4 Thách thức khởi nghiệp 2015
Bước sang 2015, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mới, với nhiều thách thức mới. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Startup, SME phải cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp nước ngoài khi năng lực còn nhiều hạn chế. Một trong những Thách thức đó đã được các diễn giả chia sẻ tại LifeB Forum 4: Thách thức 2015 do nhóm LifeB tổ chức. Chương trình có sự góp mặt của các Diễn giả: Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch/CEO Tập đoàn Thiên Minh, bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế, Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Kinh doanh PACE và Khách mời Nguyễn Xuân Đài - Giải nhất Khởi nghiệp quốc gia VCCI 2013, Giải nhất Hành trình vì khát vọng Việt 2013.
Các diễn giả, khách mời đã chia sẻ thẳng thắn 4 Thách thức Khởi nghiệp dưới góc nhìn của mình:
I. THÁCH THỨC ẢO TƯỞNG – Khách mời Nguyễn Xuân Đài
Đây là thách thức mà hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều gặp phải khi đi từ ý tưởng đến thực tế triển khai. Nguồn gốc của những ảo tưởng này bắt nguồn từ những bộ phim, bài báo nói về khởi nghiệp kiểu như: “Cứ khởi nghiệp đi rồi sẽ thành công”, “Bắt đầu đi rồi bạn sẽ có kết thúc có hậu”…Những nguồn động viên này sẽ dễ khiến chúng ta mải mê với những viễn cảnh tốt đẹp tưởng tượng. Đó là chia sẻ của Nguyễn Xuân Đài, một bạn trẻ đã từng giành giải nhất 2 cuộc thi khởi nghiệp, chủ đề: “Ảo tưởng khởi nghiệp của tôi”
Thực tế thì, "Khi bạn đói thì bạn chẳng làm được gì chứ đừng nói là mơ mộng viển vông”
Khi phải đối mặt với cuộc sống thật sự, tiền ăn, tiền lương, tiền thuê văn phòng... Đài nhận ra rằng cuộc sống không hề dễ dàng và con người chẳng phải siêu nhân để có thể làm được tất cả mọi điều.
Giải pháp:
Hãy chuẩn bị tâm lý với mọi tình huống xấu nhất khi đối mặt với cuộc sống thực sự, tiền ăn, tiền lương, tiền thuê văn phòng…
“Những thúc ép tồn tại khiến tôi nhận ra mình chưa biết chú trọng đến dòng tiền tức thời, ngắn hạn, giống như cái xe cần được tiếp nhiên liệu hàng ngày. Bản thân tôi đã không nề hà, làm rất nhiều công việc khác nhau để nuôi bản thân và duy trì công ty” – Đó là cách thức Đài đã vượt qua trước khó khăn giai đoạn đầu khởi nghiệp.
“Luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài”
Thực tế là, “điều đó thật nực cười vì bạn chẳng phải trung tâm của vũ trụ”
Thực tế là, những nhà đầu tư cũng là những người hiểu rõ giá trị của đồng tiền và họ sẽ không dễ dàng đem tài sản của mình bỏ vào nơi không có hiệu quả.
Giải pháp:
Hướng sự tập trung, nguồn lực vào việc nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm để tạo sự khác biệt hơn là làm thế nào đểthu hút nhà đầu tư.Cần phải tìm ra và nêu được cái đặc sắc, điểm khác biệt của sản phẩm. Khi có rồi thì tự khắc sản phẩm sẽ có chỗ đứng, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến, là lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ về định hướng tập trung nguồn lực từ bên trong.
Đánh giá bản thân quá cao
Thực tế là, việc ôm đồm quá nhiều thứ sẽ dẫn đến quá sức. Nhất là khi nguồn lực có hạn thì đây là việc cực kỳ mạo hiểm.
Giải pháp: Chọn cho mình điểm mạnh nhất, sản phẩm tốt nhất để làm và tập trung toàn bộ nguồn lực vào đó.
Sợ mất ý tưởng
Thực tế là, các nhà đầu tư là những doanh nhân thành đạt, ý tưởng đối với họ không thiếu. Vì vậy, mục tiêu chính của họ họ đến và lắng nghe Startup với mục đích hỗ trợ, nâng đỡ những thế hệ đi sau.
Giải pháp: Khi có cơ hội, hãy thẳng thắn chia sẻ với họ, chúng ta sẽ được nhận nhiều lời khuyên hữu ích và nhất là cơ hội nhận được đầu tư. Đằng nào cũng có lợi cả phải không?
Sản phẩm của tôi là tốt nhất, vì… tôi nghĩ là như vậy
Thực tế là, bạn chưa quan tâm đến mong muốn của người tiêu dùng. Rất có thể những đặc điểm được coi là lợi thế của sản phẩm chỉ phục vụ số ít lợi ích khách hàng. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra những giá trị hữu ích nhất cho số đông.
Giải pháp: Kiếm soát lại sản phẩm thông qua ghi nhận nhu cầu của người tiêu dùng thường xuyên đê tránh lạc đường, hãy lựa chọn lợi ích số đông thay vì thiểu số.
II. THÁCH THỨC BẮT ĐẦU – Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch/CEO Tập đoàn Thiên Minh
“99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại trong lần đầu tiên” là chia sẻ thẳng thắn của ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh. Với hơn 20 năm trải nghiệm kinh doanh, tại LifeB Forum 4: Thách thức 2015, ông đã giúp các bạn trẻ nhìn ra bức tranh toàn cảnh khi khởi nghiệp:
- Thác thức về vốn
Khi bắt đầu khởi nghiệp, điều quan trọng là xác định nguồn vốn từ đâu.
"Các bạn có thể lấy tiền của bố mẹ, vay bạn bè, người thân... Và hãy tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ mất hết số tiền đó, vì xác suất 99% là mất."
Ông Kiên chia sẻ: “Giá vốn từ nhà đầu tư là đắt nhất, vì các nhà đầu tư luôn kỳ vọng lợi nhuận thu được sẽ cao rất nhiều so với gửi ngân hàng.”
Còn đối với ngân hàng, “Đừng mơ vay được ngân hàng nếu bạn chỉ có ý tưởng tốt. Bạn chỉ có thể vay được khi bạn mang nhà, ô tô, xe máy đi thế chấp”..
Giải pháp:Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, lựa chọn tốt nhất với nguồn vốn là tiền của bạn. “Hãy dùng số tiền kiếm được đầu tư quay vòng.”
Khi ý tưởng đã được đưa vào thực tế, có lợi nhuận và khả năng thành công rất cao thì những người khởi nghiệp mới có thể có cơ hội nhận được tiền từ nhà đầu tư.
2. Thách thức về Pháp luật
Với vấn đề pháp luật, ông Kiên nhận định, nếu không nắm rõ và tuân thủ luật pháp thì khi vi phạm doanh nghiệp sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm, thậm chí là ngồi tù, đây là điều không đáng xảy ra.
Giải pháp: Người khởi nghiệp cần nắm rõ các quy định của pháp luật để hiểu và không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, “khởi nghiệp ở một số nước khác có thể sẽ dễ dàng hơn về thủ tục. Nhưng ở Việt Nam cần quan hệ, biết người này người kia... Nếu bạn thực sự không có nhiều quan hệ thì rất khó để khởi nghiệp trong nước, hay thành lập được công ty. Có nhiều quy định không rõ ràng về việc người ra quyết định các việc làm sai, làm đúng của các bạn”. Ông nhắc nhở.
3. Thách thức về nhà cung cấp
Nếu doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp, sẽ có nhiều rủi ro kéo theo khi có sự thay đổi từ phía họ. Ví dụ, khi nhà cung cấp thiếu nguồn nguyên liệu do nhiều lý do khách quan và chủ quan, thì doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động với hàng loạt các rắc rối phía sau đó.
Giải pháp: Doanh nghiệp tìm kiếm nhiều nguồn cung ứng, và thỏa thuận hợp tác theo hướng có lợi cho đôi bên để có thể chủ động trong việc kiểm soát tình hình.
4. Thách thức từ cạnh tranh
Bên cạnh những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, các sản phẩm, dịch vụ thay thế cũng có thể là tác nhân lớn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp
Giải pháp: Các startup luôn cập nhật tình hình thị trường và nhất là không bỏ qua tất cả những sản phẩm có khả năng là sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để luôn chủ động trong mọi tình huống kinh doanh.
III. THÁCH THỨC HỘI NHẬP – Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia Kinh tế:
Sự kiện sắp tới:
- Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA
- Hiệp định Đối tác thương mại Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn đàm phán "nước rút", một hiệp định chuẩn mực rất cao, có rất nhiều cam kết Việt Nam phải tuân thủ
- Việt Nam sẽ chính thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế AEC vào năm 2015
Thách thức đặt ra:
Với các sự kiện trên, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ có mức độ mở cửa rất cao. Song hành với đó là sức ép cạnh tranh từ các nước ASEAN và Trung Quốc.
Chuẩn bị gì cho sự kiện sắp tới?
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập đã đưa ra những lời khuyên rất hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước điều kiện môi trường hiện tại ở Việt Nam, khi còn có rất nhiều đối tượng khác cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần biết tự lo cho mình trước thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường Việt Nam trở nên chật chội hơn khi có sự cạnh tranh gay gắt từ các Quốc gia khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự quan tâm thích đáng đến hoạt động nghiên cứu thị trường để tìm kiếm những cơ hội lớn hơn đến từ thị trường ASEAN.
Các doanh nghiệp cũng cần đánh giá lại mình để thấy được thế mạnh, những thách thức và cơ hội cần nắm bắt. Từ đó xác định chính xác vị trí hiện tại của doanh nghiệp và đưa ra được những định hướng đúng đắn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp về quy mô với các thương vụ mua bán sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ tập trung được nguồn lực và tăng khả năng cạnh tranh trước các ông lớn nước ngoài tại sân nhà.
Về phía Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ thông qua các công cụ, cung cấp thông tin và có sự hướng dẫn một cách thiết thực, cụ thể các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang bị phân biệt đối xử ngay tại sân nhà so với doanh nghiệp FDI. Lợi nhuận doanh nghiệp FDI mang lại không nhiều do sử dụng hình thức chuyển giá (dấu hiệu là GDP có sự chênh lệch lớn hơn so với GNI), vì vậy nhà nước cần thay đổi lại chính sách để các doanh nghiệp tư nhân Việt có lợi thế tốt hơn trong toàn bộ miếng bánh lợi ích, thay vì chỉ đi “nhặt vụn bánh” như bây giờ. Với hiệp định TPP nhà nước cần thay đổi lại toàn bộ thể chế một cách đột phá.
Việc hình thành mạng lưới cộng tác các doanh nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng đem lại sự phát triển đột phá cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp khi kết nối với nhau có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi, giúp đỡ và vượt qua khó khăn. Bà Lan rút ra từ bí quyêt thành công của Unilever với mạng lưới 150.000 doanh nghiệp Việt Nam.
Về việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, có ba ngành được coi là “hot” tại Việt Nam theo đánh giá của bà Lan là công nghệ thông tin, nông nghiệp nhiệt đới và ẩm thực. Nhận định của ông Kiên bổ sung thêm một ngành dịch vụ nữa là du lịch. Đây là những ngành dựa trên lợi thế so sánh sẵn có của Việt Nam. Riêng ngành nông nghiệp được coi chính sách mũi nhọn của Nhà nước và hiện Nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu lại ngành này.
Trả lời cho câu hỏi: doanh nghiệp nên lựa chọn các đặc sản nông sản nào và hướng phát triển ra sao? Bà Lan chia sẻ: “Các doanh nghiệp có thể học hỏi từ Thái Lan và các nước khác về việc cải tiến giống, luôn luôn đòi hỏi sự thay đổi, thay vì coi “đặc sản” là phải dùng giống truyền thống.”
Tại diễn đàn, bà nhắc đến ý tưởng "biến Việt Nam thành cái bếp của thế giới" của Phillip Kotler người được coi là "cha đẻ" của marketing hiện đại trong một chuyến ghé thăm Việt Nam. Bà giải thích,“khi thưởng thức đến món ăn ngon người ta sẽ liên tưởng đến xuất xứ nguyên liệu làm ra chúng. Vì vậy, chúng ta có thể tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp và dịch vụ ẩm thực – Một lợi thế lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này
IV. THÁCH THỨC THỰC HỌC – Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Kinh doanh PACE
Một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp doanh nhân đương đầu với khó khăn khi chèo lái con thuyền doanh nghiệp là họ phải luôn luôn nâng cao năng lực bản thân. Chia sẻ về vấn đề này, Ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE đã đưa ra nhiều dẫn chứng sinh động, thu hút sự chú ý của các bạn trẻ tham dự, khiến cho LifeB Forum 4: Thách thức 2015 kéo dài thêm 2h và chỉ kết thúc vào 19h khi ông phải ra sân bay. Ý nghĩa của thực học, theo ông giải thích chính là “thay đổi bản thân” và “thành tựu lớn nhất của tuổi trẻ là: "Tìm ra con người của mình” – chính là thách thức lớn nhất, cái đích cuối cùng của mỗi người.
Theo ông Trung, doanh nhân cần sở hữu ba năng lực: Văn hóa, lãnh đạo, chuyên môn
Trong đó, lãnh đạo cũng được coi là một nghề nên có thể hiểu lãnh đạo là một phần của chuyên môn. Với người khởi nghiệp, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình song hành cùng khả năng lãnh đạo, xây dựng chiến lược và kiến tạo đội ngũ là yếu tố thiết yếu của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn khởi nghiệp.
Theo quan điểm của ông, người có văn hóa là một người tự do, hành xử theo nguyên tắc riêng của bản thân, ngay cả khi không có ai thì họ vẫn tự giác làm những việc mà bản thân họ cho là đúng. Và để làm được điều này, hãy trung thực với chính mình.
Trong nghiên cứu thị trường, doanh nhân cần làm đầy “túi văn hóa” của mình để nhìn xuyên thấu được nhu cầu mong muốn ẩn giấu trong xã hội, ông Trung nhận định.