5 lỗi Online Marketing căn bản các “tân binh” cần tránh

Lần đầu tiên tôi bắt đầu tự gây dựng cho mình một Page Facebook và các site vệ tinh bổ trợ nhằm mục đích bán hàng, cũng chính từ ngay lúc này, vừa chân ướt chân ráo bước vào thế giới marketing, bản thân đã mắc phải vô vàn lỗi tiếp thị tân thời rất nực cười.

Với vốn kiến thức bằng “Không”, tôi vô tình đăng một đoạn video chẳng có tí liên quan gì đến mặt hàng đang bán lên trang Facebook. Điều thú vị nhất đó là số lượng tương tác, share và like trang tăng nhanh một cách chóng mặt. Vâng, và tôi gần như ngay lập tức nghĩ rằng mình đã trở thành một chuyên gia Marketing để rồi cuối cùng thì dẫu Facebook có hàng ngàn người biết đến nhưng tuyệt nhiên tôi lại chẳng bán được bất kì một sản phẩm nào. Bài chia sẻ dưới đây chỉ là 5 lỗi căn bản trong hàng ngàn cái sai ngớ ngẩn như thế mà thôi.

Marketing như con dao hai lưỡi, nếu làm đúng, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được thành quả của mình đến sớm như thế nào đâu, tuy nhiên, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi cũng có thể trở thành mối nguy hại tiềm ẩn cho cả chiến dịch hay thậm chí là công ty của bạn. Tâm tính con người nói chung và khách hàng nói riêng luôn thay đổi theo từng giờ, yêu thích cũng rất rõ ràng, chính vì thế, để níu giữ những vị khách trung thànnh cũng như có thêm nhiều “thượng đế” tiềm năng thì bạn- một nhà tiếp thị cần phải biết cách làm thế nào sản phẩm, dịch vụ của mình luôn luôn hiện hữu trong tâm trí họ theo hướng liên tục và lâu dài.

marketing

1. Tiếp thị sản phẩm đến đúng người cũng quan trọng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ của bạn vậy.

Giả dụ như bạn đang xây dựng một blog và bạn cũng vô cùng tự tin vào khả năng viết lách thiên bẩm của mình, bạn cảm thấy tất cả nhưng gì mình chia sẻ đều cực kì hữu ích và đáng suy ngẫm. Chắc chắn sẽ có người đọc thôi, nhưng quan trọng có bao nhiêu người có thể thấy bài của bạn, đừng quá dựa dẫm vào việc có một người nào đó vô tình bắt gặp blog trên mạng xã hội. Đấy chính là yếu tố cực kì quan trọng, bất cứ một mặt hàng, sản phẩm hay thậm chí là dịch vụ cũng cần phải được quảng bá đến đúng người. Đã qua rồi cái thời” hữu xạ tự nhiên hương”, thời đại công nghệ số như ngày nay, ngay cả một “nhà văn” gà mờ với chiến dịch quảng cáo khủng cũng có thể dễ dàng qua mặt blog của bạn.

Sản phẩm không thể tự mình quảng bá nó, chính vì thế trách nhiệm làm cho nó được phổ biến rộng rãi là của chủ sở hữu, giả sử sản phẩm của bạn là hàng đầu thì vẫn phải hoạt động trên càng nhiều trang web truyền thông xã hội càng tốt.

2. Tối ưu hóa trang chủ và tận dụng các chiến dịch quảng cáo cũ.

Bất cứ một công ty, doanh nghiệp nào dù to hay nhỏ đều phải có một trang thông tin chính thống, điều này là không thể thiếu trong cái xã hội mà công nghệ và mạng xã hội đang làm chủ như ngày nay. Hãy đặt mình vào vị trí khách hàng, thử tưởng tượng xem khi truy cập vào trang chủ, điều đầu tiên họ thấy là gì? Nếu là bạn thì có thấy hấp dẫn hay không? Hoặc nếu như quá khó để thay đổi tư duy của một doanh nhân sang khách hàng, bạn có thể thử làm một cuộc khảo sát ngắn, và kết quả của nó sẽ giúp bạn tự biết phải làm thế nào với trang của mình.

Rất nhiều marketer thường mang quan điểm:” có mới nới cũ”, họ thường quên mất các chiến dịch, các bài viết từ quá khứ. Thay vì tạo ra một cái gì đó mới, hãy thử tối ưu, tận dụng những bài viết, chiến dịch đã cũ theo cách so sánh suy nghĩ của bản thân thời ấy, bấy giờ hãy vắt kiệt tất cả sức mạnh còn lại của nó, tránh sự lãng phí mà vẫn đem lại hiệu quả cao.

3. Liên tục đưa ra nội dung quảng cáo mới.

Nghe có vẻ khá mâu thuẫn với mục thứ 2, nhưng sự thực không phải vậy, chúng chỉ đang bổ trợ cho nhau mà thôi. Hãy thử tưởng tượng thêm một lần nữa, bạn là một khách hàng trung thành của công ty, tuy nhiên, chỉ khi có nhu cầu bạn mới tìm đến để mua sản phẩm mà thôi, và bẵng đi một thời gian, khách hàng không liên lạc, không có nhu cầu mua sản phẩm và công ty cũng quên mất chăm sóc những thượng đế trung thành của mình, điều tất yếu sẽ xảy đến là sự quên lãng, nó chẳng khác nào bạn tự dâng miếng mồi ngon của mình cho những đối thủ cạnh tranh đang chạy quảng cáo mới liên tục nhằm lôi kéo khách về phía họ. Marketing không những hỗ trợ tìm đúng khách hàng có nhu cầu, mà nó còn khơi gợi mong muốn mua hàng, sử dụng dịch vụ của bạn. Bởi vậy, bên cạnh việc tái sử dụng những nội dung đã cũ, hãy tạo thêm nhiều điều mới mẻ ở các phương tiện truyền thông khác vừa thu hút khách hàng mới, vừa chăm sóc người cũ, hãy làm cho họ đến cả đi ngủ cũng nhớ về bạn. Một chiếc xe chạy liên tục sẽ đến đích sớm hơn chiếc cứ đi được một chặng sẽ dừng lại nghỉ chân.

4. Đừng quá ôm đồm, hãy tập trung phần chính trước.

Các sản phẩm, dịch vụ của bạn có cần thiết phải ở trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến?

Câu trả lời hẳn nhiên là không rồi, nếu nguồn lực của bạn hạn chế: tiền bạc, nhân lực, thời gian… vậy hãy tập trung vào một số, thậm chí chỉ cần một mạng lưới thôi và hãy tấn công tổng lực vào đó. Nghiêm túc xác định xem khách hàng tiềm năng bạn đang hướng đến là ai, họ sử dụng phương tiện nào nhiều nhất. “ một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, hãy đào xới trong khu vườn đó để nuôi mầm cây lớn, đến lúc mảnh đất đó khô cằn thì hẵng nghĩ đến việc tìm vùng đất mới. Thay vì lan rộng bản thân quá sớm khiến việc marketing trở nên bão hòa và khó khăn, hãy xây dựng từ gốc trước rồi tạo các kết nối sau, điều này vừa giúp bạn tập trung được tất cả nguồn lực, vừa có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình.

Nếu sản phẩm của bạn có thể thể hiện bằng hình ảnh đẹp, Instagram hay Pinterest là một sự lựa chọn không tồi. Nếu bạn có thể chạy quảng cáo bằng video, tại sao không thử Youtube, nếu bạn cung cấp thông tin nhanh chóng, hãy thử Twitter, mặc dù kênh mạng này không thực sự quá phổ biến ở Việt Nam. Phương án cuối cùng, nếu bạn là tân binh và chưa biết nên làm gì đầu tiên, hãy cày trên đất Facebook trước, tại sao không?

Hãy luôn chú ý và đánh giá kết quả nhận được sau mỗi chiến dịch trên phương tiện chính, các nhà tiếp thị thông minh luôn biết những sai lầm họ mắc phải và rút kinh nghiệm cho lần kế tiếp.

5. Đừng xem nhẹ sự lan tỏa.

Một chiến dịch quảng cáo bạn bỏ ra với chi phí đủ để tiếp cận 1000 người trên mạng Facebook, và một nhà marketing lành nghề sẽ luôn muốn thu về nhiều gấp 10 lần con số đó. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để chỉ phải trả tiền cho 1000 mà thu về được 10000?

Mấu chốt vấn đề ở đây chính là “ kêu gọi hành động”, tôi đang phân tích chỉ trên công cụ Facebook thôi, trung bình một tài khoản sẽ có khoảng 2000 bạn bè, và khi họ chia sẻ video hay thậm chí mẩu quảng cáo của bạn, nó sẽ giúp bạn tiếp cận thêm 2000 bạn bè của họ nữa. Một khoảng lời đúng không? Tuy nhiên, làm thế nào để họ Share bài lại là vấn đề của các nhà tiếp thị, nếu bạn là khách hàng, một video quảng cáo ra sao sẽ được chú ý? Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, những đoạn phim mang tính chất giáo dục, vui nhộn, lối sống, hot trend… sẽ thu hút hơn cả.

Trên đây cũng chỉ là những hạt cát kinh nghiệm tôi đã tích tự tích lũy được sau khi thực hiện một số chiến dịch marketing, hi vọng sẽ giúp những tân binh trong công cuộc chinh phục những khách hàng của mình.

Nguồn: eventusproduction.com