Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Khi nhắc đến một địa điểm đại diện cho đời sống nghệ thuật của TP. HCM, có lẽ không nhiều người nghĩ ngay đến nhà hát Hòa Bình - viên ngọc dường như bị bỏ quên bởi sự thừa nhận khiêm tốn từ công chúng về những đóng góp của nhà hát trong các sự kiện cột mốc của làng nghệ thuật thành phố. Và 2015 – nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập nhà hát, rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đang ấp ủ một chương trình làm thay đổi góc nhìn về nhà hát này.

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

1. Những điều DUY NHẤT chỉ có tại nhà hát Hòa Bình

Nhà hát Hòa Bình được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 26/4/1985 vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam nhằm tạo dựng một nơi chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân quân 10 nói riêng và cả nước nói chung. Đây là nhà hát lớn nhất Việt Nam – một công trình do chính người Việt xây dựng – kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, với sức chứa đến 2330 người cùng hệ thống sân khấu quay độc đáo, đường kính 22m. Do đó mà nhà hát Hòa Bình luôn là lựa chọn tối ưu để tổ chức các chương trình nghệ thuật, sự kiện mang tầm vóc lớn cả trong lẫn ngoài nước.(Sân khấu quay tại nhà hát có 3 mặt khác nhau nhằm tạo ra cảm giác mới lạ cho khán giả sau mỗi lần xoay chuyển cũng như thuận tiện cho việc chuẩn bị, dàn dựng sân khấu mà không cần phải che màn và chờ đợi MC “cứu cánh”; sau này vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, nhà hát Hòa Bình đã xây dựng sân khấu quay mới được đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, thiết kế theo dạng trục tròn, phân làm 2 mâm; hiểu theo một cách đơn giản thì khi ca sĩ đứng trên 1 mâm, xoay mặt về phía khán giả - mâm nằm trong, nhỏ hơn, cố định; mâm ngoài sẽ quay để chuyển cảnh; trong khi đó sân khấu cũ sử dụng bằng cáp một chiều – tương tự như hình chóp cụt có 3 mặt, tương ứng với 3 sân khấu, một khi sân khấu quay thì người đứng ở trung tâm sẽ chuyển động theo cùng)

Với mục tiêu sẽ trở thành nơi tổ chức những sự kiện lớn nhất, ngay từ đầu nhà hát Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư để có được một hệ thống hiện đại, nổi bật là sân khấu quay độc nhất Việt Nam như đã nói trên và cũng là sân khấu đứng đầu Đông Nam Á (từ những ngày đầu thành lập nhà hát đã được nhiều đoàn nghệ thuật từ Malaysia, Singapo, Thái Lan,…ghé thăm và học hỏi) hay “hố nhạc” dành cho dàn giao hưởng biểu diễn phía dưới mà không che khuất tầm nhìn của khán giả, nhà hát còn là nơi dành cho biểu diễn live, opera và vì đã được trang bị lỗ thoát âm nên cho dù âm thanh có lớn đến đâu vẫn không thể truyền ra bên ngoài được. Không chỉ là địa điểm ưu tiên cho hoạt động giải trí mà còn rất nhiều hoạt động về chính trị xã hội như lễ trao giải, các sự kiện mang tính nghi thức. Cũng vì thế, nhà hát Hòa Bình có riêng một đội ngũ bảo dưỡng trực thuộc biên chế để luôn đảm bảo tiêu chuẩn thiết bị tốt nhất và chỉ có nhà hát Hòa Bình với quy mô và tần suất hoạt động như vậy mới đủ kinh phí đầu tư vào khâu này.

Là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên nên nhà hát Hòa Bình cũng là cái nôi của rất nhiều tên tuổi trong giới nghệ thuật Việt Nam như đạo diễn Tất My Loan, Hiệp Nguyễn, Dương Thảo và các biên đạo múa Tấn Lộc, Phương Lịch, Hữu Trị, Thảo Dung,…

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Lớp Event Management của AiiM “cận chinh” nhà hát Hòa Bình trong chương trình học

2. Những biểu tượng nghệ thuật đi lên từ nhà hát Hòa Bình

Tính đến thời điểm nay, nhà hát đã trải qua 30 năm hoạt động. Ngoài việc phục vụ các chương trình nghệ thuật và các sự kiện văn hóa lớn, nhà hát Hòa Bình còn là đơn vị tổ chức những chương trình biểu diễn chuyên nghiệp đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng công chúng như:

- “Tuổi thần tiên” – chương trình từng trở thành cái tên gắn bó với thiếu nhi trong mỗi dịp hè về, khởi động từ 1993 qua các số 1,2,3,4,5,6 do đạo diễn Tất My Loan phác thảo và dàn dựng, sau 10 năm vắng bóng chương trình đã quay trở lại với màn “hồi sinh” đầy ấn tượng vào 6/2013 (nhằm kỉ niêm 20 năm ngày ra mắt). “Trở lại tuổi thần tiên” là chuyến đi của những giấc mơ diệu kỳ cũng như những phép màu có thật từ chính cuộc sống xung quanh mình (về chủ đề gia đình – chủ đề 2013). Chương trình được thực hiện bởi ekip chuyên nghiệp và đầy tâm huyết với sân khấu trẻ em: trang phục (nhà thiết kế Lê Minh Khoa), hoà âm - phối khí (nhạc sĩ Đức Trí), đạo diễn và biên tập (bộ đôi Tất My Ly - Tất My Loan) - đặc biệt còn có kỹ thuật 3D Mapping đẳng cấp do đích thân nghệ sĩ người Ý Fernando Toma dàn dựng.

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

"Tuổi thần tiên" ở những bước chập chững đầu tiên

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

"Tuổi thần tiên trở lại" 2013

Bên cạnh màn trình diễn đầy màu sắc không thể thiếu kĩ thuật trình chiếu 3D mapping - “đính” ánh sáng lên trên những cánh quạt lơ lửng

- “Duyên dáng Việt Nam” – ra mắt từ năm 1994 với mục đích tìm ra nguồn kinh phí lớn và ổn định cho quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình dành cho học sinh, sinh viên. Không đơn thuần là chương trình bán vé gây quỹ, Duyên dáng Việt Nam đã đưa vào một làn gió mới cho sân khấu ca nhạc bấy giờ và chương trình liên tục hoạt động cho đến hiện nay. Mỗi năm chương trình diễn ra từ 1 đến 2 chủ đề khác nhau ở một số thành phố lớn cả trong và ngoài nước, được dàn dựng quy mô, đậm đà bản sắc dân tộc. Tính đến năm 2015, Duyên dáng Việt Nam đã đi đến số 27 (chưa kể “Duyên dáng Việt Nam” đặc biệt tại Úc – chủ đề Xa và Gần, tại Tòa Thị chính Sydney (2/11/2005) và tại nhà hát Canberra, thủ đô Canberra (31/10/2005)) trong đó có đến 18 show diễn được thực hiện tại nhà hát Hòa Bình. Một điểm đặc biệt trong “Duyên dáng Việt Nam”: đạo diễn Tất My Loan cũng chính là người đặt ra nền móng đầu tiên cho chương trình này.

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Duyên Dáng Việt Nam ngày ấy

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Duyên Dáng Việt Nam bây giờ

Đó là cả sư khác biệt trên cùng một sân khấu nhà hát Hòa Bình trước và sau 20 năm

Một số chương trình nổi bật khác như: Bài ca không quên, Điểm hẹn âm nhạc 1 và 2, Tình ca 19, Tuổi 20, cải lương: Thanh xà Bạch xà, kịch: Tình nghệ sĩ, Chuyến tàu hoàng hôn và các chương trình sân khấu nhỏ cho thiếu nhi, sân khấu chuyên đề…

3. Điểm đến tin cậy của các ngôi sao thế giới

Không chỉ phục vụ đầy tính chuyên nghiệp cho chương trình nội địa, nhà hát vinh hạnh là nơi dừng chân của những nghệ sĩ danh tiếng quốc tế: Bryan Adams, John Denver, Patricia Kass, Jean-jacques và các chương trình nghệ thuật nước ngoài như: Thời trang Pierre Cardin Pháp, dàn nhạc giao hưởng Philadelphia Orchestra Mỹ, rối bóng Nhật Bản, liên hoan âm nhạc châu Á và gần đây nhất là buổi biểu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam của các nhân vật Disney siêu đáng yêu nằm trong tour “Disney Live – Mickey Magic Show” (24 - 28/9/2014) đã trở thành tâm điểm không chỉ ở những người hâm mộ nhỏ tuổi mà còn cả người lớn.

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Một số hình ảnh đáng nhớ từ Mickey Magic Show

4. Tạm kết

Nhà hát Hòa Bình đã đi được “nửa đời người”, không quá xưa để làm nên một chứng nhân lịch sử trăm năm tuổi, nhưng chặn đường 30 năm ấy là cả một cuộc hành trình trở mình, đổi mới từng ngày. Chúng ta có thể nhìn rõ được sự khác biệt giữa nhà hát Hòa Bình của những năm thế kỉ 20 và nhà hát Hòa Bình ở hiện tại. Trong tương lai, nhà hát sẽ là miền đất đầy hứa hẹn của nhiều sân khấu hiện đại và lôi cuốn hơn bao giờ hết. Hãy cùng đếm ngược đến ngày 22/4/2015 để chào đón sự bùng nổ hoành tráng nhân dịp lễ kỉ niệm 30 năm thành lập. Hy vọng nhà hát Hòa Bình sẽ nhận được nhiều sự thừa nhận và trân trọng đáng có từ những người yêu nghệ thuật và toàn thể công chúng.

Dưới đây là một số hình ảnh tham quan nhà hát Hòa Bình - địa điểm quen thuộc trong lịch trình học hỏi thực tế của lớp Event Management ở AiiM, chuyến đi tựa như một cuốn phim quay ngược về lịch sử phát triển ngành sự kiện tại Việt Nam.

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam

Nhà hát Hòa Bình - Cái nôi của làng nghệ thuật Việt Nam