4 kĩ năng Marketer phải biết dù học trái ngành hay không
Marketing là cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải học ở trường mới hiểu được cuộc sống. Vì vậy, không lạ khi phần lớn các Marketer đều có xuất phát điểm là dân “ngoại đạo” với ngành.
Tuy nhiên, dù theo học ngành Marketing hay không, tất cả các Marketer đều phải thành thục 4 kỹ năng dưới đây!
1. Kĩ năng đọc hiểu báo cáo
Trong môi trường Client, bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với các báo cáo về thị trường, ngành hàng, thương hiệu, đối thủ, doanh số bán… Từ những con số khô khan đó, bạn phải xác định được vị trí thực sự của thương hiệu, vấn đề thương hiệu đang gặp phải (truyền thông chưa hiệu quả, phân phối chưa đúng kênh hay chưa “đẩy” đủ hàng…), mục tiêu trong thời gian tới, từ đó đề xuất chiến lược cho công ty và trình bày một bản brief dễ hiểu nhất cho Agency.
Làm việc trong Agency, bạn cũng cần kĩ năng đọc hiểu brief, số liệu để hiểu ngọn nguồn vấn đề và mục tiêu của Client, từ đó đưa ra giải pháp “hợp ý” khách hàng.
Thực tế, sinh viên chưa được tiếp xúc nhiều với công việc phân tích báo cáo nên thường bối rối hoặc “mò sai đường” trong mê cung các con số, dữ liệu chằng chịt. Những cọ sát công việc thực tế ngay từ thời sinh viên, dưới sự kèm cặp và sửa chữa của các anh chị đi trước là rất cần thiết để các bạn nhanh chóng bắt kịp yêu cầu công việc khi đi làm.
2. Kĩ năng diễn đạt gãy gọn, dễ hiểu
Marketing là bộ phận làm việc với rất nhiều phòng ban, nhà cung cấp để tạo ra nhiều sản phẩm trong một quy trình thống nhất. Vì vậy, bạn cần có khả năng diễn gãy gọn, dễ hiểu để mỗi bên đều hiểu rõ được ý tưởng, concept marketing xuyên suốt và nắm rõ nhiệm vụ “mắt xích” của mình.
Để rèn luyện kĩ năng này, mỗi ngày bạn hãy nghĩ ra ít nhất 5 ý tưởng “điên rồ” và chia sẻ chúng với bạn bè của mình để họ hiểu trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, teamwork để giải case marketing cũng là một phương pháp luyện tập vô cùng hiệu quả, đặc biệt với các bạn sinh viên hoặc những người mới bắt đầu học marketing.
3. Kĩ năng thẩm định sáng tạo (Creative Judgement)
Đó là khả năng quan sát, đánh giá những hoạt động truyền thông Marketing trên thị trường. Bạn có thể luyện tập khả năng này bằng cách thường xuyên tự đặt ra những câu hỏi vì sao: ví dụ như viral clip này hay dở chỗ nào, tại sao quảng cáo này lại đặt ở đây, tại sao họ làm thế này mà không làm thế kia,…. . Thói quen này sẽ giúp bạn biết được xu hướng thị trường đang theo hướng nào, hành vi tiêu dùng thay đổi ra sao. Ví dụ, Trong những năm trước, định nghĩa thực phẩm sạch của thị trường là “cơm mẹ nấu, tự nhà làm…”, gần đây định nghĩa về thực phẩm sạch lại là organic (nguyên chất, tinh khiết, từ thiên nhiên).
4. Framework về Marketing – Những kiến thức căn bản
Tại sao điều này lại quan trọng? Bạn có thể đọc sách về Marketing, xem tin tức, tham dự hội thảo,… có rất nhiều cách để tiếp thu kiến thức Marketing rộng lớn. Tuy nhiên nếu chưa có tư duy nền tảng, những kiến thức bạn học chỉ được tiếp thu một cách rời rạc. Hãy tưởng tượng Framework như một cái khung vững chắc, bạn càng học thêm, bạn càng nhanh lấp đầy lỗ hổng trên cái khung đó. Điều quan trọng nhất khi có Framework, bạn luôn biết mình đang ở đâu, mình cần học hỏi, tìm hiểu thêm điều gì, nhờ đó kiến thức tích luỹ được nhiều hơn, hiểu biết của bạn vững chắc hơn, và chắc chắn việc phát triển sự nghiệp Marketing sẽ dễ dàng hơn.
*Bài viết được thực hiện bới Học viện đào tạo tư duy Marketing định hướng Đa quốc gia Tomorrow Marketers Academy