“Thả thính” khách hàng: Thương hiệu hãy bắt đầu bằng một hệ thống nhận diện “đẹp mắt”

Nếu coi thương hiệu của bạn là một cô gái, và khách hàng là chàng trai bạn muốn “thả thính”, trước khi chàng trai “chạm” được vào vẻ đẹp tâm hồn của bạn, hãy đảm bảo bạn có một ngoại hình thu hút được anh ta đã.

1. “Cô gái” mang tên Thương hiệu

Thương hiệu, như quan niệm hiện đại, được sinh ra để trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai?”. “Cô gái” ấy, cũng giống như mỗi người chúng ta, có tên riêng, có nét ngoại hình, tính cách riêng. “Cô ấy” buộc phải khác biệt để giải quyết vấn đề cạnh tranh với vô số cô gái khác là các nhãn hàng trong thị trường, và để gặp gỡ chính xác nhóm khách hàng mục tiêu.

Chính nhờ những “nét tính cách” mà Thương hiệu định vị cho riêng mình, Khách hàng dễ dàng tìm đến một lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Cũng giống như việc tìm và kết bạn, Khách hàng luôn có xu hướng tìm đến một thương hiệu có nhiều nhất nét tính cách mà họ yêu mến hoặc con người mà họ muốn trở thành.

Nhờ có thương hiệu, khách hàng và doanh nghiệp dễ dàng gặp nhau ở những giao điểm chung, và cũng nhờ có thương hiệu, doanh nghiệp thuyết phục được khách hàng rằng:“Đây là sản phẩm thực sự dành cho bạn”. Đó là khởi đầu cho một mối quan hệ thực sự bền chặt.

“Thả thính” khách hàng: Thương hiệu hãy bắt đầu bằng một hệ thống nhận diện “đẹp mắt”

2. Khách hàng yêu thích Thương hiệu vì yếu tố nhận diện hay tính cách của Thương hiệu?

Tương tự, một chàng trai sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp ngoại hình hay vè đẹp tâm hồn của một cô gái?

Hệ thống nhận diện hay “ngoại hình” của “cô gái” Thương hiệu là tập hợp các yếu tố hữu hình của Thương hiệu (như tên gọi, logo, màu sắc, yếu tố đồ họa, font chữ, tài liệu Marketing... ), chúng phối hợp cùng nhau để định dạng và phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác trong tâm trí khách hàng. Chẳng hạn, đó là màu cam năng động, linh hoạt của FPT, font chữ bo tròn phóng khoáng trẻ trung của Baskin Robin, màu đỏ mang sức mạnh và khẳng định vị thế của VinGroup hay đường nét dày đậm màu nâu trầm, mang dáng hình biểu tượng âm dương, gợi cảm giác truyền thống, lâu năm như logo Ô mai Hồng Lam…

Tất cả những yếu tố nhận diện ấy đều được tạo ra một cách đầy dụng ý để truyền tải một thông điệp hay một cảm giác đặc trưng về thương hiệu. Những yếu tố nhận diện vốn được sinh ra để phân biệt giữa nhãn hiệu này và nhãn hiệu khác. Tuy nhiên thị trường thương mại hiện đại đặt cho chúng một nhiệm vụ khó khăn hơn: truyền tải cảm xúc thương hiệu ấy một cách đồng nhất.

Như vậy, “Khách hàng nghĩ về Thương hiệu bằng yếu tố nhận diện hay cảm xúc mà Thương hiệu mang lại” giờ đã có câu trả lời: Thương hiệu là một thứ không thấy được, thể hiện bằng những thứ thấy được. Bởi hai phần Lý tính và Cảm tính hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả truyền thông lẫn nhau nên điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ ấy cùng tồn tại phải là sự tương đồng.

Thương hiệu là một thứ không thấy được, thể hiện bằng những thứ thấy được.

3. Chiến lược “thả thính”: Hãy bắt đầu gây ấn tượng từ "vẻ bề ngoài"

Người ta vẫn nói “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt” nhưng trong marketing, dù là gái hay trai, sự hỗ trợ của hình ảnh vẫn khiến ngôn từ trở nên hấp dẫn hơn gấp nhiều lần.

Lúc này hay lúc khác, bạn có thể sẽ đôi chút phản đối những chàng trai yêu bằng mắt nhưng chính bạn cũng sẽ phải thừa nhận một điều, những gì bắt mắt sẽ luôn khiến bạn ấn tượng hơn, nhớ lâu hơn những những thứ nhạt nhòa còn lại. Mà trong cuộc chiến giữa các thương hiệu trong thời đại quảng cáo, truyền thông, marketing bùng nổ, thương hiệu nào vượt lên khỏi đám đông nhạt nhòa, thương hiệu ấy cầm chắc chiến thắng trong tâm trí khách hàng.