[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

Uber và Grab hiện nay đã trở thành một phần khá là quan trọng trong việc di chuyển ở các thành phố lớn. Để tăng thêm lượng người dùng và sử dụng dịch vụ thì cả hai đều hoạt động rất tích cực và chi mạnh tay cho truyền thông, trong đó bao gồm cả quảng cáo ngoài trời (Out of Home).

Bài viết hôm nay sẽ phân tích và so sánh việc sử dụng Billboard quảng cáo giữa Uber và Grab ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nội dung tiếp nối của bài viết Cuộc chiến Billboard của Cocacola và Pepsi ở Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu tiên mời bạn đọc xem bản đồ tổng thể vị trí ở đây và hình ảnh các Billboard được thống kê ở đây

1. Số lượng Billboard

Trong phạm vi được thống kê thì Uber (với 12 vị trí) đang nhỉnh hơn Grab (với10 vị trí).

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

2. Bảng đứng và bảng ngang

Uber có xu hướng chuộng bảng đứng (Vertical Billboard) hơn so với bảng ngang (Horizontal Billboard) . Thể hiện là 50% số lượng các vị trí là bảng đứng. Trong khi đó hầu hết các vị trí của Grab là bảng ngang với tỷ lệ bảng đứng là 20% tổng số vị trí.

Như đã phân tích về Bảng đứng và Bảng ngang trong bài viết trước đây, thì bảng đứng có khả năng thể hiện nội dung tốt hơn. Có thể cộng một điểm cho Uber ở phần này.

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

3. Cách chạy

Uber hiện đang chạy một Campaign duy nhất (Uber Đến Mọi Khoảnh Khắc). Chiến dịch tiếp cận người xem theo hướng thiên về cảm tính. Trong khi đó Grab thì chạy đồng thời song song 2 Campaign cho GrabBike (Chọn GrabBike. Chọn An Toàn, Tiện Lợi) và GrabShare (Đi Chung Xe. Tiết Kiệm Chi Phí). Cả hai chiến dịch quảng cáo của Grab đều tiếp cận thiên về hướng lý tính (chi phí di chuyển và code khuyến mãi).

Uber tập trung vào khu vực Quận 1, Quận Gò Vấp và Quận 8, Quận 4. Trong khi đó Grab tập trung vào Quận 1, Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 10.

Về hướng đón lưu lượng giao thông. Nhìn vào bản đồ bên dưới, có thể thấy là cả hai đều có xu hướng đón lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố đi ra bên ngoài. Có thể lý giải bằng việc cả hai đều có xu hướng muốn tập trung tiếp cận về đối tượng người đi làm trở về nhà sau ngày làm việc. Vào thời gian này có thể người đi làm đã mệt mỏi vì công việc cũng như với việc sử dụng phương tiện cá nhân và chuyển qua suy nghĩ sử dụng Uber hoặc Grab như một hình thức thay thế.

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

Bản đồ hướng đón lưu lượng giao thông của Uber và Grab.

Ngoài ra đối với Uber thì còn đặc biệt ở việc tùy biến nội dung quảng cáo theo ngữ cảnh (Contextual Advertising - Sẽ có một bài viết riêng cho nội dung Quảng cáo theo ngữ cảnh của quảng cáo ngoài trời). Ví dụ: đối với vị trí trên tuyến Airport Line - Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì nội dung quảng cáo là Gặp Gỡ Đối Tác. Đối với vị trí ở chợ Tân Định thì nội dung là: Bữa Cơm Sum Vầy.

Uber có sử dụng 1 màn hình điện tử (LED Billboard) cho chiến dịch quảng cáo của mình. Trong khi đó Grab thì không.

4. Vị trí đặt Logo

Việc sắp xếp các thành phần của Layout (Text, Slogan, Background, Logo, Model,...) đóng vai trò khá quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng Billboard vì người xem sẽ nhìn nội dung quảng cáo ở những góc nhìn khác nhau và sẽ mang lại cảm nhận khác nhau. Trong đó Logo đóng vai trò quan trọng hàng đầu để người xem biết quảng cáo đó là của ai.

Vị trí đặt Logo của Uber khá linh hoạt, có thể đặt ở góc trên hoặc góc dưới, góc trái hoặc góc phải.

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

Các vị trí đặt Logo của Uber.

Trong khi đó Grab đặt cố định Logo ở vị trí góc dưới bên phải. Có thể là Grab muốn đi đúng theo Guideline của thương hiệu. Do đó trong một số trường hợp vị trí của Logo Grab nằm ở góc khuất, khó có thể được nhìn thấy.

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

Logo của Grab bị che khuất vì đặt cố định ở góc dưới bên phải.

[OOH] Uber vs Grab: Cuộc chiến Billboard ở Tp. Hồ Chí Minh

Uber đặt logo ở bên trái để tránh bị che khuất bởi dù che và bờ tường của chợ.

5. Màu sắc

Cả hai đều đi theo tông màu khá là truyền thống của mình. Uber với trắng, đen và xanh nước biển đậm. Grab với Xanh lá và trắng. Về mặt chủ quan, màu xanh đậm của Grab có tính rực rỡ và hỗ trợ thu hút nhìn (eye catching) tốt hơn.

6. Hiệu ứng, production

Cả hai đều không sử dụng các hình thức production đặc biệt cho Billboard (ví dụ: Trivision, Sequin, Diecut). Điều này ngoài vấn đề ngân sách (chi phí production) có thể lý giải là do thị trường gọi xe thông qua ứng dụng đang cần tốc độ phản ứng với thị trường nhanh, các chiến dịch truyền thông diễn ra trong thời gian ngắn nên cả hai bên đều hạn chế sử dụng các hình thức production đặc biệt để rút gọn thời gian On Air.

Tổng kết

Hiện tại có thể nói Uber đang chạy Billboard một cách tốt và thuần thục hơn so với Grab. Thậm chí có thể nói Uber là một trong những nhãn hàng hiểu và sử dụng Billboard tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Đặng Vinh Quang

Bạn đọc khi trích dẫn bài viết hoặc một phần bài viết, vui lòng ghi rõ nguồn Brands Vietnam.
Trân trọng cảm ơn

*Ghi chú:
Các vị trí được thống kê vào ngày 24 tháng 7 năm 2017 tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức Billboard (không bao gồm bảng kích thước nhỏ, hàng rào công trình, quảng cáo tại sân bay và trung tâm thương mại). Bài viết không đánh giá tổng thể việc chạy Out of Home của Uber và Grab vì ngoài Billboard cả hai đều chạy một số kênh khác như: phướn trong trung tâm thương mại, LED Frame trong thang máy, trạm dừng xe bus,...