Khách hàng không chỉ cần content, họ cần một người để chia sẻ
Có một điều mà cả tôi và bạn, những người làm trong ngành Marketing, đều có thể dễ dàng nhận ra rằng ngày nay, khách hàng bị bủa vây bởi quá nhiều content mà các thương hiệu đua nhau tạo nên.
Chúng ta vẫn nói về việc chúng ta làm Content Marketing là đang làm những content hữu ích, mang lại nhiều giá trị cho người dùng. Tuy nhiên, có một quan điểm cho rằng: “Content marketing chỉ thật sự hiệu quả khi bạn có thể tạo ra content hay, cần thiết và quan trọng là không có ai có thể tạo ra những thể loại content giống như vậy. Cái đó gọi là lợi thế cạnh tranh…” (Trích bài viết của tác giả Hồ Công Hoài Phương trong GAM7 Book No. 5 Content – Nội dung).
Vậy nên, nếu doanh nghiệp của bạn có đủ nguồn lực để sản xuất ra những content chất lượng và khác biệt nhất để show được tính “chuyên môn cao”, chiến lược Content Marketing thực sự là dành cho bạn.
Nghe đến đây, hẳn bạn sẽ suy nghĩ và review lại việc liệu doanh nghiệp của mình có đủ nguồn lực để sản xuất ra những content như vậy để làm lợi thế cạnh tranh không? Nếu không đủ thì có nên làm tiếp không?
Theo quan điểm của tác giả bài viết này, câu trả lời vẫn là “CÓ”.
Mỗi chúng ta trong cuộc sống, đều cần có những người thầy và những người bạn, những người bạn này có thể không giỏi bằng thầy nhưng đủ thông thái và gần gũi, thân thiết để chia sẻ với chúng ta về một vấn đề gì đó.
Vậy nên, nếu thương hiệu không thể trở thành một người thầy (tạo ra những content chất lượng nhất trong lĩnh vực) thì hãy trở thành một người bạn (tạo ra những content mang tính chia sẻ, lắng nghe và kết nối nhưng ở đó vẫn đảm bảo tính chuyên môn ở một mức đảm bảo để người tiêu dùng tin tưởng vào sự thông thái của bạn).
Vậy làm sao để sử dụng Content Marketing giúp cho khách hàng kết nối với thương hiệu như một người bạn thực sự?
1. Thấu hiểu người dùng qua việc sử dụng Buyer Persona
Buyer Persona là các đại diện hình mẫu dựa trên nghiên cứu về người mua là ai, họ đang nỗ lực làm gì, những mục tiêu nào thúc đẩy hành vi của họ, họ nghĩ như thế nào, họ mua như thế nào, tại sao họ quyết định mua, họ mua ở đâu và khi nào họ mua.
Từ định nghĩa đó, có thể nhận thấy, khách hàng của doanh nghiệp sẽ chia ra được rất nhiều nhóm khác nhau. Ví dụ như khách hàng mục tiêu của Tạp chí GAM7 vừa có thể là những người làm về Marketing, muốn cập nhật và nâng cao về kiến thức chuyên môn, vừa có thể là các Designers muốn hiểu hơn về Marketing và ứng dụng Marketing trong Thiết kế, hay có thể là bất kì ai khác quan tâm đến Marketing... Và từng nhóm này sẽ có những nhu cầu và mục tiêu khác nhau như trên, nên một nội dung chỉ nên đi sâu vào từng nhóm đối tượng để tập trung chia sẻ và giải quyết vấn đề của họ.
Ví dụ như bài viết này của GAM7 hướng sâu đến nhóm đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp làm công việc liên quan đến Content Marketing. Nhận thấy sự băn khoăn của nhóm đối tượng này về việc tìm ra một hướng đi làm Content để thật sự mang lại hiệu quả giữa một thời đại nhà nhà làm Content như hiện nay, GAM7 đưa ra cho bạn đọc lời gợi ý về một hướng đi mới, tạo ra những content để kết nối, chia sẻ với người tiêu dùng như một người bạn, một người thực sự muốn kết nối, lắng nghe và có thể chia sẻ những vấn đề của khách hàng.
“A good friend know all your stories – A best friend help you write them.”
Một content sẽ hữu ích nhất nếu nó được tạo ra để giải quyết một vấn đề hay như một lời khuyên đúng đắn chân thành đến khách hàng của bạn. Còn chọn giải quyết vấn đề gì để đúng tâm tư nguyện vọng của họ thì còn phụ thuộc vào việc bạn hiểu khách hàng của mình đến đâu. Hãy nhớ, không cần giải quyết nhiều, chỉ cần giải quyết đúng.
2. Kể những câu chuyện tạo ra cảm xúc
Tôi cũng giống bạn, có thể đọc rất nhiều bài viết chia sẻ kiến thức rất hay, nhưng sau đó lại không nhớ được gì nhiều. Tuy nhiên khi được kể nghe một câu chuyện, chúng ta lại thường nhớ được rất lâu. Vì thực tế, ai cũng thích nghe kể chuyện, và cách làm thân với một người nhanh hơn cả, đó là cùng nhau chia sẻ những câu chuyện.
Panasonic là một ví dụ tốt mà bạn có thể tham khảo về làm content. Thay vì quảng cáo trực tiếp về tính năng sản phẩm, họ kể lại câu chuyện dưới góc nhìn của nhân vật chính, là một người đàn ông vừa xảy ra to tiếng với vợ. Hình ảnh cây quạt khi nhân vật ở trong phòng một mình đã làm gợi nhắc đến tuổi thơ, rồi cả chặng đường tuổi trẻ cho đến hiện tại đều có hình ảnh cây quạt (quạt trời – quạt trần – quạt máy cũ – quạt Panasonic) đồng hành với hai vợ chồng. Thông điệp cuối TVC “Mang gió thiên nhiên về tổ ấm” đã chạm đến trái tim người dùng một cách dung dị và đời thường như thế.
Từ đó, khi khách hàng nghĩ đến Panasonic, họ không chỉ liên tưởng về cái tên thương hiệu, mà còn liên tưởng đến những hình ảnh gắn bó với họ từ thuở ấu thơ: là chiếc chong chóng quay tít trước gió trời, là kỉ niệm hong khô tóc hay ngồi trước quạt hát “a a” để nghe giọng mình rung rung… Chính những cảm xúc gần gũi ấy là xúc tác để kéo khách hàng đến gần hơn với thương hiệu.
Sử dụng bài đăng trên blog, hình ảnh, video và sự tương tác trực tiếp như livestream, thương hiệu có thể kể một câu chuyện và thể hiện khía cạnh “con người” thông qua nội dung mình sản xuất.
Đôi khi chỉ đơn giản, ví dụ bạn kinh doanh một khoá học trên Social Media, ngoài những nội dung nói về lợi ích của khoá học, thông tin giáo trình, giảng viên… thì những bức ảnh thực tế về không khí lớp học, lúc mọi người cùng nhau làm việc nhóm, những khoảng khắc vui vẻ khi brainstorm, những sản phẩm của team và của cá nhân… lại là những content “đắt giá”. Những hình ảnh đó có thể hơn vạn lời nói để chia sẻ cho khách hàng câu chuyện về một lớp học nghiêm túc, chất lượng nhưng cũng không kém phần tương tác, vui vẻ.
Những câu chuyện thành công nhất là những câu chuyện tạo cảm xúc giúp khán giả cảm thấy gần gũi hơn và gắn kết hơn với thương hiệu như một người bạn thấu hiểu đang chia sẻ thực sự. Vì bản chất, con người khác đồ vật ở cảm xúc, nên hiển nhiên thương hiệu muốn khách hàng coi mình như một người bạn để kết nối chứ không một phải cái tên thì yếu tố tạo ra cảm xúc là tối quan trọng. Việc của thương hiệu là đừng ngần ngại bộc lộ cảm xúc trước.
Kết lại, 2 yếu tố về thấu hiểu và tạo ra cảm xúc là nền tảng cốt lõi cho Content mang tính kết nối chia sẻ với khách hàng, so với việc tạo ra content mang tính “chuyên môn cao“ vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực chuyên môn của doanh nghiệp, thì việc tạo ra content mang tính kết nối lại phụ thuộc nhiều hơn đến nghệ thuật kể chuyện và truyên tải cảm xúc, mang tính sáng tạo nhiều hơn.
Việc của bạn là tự chọn ra một con đường phù hợp.