[Tôi đi thuê] Chuyên gia tuyển dụng Facebook đọc gì trong CV của ứng viên?
“Nhà tuyển dụng thường chú ý điều gì khi lướt qua CV của các ứng viên?” là một trong những câu hỏi phổ biến nhất trên Quora, mạng xã hội cung cấp dịch vụ hỏi đáp gần giống với Yahoo Answer, nhưng có quy mô lớn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Ambra Benjamin, chuyên phụ trách tuyển dụng kỹ sư cấp cao tại Facebook, trước đó là Google và Expedia, đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này:
Tôi nghĩ điều này tuỳ vào từng nhà tuyển dụng cũng như tuỳ theo vị trí ứng tuyển. Hiện tại, công việc của tôi chuyên về tuyển dụng các kỹ sư ở vị trí cấp cao (senior level) nhưng trước đây tôi cũng đã từng trải qua quá trình tuyển dụng tân cử nhân (entry level) của các trường ĐH, và rõ ràng là có những tiêu chí khác biệt giữa 2 vị trí này.
8 điều tôi chú ý khi lướt qua CV của ứng viên cho vị trí trung hoặc cao cấp
- Vị trí gần đây nhất: Tôi thường cố gắng tìm ra vị trí gần đây nhất của ứng viên là gì và tại sao anh ta lại hứng thú với công việc mới này. Liệu có phải anh ta bị sa thải hay không? Hay anh ta chỉ làm ở vị trí đó trong một vài tháng? Và kinh nghiệm gần nhất này có liên quan gì tới công việc mà chúng tôi đang tuyển hay không?
- Danh tiếng công ty: Thú thật tôi là một người khá chú ý tới điều này. Không phải vì tôi nghĩ công ty này tốt hơn công ty khác, nhưng quả thực danh tiếng của doanh nghiệp giúp tôi kiểm tra thông tin ứng viên dễ dàng hơn. Một công ty danh tiếng tốt hơn thì chắc chắn thông tin cũng rõ ràng hơn là một công ty mà tôi chưa từng nghe tên bao giờ. Trong trường hợp đó, tôi sẽ phải đọc CV đó kỹ hơn một chút. Cũng chẳng phải vấn đề gì to tát trừ phi CV đó quá tệ trong trình bày. Tất nhiên, nếu gặp phải tình huống như vậy, độ hứng thú của tôi với CV đó sẽ giảm xuống.
- Kinh nghiệm tổng thể: Liệu ứng viên có phát triển theo thời gian trong sự nghiệp của mình hay không? Trách nhiệm của họ có tăng dần lên theo từng vị trí hay không? Những tiêu đề công việc đó có hợp lý không và quan trọng hơn những trách nhiệm mà họ từng trải qua có phù hợp với những gì chúng tôi cần hay không?
- Từ khoá (Keyword): Đây cũng là một cách để xem ứng viên có kinh nghiệm cho vị trí mà chúng tôi đang tuyển hay không. Cách kiểm tra nhanh khá đơn giản: Ctrl+F (tìm kiếm) với một vài từ khoá quen thuộc như: MBA, PhD, Stanford, Java, iOS hay bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ tới.
- Thời gian trống: Khoảng thời gian trống (gap time) của ứng viên sẽ không gây ảnh hưởng gì miễn là họ có một lời giải thích cụ thể cho khoảng thời gian đó. Bạn phải nghỉ làm 3 năm để nuôi con ư? Quả ổn, tội thậm chí còn phục bạn sát đất luôn. Hay bạn tự phát triển dự án của riêng mình nhưng thất bại thảm hại? Rất ấn tượng! Nhớ là cần có giải thích đi kèm. Nếu không, chúng tôi sẽ nghĩ là bạn bị thất nghiệp trong thời gian đó.
- Sự hiện diện online của bạn: website cá nhân, LinkedIn, Twitter, Github hay Dribble hoặc bất kể điều gì khác mà bạn có thể “khoe” với tôi. Nơi làm việc: Tất nhiên, tôi luôn để ý tới những ai có thể làm việc được ở Mỹ vì công ty chúng tôi ở đây.
- Đánh giá tổng thể: Bao gồm lỗi chính tả, ngữ pháp, cách diễn đạt trong CV có rõ ràng hay không
- Tổng thời gian cho 8 điều trên: không quá 30 giây.
Chắc chắn sau đó tôi sẽ tiếp tục đọc kỹ hơn những CV đó, nhưng chủ yếu là những CV mà tôi thấy thích thú. Và mỗi CV sẽ tốn của tôi thêm khoảng 1 phút để biết chắc mình có nên đánh dấu hồ sơ đó lại hay không. Đặc biệt với những ứng viên lọt tiếp vào vòng sau, tôi sẽ đọc rất kỹ trước khi nhấc máy thông báo với họ qua điện thoại. Tất nhiên, với những ai không vượt qua được 8 tiêu chuẩn trên, tôi nghĩ 30 giây ban đầu đã là quá đủ rồi.
4 điều tôi ít khi chú ý
- Bằng cấp: Chỉ trong tháng vừa rồi, tôi đã phải đọc qua hàng trăm CV nhưng chưa một lần chú ý tới mục này. Tuy nhiên, phải nói rằng điều này còn tuỳ vào vị trí cũng như chính sách từng công ty. Với những công ty công nghệ, kinh nghiệm luôn là ưu tiên số 1. Còn đối với các công ty tư vấn chiến lược, bằng cấp luôn là cần thiết để thuyết phục khách hàng. Tất nhiên, các công ty có danh tiếng lớn như Google hay Facebook luôn có yêu cầu cao hơn về bằng cấp.
- Định dạng CV: Có thể bạn chuẩn bị một CV rất sáng tạo và bắt mắt, nhưng cần nhớ rằng, đa số CV của ứng viên sẽ được xử lý bằng hệ thống và những gì còn lại chỉ là con chữ mà thôi. Tuy vậy sẽ luôn có ngoại lệ. Nếu tôi thực sự hứng thú với một ứng viên nào đó, 90% tôi sẽ đọc CV gốc mà ứng viên đó gửi đến. Và hãy nhớ luôn gửi CV của mình ở dạng PDF. Thông tin không cần thiết: Không phải bất cứ điều gì về bạn tôi cũng muốn biết.
- Tình trạng hôn nhân, gia đình và ảnh cá nhân. Điều này cũng còn tuỳ thuộc vào văn hoá ở mỗi nước, nhưng ở đây, chúng tôi thật sự không muốn biết những điều đó. Nếu quả thật tôi muốn biết bạn trông như thế nào, tôi sẽ vào LinkedIn của bạn để xem.
- Thư xin việc (Cover Letter): Ở các công ty lớn, chúng tôi thường bỏ qua điều này. Có thể đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, đây là cách để một ứng viên trở nên nổi bật nhưng ở Facebook, hầu hết đồng nghiệp của tôi ở phòng nhân sự đều bỏ qua nó. Tất nhiên cũng sẽ có ngoại lệ. Do vậy, nếu có gửi, hãy chắc chắn nó phải thật sự hay và súc tích.
Những điều tôi muốn các ứng viên làm nhiều hơn
- Làm CV trở nên cá tính hơn: Chúng tôi phải đọc hàng trăm CV mỗi ngày, và tôi phải nói thật điều này quả rất buồn chán nếu các CV đều viết theo một phong cách giống nhau. Vì thế, một điều gì đó vui vui hoặc khác biệt có thể sẽ giúp ích chúng tôi rất nhiều. Và cả cho bạn nữa. Hiển nhiên là chúng tôi sẽ có cảm tình với hồ sơ của người đã xua đi sự buồn chán cho mình. Tất nhiên bạn vẫn luôn phải giữ CV thật chuyên nghiệp, nhưng sẽ luôn có cách để bạn thể hiện sự cá tính ở đây. Khá nhiều đồng nghiệp của tôi ở đây từng có CV như vậy.
- Liệt kê những dự án cá nhân của bạn: Trong các cuộc phỏng vấn sau đó qua điện thoại, tôi thường hỏi ứng viên rằng “Bạn thường làm gì khi rảnh rỗi?” Tôi luôn muốn hỏi điều này bởi tôi muốn biết ứng viên của mình có đam mê như thế nào sau giờ làm việc.
- Sử dụng font chữ và màu sắc cho khéo léo và dễ đọc.
Những điều các ứng viên không nên làm
- Sử dụng template CV có sẵn
- Liệt kê mục tiêu nghề nghiệp ở đầu CV: Không cần thiết.
- Viết CV ở ngôi thứ nhất: tất nhiên là hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu bạn làm một cách khéo léo và thông minh.
- CV quá dài: Hãy chỉ làm như thế nếu bạn là một giáo sư với hàng loạt công trình nghiên cứu. Còn nếu không, làm ơn hãy viết CV ngắn gọn và súc tích thôi. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đọc và chúng tôi cũng chẳng muốn biết bạn đã từng làm bồi bàn ở McDonald vào năm 1998 đâu.
- Sử dụng lẫn lộn ngôi thứ và thì trong câu: Hãy chọn và chỉ sử dụng một ngôi và một thì trong CV của bạn. Với cá nhân tôi, ngôi thứ 3 và ở thì quá khứ là hợp lý hơn cả.
- Gửi bản cứng CV qua bưu điện, fax hay nộp tận nơi: Loại ngay lập tức.
- Gửi CV cho CEO: Có thể điều này là chấp nhận được ở các công ty nhỏ, nhưng hãy nhớ là tại các công ty lớn, các CEO chẳng có thời gian để mở CV của bạn đâu bởi việc này đã có bên HR chúng tôi phụ trách.
- Phóng đại hay nói dối trong CV: Dù thế nào đi nữa, không sớm thì muộn, sự thật sẽ luôn phơi bày.
Nguồn: Trí Thức Trẻ