Nhìn lại thị trường Smartphone Việt Nam cuối năm 2014: Trào lưu Selfie lên ngôi
Trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm mới, việc lựa chọn nội dung, thông điệp để truyền thông luôn là một bài toán hóc búa với những người làm Marketing. Trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao ở mọi thị trường, chi phí tiếp thị ngày càng đắt đỏ và sự quá tải thông tin của người tiêu dùng, việc làm thế nào để khiến thông điệp tách ra khỏi đám đông, gây ấn tượng với người dùng và đạt hiệu quả truyền thông luôn là thách thức của mọi thương hiệu.
Cụ thể, một trong những ngành hàng sôi động nhất: Smart-phone, sự cạnh tranh về phát triển công nghệ đã và đang đem lại những cuộc chiến về truyền thông tính năng sản phẩm trực tiếp đầy thú vị. Ở thị trường Việt Nam cuối năm 2014, “Selfie Camera” trở thành một tính năng trào lưu, được các nhãn hiệu lớn nhỏ đồng loạt lựa chọn và đưa vào các chiến dịch truyền thông của mình.
Bài viết đi sâu vào phân tích các hoạt động truyền thông của các thương hiệu Smartphone vào cuối năm 2014 (01/12 – 31/12) với số liệu Social Listening được cung cấp từ YouNet Media.
Đầu tiên, cùng chỉ tên điểm mặt những nhãn hiệu có các hoạt động Marketing sôi nổi nhất trên thị trường trong thời điểm nêu trên đó là: SamSung Note 4, Wiko Getaway, Asus Zenphone 5, Microsoft Lumia 730, HTC Desire 820s, Lenovo Vibe X2 và Samsung Galaxy A.
Trong đó, đặc biệt có đến 5 thương hiệu smart-phone cùng chọn định hướng truyền thông đánh vào tính năng “selfie camera” là: Wiko, HTC Desire 820s, Lumia 730, Lenovo Vibe X2 và Samsung Galaxy A.
Trong số này, Wiko là cái tên mới mẻ nhất nhưng lại hoạt động sôi nổi nhất. Thương hiệu đến từ Pháp không ngừng nỗ lực tung ra các chương trình, chiến dịch lớn nhỏ để khuếch trương nhận biết và chinh phục cảm tình từ người dùng. Trong đó chiến dịch “Selfie Chất” cho dòng sản phẩm Wiko Getaway tạo ra khá nhiều sự chú ý trong suốt những tháng cuối năm 2014.
Việc đưa ra một sự kiện online với sự tham gia của hàng chục KOLs đang gây sốt trong giới trẻ như Thái Hòa, Karik, Gil Lê, Đông Nhi… cùng các chiến dịch hỗ trợ song song như quảng cáo, PR ở khắp các website lớn nhỏ, có thể thấy mức độ chịu chơi và quyết tâm chinh phục thị trường của nhãn hiệu đến từ Pháp này. Trong đó cụm từ “Selfie chất” được nhắc đi nhắc lại như một sự khẳng định phong cách để tiếp cận cụm khán giả trẻ với mong muốn thể hiện bản thân.
Không kém cạnh là Microsoft Lumia 730, được truyền thông như một smartphone window phone ở tầm trung có camera góc rộng dành cho selfie tốt nhất, Lumia tiếp cận người dùng bằng cụm từ “Wefie” (ảnh chụp tập thể bằng camera trước) để tách biệt mình với nhóm đối thủ và nổi bật tính cạnh tranh (góc rộng). Các hoạt động truyền thông của Lumia 730 khá rầm rộ và đa dạng: một loạt KOLs cùng nhau chụp ảnh “Wefie”, tài trợ phần thưởng cho show truyền hình thời trang: VN Next Top Model, đồng hành cùng sự kiện Heineken Countdown, bên cạnh các chuỗi quảng cáo & PR khác, có thể thấy Lumia hướng đến tính “tập thể” để tiếp cận và thu hút người dùng cho riêng mình.
Không rầm rộ như các sản phẩm trên, HTC lặng lẽ như chính slogan của mình: “quietly brilliant”. Thương hiệu này đưa Desire 820s ra thị trường Việt Nam chỉ với những hoạt động truyền thông đơn giản là quảng cáo dưới dạng banner & bài viết PR. Tuy vậy, Desire 820s vẫn tạo được sự chú ý riêng ngay từ trước khi về nước, với những vượt trội về công nghệ được đánh giá cao trên camera trước.
Cũng tiếp cận người dùng là Smartphone tầm trung với Camera trước cho chất lượng ảnh selfie vượt trội, Lenovo Vibe X2 chọn cách tiếp cận người dùng thông qua các chương trình khuyến mãi “khủng” và theo mùa, song song với các sản phẩm khác của Lenovo.
Cuối cùng là Samsung Galaxy A, dù thời điểm lấy data (01/12) sản phẩm này chỉ vừa ra mắt được vài ngày, Galaxy A đã lập tức gây được sự chú ý vì đây là dòng sản phẩm đầu tiên có sự thay đổi thiết kế triệt để từ Samsung (thân máy làm từ kim loại). Bên cạnh thiết kế, điểm nhấn mà hãng nói đến nhiều nhất chính là tính năng Camera trước hỗ trợ Selfie cho người dùng. Với buổi họp báo ra mắt sản phẩm hoành tráng, bao gồm nhiều ngôi sao, KOLs đình đám, tuy chưa có nhiều hoạt động chính thức trên Online, tính năng selfie của hãng đã được nói đến rất nhiều (2,2k buzz), về lâu dài với các hoạt động mạnh mẽ khác, chắc chắn SamSung Galaxy A sẽ trở thành một đối thủ lớn cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu khác về tính năng này.
Nhìn chung, cho đến hiện nay, khó có thể khẳng định mức độ thành công cụ thể trên cùng một góc độ truyền thông của các thương hiệu kể trên: một Wiko mặc dù đã và đang làm rất tốt, nhưng một cái tên mới mẻ cùng với xuất xứ cũng không kém phần xa lạ vẫn còn một chặng đường rất dài để chinh phục hoàn toàn lòng tin của người dùng. Một HTC đầy tự tin và kiêu hãnh về công nghệ cần nhiều hơn nữa các hoạt động thương hiệu để gần gũi hơn với cộng đồng. Một Lenovo còn khá chìm đắm vào các chương trình khuyến mãi, quảng bá, chưa thực sự gây ấn tượng đủ mạnh về tính năng với thị trường. Galaxy A thời điểm trên chỉ vừa tung ra nên chưa thể khẳng định nhiều, nhưng Marketing luôn là một trong những hoạt động chiếm ngân sách hàng đầu của ông lớn SamSung, do đó có rất nhiều thứ để chờ đợi về sản phẩm này. Nhìn chung, Lumia 730 là cái tên ổn định hơn cả trong truyền thông tính năng “Camera Wefie”: các hoạt động thương hiệu đa dạng, đồng nhất và gắn kết cả ở thị trường VN và trên toàn cầu, giá cả hợp lý, thiết kể trẻ trung, Lumia 730 hiện là ngôi sao sáng trong sân chơi “Camera trước”.
Với xu hướng “camera selfie” đang thịnh hành và sẽ còn phát triển mạnh mẽ (nhất là sự ra mắt của 2 sản phẩm giá rẻ cấu hình khủng của Asus là Zenfone 2 & Zenfone Zoom) chắc chắn trong năm tới, thị trường smart-phone đặc biệt là các chiến dịch truyền thông có cùng thông điệp về tính năng sản phẩm sẽ còn mang lại cho chúng ta nhiều điều thú vị hơn nữa. Hãy cùng chờ và đón xem.
Dữ liệu được thu thập và phân tích thông qua hệ thống SocialHeat của YouNet Media, một trong những agency hàng đầu Việt Nam về theo dõi – quản trị và phân tích thương hiệu, thị trường và người dùng trên môi trường Internet. Hệ thống Social Listening & Market Intelligence của YouNet Media là nền tảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực (real-time), tự động (automatic sentiment) và bao phủ trên 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội (800 nghìn fanpages & nhóm và 20 triệu người dùng Facebook Việt Nam, Youtube,…), diễn đàn, cộng đồng, tin tức trực tuyến…