Marketer Hoàng Ngọc Dũng
Hoàng Ngọc Dũng

CEO & Film Director @ ColorMedia.,JSC

Công thức "Toàn - Trung - Cận" trong Content Marketing Planning

Toàn (Wide Shot) - Trung (Medium Shot) - Cận (Close Up) là 3 dạng góc máy trong phim ảnh. Thông qua 3 góc nhìn cơ bản này, các nhà làm phim sẽ truyền tải tới người xem những thông điệp rất rõ ràng, cụ thể & ấn tượng.

Ví dụ, với góc toàn (wide shot), người xem có thể cảm nhận được không khí, không gian, thời gian, địa điểm, số người... Với góc toàn rộng, người xem trận bóng đá giải ngoại hạng có thể biết được, trận bóng với không khí nóng bỏng, diễn ra vào buổi chiều tối, khán giả của đội bóng nào đông hơn...

Từ những góc nhìn này, nếu chúng ta biết vận dụng và liên tưởng vào trong kế hoạch xây dựng nội dung cho Marketing Online thì cũng rất thú vị:

1. Toàn cảnh (wide shot)

Với góc nhìn này, nội dung khi xây dựng thường sẽ hướng tới những thứ tổng quan như: nhận định từ số đông, tổng quan từ thị trường của nhãn hàng, những vấn đề của ngành hàng đang tốt & xấu, những xu hướng (trend) của ngành hàng hay nhãn hàng, so sánh thị trường trong và ngoài nước của nhãn hàng...Một số trường hợp với góc nhìn này dùng để Educate người tiêu dùng. Thông thường với những Content ở góc nhìn này người viết cần dẫn chứng số liệu, chứng minh, góc nhìn khách quan, có thể dùng các dạng bài viết chuyên gia (Expert) để thu hút người xem. Trong 1 chiến dịch thì số lượng bài viết này nên đạt tỷ lệ 10-15% trên tổng số bài viết.

Công thức Toàn - Trung - Cận trong Content Marketing Planning

2. Trung cảnh (medium shot)

Với góc nhìn này, người xem đã dần nhìn rõ hơn về thương hiệu, nhãn hiệu của bạn. Họ bắt đầu để ý đến hình dáng, màu sắc, câu chuyện thương hiệu của bạn. Họ cần biết nhãn hiệu đó về lĩnh vực gì, dùng để làm gì, do ai sản xuất, có công nghệ mới gì không? Câu chuyện của nhãn hiệu là gì? Ra đời vì sao? Nhà máy ở đâu? Công nghệ bào chế là gì? Định vị phân khúc sản phẩm cao hay thấp? Dùng để mặc hay ăn...Rất nhiều thứ xoay quanh sản phẩm. Đừng quên kể ra những key product (điểm nổi trội của sản phẩm) so với sản phẩm hiện có. Góc nhìn này nếu ở phim ảnh sẽ cho biết về hình dáng nhân vật (gầy hay béo), điệu đi yểu điệu hay bản lĩnh, mặc áo xanh hay đỏ...Nếu trong chiến dịch số lượng bài viết ở dạng này mà không có thì người xem cũng khó hiểu hết về sản phẩm của bạn.

3. Cận cảnh (close up)

Ở góc nhìn này, có nghĩa là người xem bắt đầu soi kỹ hơn vào sản phẩm của bạn. Họ cầm nó trên tay và với nhiều hơn những câu hỏi ví dụ: "Chất ABC có tác dụng gì cho tim mạch?", Quy trình chuẩn để sản xuất ra nó như thế nào? Nguồn gốc sản phẩm ở đâu? Ai đã từng dùng sản phẩm này? So sánh sản phẩm này với sản phẩm TOM? Thường mua nó ở đâu? Các tác dụng chính của sản phẩm là gì? Nhóm đối tượng nào hay sử dụng sản phẩm này? Nó có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Đắt hay rẻ? ...Góc nhìn này thường mang lại cảm xúc cho người xem và người đọc. Nếu các copywriter biết sử dụng cảm xúc (Emotional) cho góc nhìn này thì rất nhiều người xem sẽ yêu sản phẩm.

Với công thức "Toàn - Trung - Cận" này, các Marketer có thể xây dựng cho mình một kế hoạch nội dung phù hợp và hoàn chỉnh để tiếp cận tới người đọc mục tiêu của mình rồi. Tuy nhiên hơn cả thì kế hoạch nội dung này phải được bám sát theo chiến dịch, định vị và mục tiêu truyền thông thương hiệu của sản phẩm.

Chúc các Marketer & Copywriter thành công!

Góc nhìn bởi Hoàng Dũng | Đạo diễn TVC & Phim doanh nghiệp ColorMedia