu hơn và tập trung vào lĩnh vực bạn đang làm truyền thông hơn.

Mỗi người có một đam mê khác nhau. Có những người chỉ yêu thích làm Marketing ở agency để luôn được thay đổi ngành nghề truyền thông, khám phá nhiều sản phẩm dịch vụ mới lạ mà mình là người đầu tiên được biết đến sau nhà sản xuất. Có những người tìm thấy mục tiêu, lộ trình phát triển bản thân trong một doanh nghiệp nơi mà bài học về các quản lý và tổ chức nhiều không kém bài học về nghề.

Làm agency hay in-house là lựa chọn của bản thân mỗi người. Nhưng mục tiêu nghề nghiệp và sở thích mới là điều quan trọng nhất.