5 sai lầm khi nghiên cứu thị trường của Marketers trẻ
Bất kì insight đắt giá nào cũng xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Để hiểu khách hàng đang muốn gì thì “nghiên cứu thị trường” là giai đoạn cần thiết và quan trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành nghiên cứu, các marketers trẻ đã không ít lần vấp phải 5 sai lầm dưới đây:
1. Chưa có mục đích nghiên cứu
Nhiều bạn sinh viên thường bắt đầu làm nghiên cứu bằng cách ngồi nghĩ ra nhiều câu hỏi nhất có thể, nhằm hi vọng khám phá được điều gì đó về khách hàng. Thực tế là kết quả từ của 100 câu hỏi trên 1000 khách hàng cũng trở nên vô ích nếu 100 câu hỏi đó không phục vụ cho một mục đích nghiên cứu nào của bạn. Bạn cũng sẽ không kiếm được câu trả lời cho vấn đề mà công ty bạn nghiên cứu đang gặp phải. Vậy bước đầu tiên, bạn cần xác định rõ ràng mục đích nghiên cứu của mình là gì. Sau đó thì lập ra 1 bảng câu hỏi để tìm kiếm câu trả lời cho những thông tin bạn cần biết.
2. Lựa chọn nguồn số liệu chưa đủ tin cậy
Đa số khi mới bắt đầu làm khảo sát, các bạn sinh viên thường tìm những bản câu hỏi mẫu hay những tài liệu liên quan đến vấn đề khảo sát trên “mạng”. Tuy nhiên, Internet thì rộng lớn và ai cũng có thể viết những bài báo trình bày suy nghĩ của họ về vấn đề nào đó nên sẽ tồn tại không ít những thông tin sai và sẽ khiến cho các bạn hiểu sai về vấn đề của mình. Đó là lí do mà bạn cần cân nhắc rằng mình nên chọn nguồn dữ liệu nào để tham khảo phục vụ việc nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thật kĩ nguồn số liệu xem nó có đáng tin cậy hay không, kiểm tra lại ngày tháng năm của bài đăng để xem thông tin đã cũ hay chưa, có dữ liệu nào cần cập nhật mới thêm hay không. Nielsen, Euro Monitor, MWB, Kantar là các nguồn đáng tin cậy để các marketers có thể tìm kiếm dữ liệu chính xác và cập nhật mới nhất.
3. Áp đặt quan điểm của bản thân lên cách đặt câu hỏi cho khách hàng
Hiện nay nhiều sinh viên thường kết luận suy nghĩ của khách hàng dựa trên quan điểm cá nhân. Vì vậy các bạn luôn đặt những câu hỏi mang tính “kết luận” thay vì những câu hỏi “mở”. Ví dụ, bạn nghĩ rằng khách hàng yêu thích Sunsilk vì giá cả cạnh tranh, và lập tức hỏi: “Chị mua Sunsilk vì giá rẻ hơn những sản phẩm khác phải không chị?” hay “Chị thấy Sunsilk rẻ nên mới mua phải không chị?”. Chính việc này đã khiến kết quả nghiên cứu bị chi phối theo quan điểm chủ quan của bạn vì luôn có sự khác biệt giữa thực tế và thế giới quan của mỗi người.
4. Không xác định được phạm vi khảo sát
Rất nhiều sinh viên thắc mắc về số lượng khảo sát cần thiết để đạt được độ chính xác nhất định cho vấn đề của sản phẩm. Nhiều bạn chỉ dựa vào suy nghĩ của 1 nhóm nhỏ khoảng 5-10 người để đưa ra kết luận, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Theo thống kê, 400 là con số “chuẩn” mà các công ty đưa ra để đạt được độ chính xác cho sản phẩm (với mức sai số là +- 0,5%), nhưng đối với các cuộc thi sinh viên thì 150-200 khảo sát đã “đủ” để có thể tìm ra insight, quan trọng hơn là các bạn sinh viên cần xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu để tiến hành khảo sát.
5. Chưa phân biệt được giữa định tính và định lượng
Đa số sinh viên thường không biết khi nào nên sử dụng nghiên cứu định tính, khi nào sử dụng định lượng. Để có kết quả chính xác nhất, cả khảo sát định tính và định lượng đều nên được tiến hành. Dùng định tính để hỏi sâu, định lượng hỏi rộng, cho từng mục đích khác nhau: Dùng định tính trước để khám phá khách hàng, định lượng để kiểm định lại, hoặc định lượng trước để tìm ra những hướng đi tiềm năng, và dùng định tính để đào sâu lý do.
*Bài viết được thực hiện bởi Học viện Marketing định hướng Đa quốc gia Tomorrow Marketers Academy *