Tìm lối thoát cho thương hiệu Việt vươn ra thế giới ?
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra khỏi biên giới để chinh phục những thị trường mới, rộng mở hơn, nhưng con đường khai phá thị trường của họ nhiều gian nan và mang tính tự phát.
Ngoại tiến
Đối với thị trường tôn thép trong nước, Hoa Sen Group (HSG) nổi lên như một hiện tượng khi liên tục "lội ngược dòng" để trở thành một trong số ít doanh nghiệp thành công trong bối cảnh kinh tế khó khăn những năm gần đây. Dù vậy, trước sự chưa chắc chắn về khả năng phục hồi mạnh của thị trường vật liệu xây dựng trong nước, HSG một mặt tiếp tục khai thác thị trường nội địa, mặt khác định hướng đầu tư ra nước ngoài như một hướng phát triển mới.
Dù sản phẩm của HSG đã xuất khẩu đi khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ/năm, nhưng theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc HSG, công ty vẫn nghiên cứu đầu tư các dự án sản xuất ở một số nước. Đến nay, HSG đã nhận được giấy phép đầu tư một số dự án tại Myanmar, Indonesia và Thái Lan. Riêng tại Myanmar, HSG vừa xúc tiến thành công việc xin giấy phép thành lập văn phòng đại diện, việc này nhằm đón đầu tăng trưởng kinh tế của Myanmar trong thập kỷ tới. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng; nghiên cứu và cập nhật các chính sách về chính trị, tài chính, thương mại, đầu tư và các luật có liên quan, phục vụ cho việc xây dựng các dự án đầu tư của công ty tại nước này.
Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương thì đang hướng đến thị trường Nga. Lãnh đạo công ty này cho biết đã đạt được thỏa thuận với đối tác Nga về việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Moscow với mức đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ. Nếu thuận buồm xuôi gió thì khoảng đầu năm 2015, công ty sẽ khởi công dự án. Đây được xem là khoản đầu tư đầu tiên của Hùng Vương ra nước ngoài dù trước đó công ty cũng đã tiết lộ về kế hoạch đầu tư ở Indonesia thông qua việc hợp tác với đối tác Singapore.
Theo nhà chế biến thủy hải sản này, Nga là nước có nguồn lợi thủy sản đánh bắt khá phong phú, nhưng ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản chưa phát triển, các sản phẩm chế biến được bán tại thị trường này nhập từ châu Âu và Mỹ. Sau thời gian khảo sát, Hùng Vương đã tìm thấy cơ hội và quyết định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Moscow. Công ty cho rằng một khi Chính phủ Nga không nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và châu Âu nữa thì ngoài Moscow, cá tra và các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam còn có cơ hội được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh thành khác của đất nước này.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã nỗ lực đi tìm những vùng đất mới bên ngoài thị trường nội địa với chiến lược kinh doanh lâu dài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong chín tháng đầu năm nay, bộ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 83 dự án sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ xoay quanh các nước trong khu vực mà còn đến tận châu Âu, châu Phi xa xôi. Chẳng hạn, tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có dự án viễn thông tại Tanzania (châu Phi), vốn đăng ký lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ... Tính đến nay đã có 905 dự án được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỉ đô la Mỹ. Theo FIA, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, thể hiện rõ nét qua sự đa dạng về thị trường, ngành nghề đầu tư, về quy mô, hình thức đầu tư, về loại hình doanh nghiệp tham gia...
Ngoài việc mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, doanh nghiệp còn có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, khai thác tài nguyên và các nguồn lực khác tại nước ngoài khi mà các điều kiện trong nước ngày càng trở nên hạn chế. Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, không chỉ liên quan tới vốn hay nhu cầu, giá cả trên thị trường.
Những "trái ngọt" ban đầu
Nhằm tăng doanh thu khi thị trường trong nước đã bão hòa, trong những năm gần đây, Viettel có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài và những dự án này đang giúp Viettel tăng trưởng doanh thu trong sáu tháng đầu năm nay.
Theo ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, sáu tháng đầu năm nay, doanh thu của Viettel đạt 90.000 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ các thị trường ở nước ngoài như Đông Timor, Peru, Cameroon, Mozambique, Campuchia, Lào, Haiti... đạt khoảng 12.000 tỉ đồng. Viettel đang nỗ lực mở rộng hơn nữa thị trường châu Phi trong mục tiêu phát triển thị trường quy mô 340-350 triệu dân.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ngoài các dự án cao su, mía đường ở Lào còn đang chuẩn bị khai thác những dự án trang trại, chăn nuôi và bất động sản ở Lào, Campuchia và Myanmar sau khi đã "rót" cả tỉ đô la Mỹ vào ba nước này trong những năm qua. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL, các dự án sắp cho những "trái ngọt" đầu tiên.
Lĩnh vực đầu tư được đánh giá có tiềm năng lâu dài của HAGL là nộng nghiệp đã thu hút sự đầu tư của Quỹ Global Emerging Markets (GEM) của Mỹ vào công ty này. GEM đã cam kết đầu tư 1.700 tỉ đồng để mua một lượng lớn cổ phiếu của HAGL. Ông Martin Doan, đại diện quỹ GEM, cho biết ông ấn tượng với các trang trại bò của HAGL (trải dài trên nhiều vùng diện tích ở Việt Nam, Lào, Campuchia - PV). HAGL hiện có khoảng 15.000 con bò thịt và sẽ tăng lên khoảng 60.000 con vào cuối năm nay với bò nhập thêm từ Úc. Kế hoạch của công ty là đạt 100.000 con bò thịt vào năm tới. Riêng về bò sữa, dự kiến những lít sữa bò tươi đầu tiên từ đàn bò của HAGL sẽ đến với người tiêu dùng trong năm tới.
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản của tập đoàn này, đáng chú ý có dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center rộng hơn 73.000 mét vuông tại Yangon. Giai đoạn 1 của dự án gồm trung tâm thương mại và hai tòa cao ốc văn phòng cho thuê hạng A, tổng diện tích kinh doanh lên tới 124.000 mét vuông sẽ được khai thác trong quí 1-2015 và hiện khách thuê đã lấp đầy 95% diện tích với giá thuê cao.
Không đầu tư quy mô lớn nhưng Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường đã có thâm niên tám năm đầu tư ở Campuchia và đang giữ thị phần khoảng 40% về sản phẩm khung trần, vách ngăn ở thị trường này. Ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Tường, cho rằng thị trường Campuchia còn nhiều tiềm năng khai thác trong những năm tới nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài vào Campuchia đang tăng cao.
Phần lớn dự án đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn 2006-2013 (572 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 16,9 tỉ đô la Mỹ) còn đang trong quá trình triển khai, nhưng theo FIA, một số dự án đã đi vào hoạt động bắt đầu đem lại hiệu quả, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, nông lâm nghiệp (bao gồm trồng cây cao su), thủy điện, khoáng sản...
Vẫn tự bơi!
Đầu tư ra nước ngoài được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ngoài việc mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, doanh nghiệp còn có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, khai thác tài nguyên và các nguồn lực khác tại nước ngoài khi mà các điều kiện trong nước ngày càng trở nên hạn chế. Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, không chỉ liên quan tới vốn hay nhu cầu, giá cả trên thị trường.
Một số khó khăn có thể có ảnh hưởng sống còn đối với một dự án đầu tư được ông Vũ Văn Thanh đề cập như giá thuê đất bị đẩy lên, sự khác biệt về chính sách quản lý và thủ tục đầu tư, khác biệt văn hóa, luật pháp, rào cản ngôn ngữ, trình độ nguồn nhân lực...
Ngoài ra, còn có những hạn chế và bất cập trong quản lý nhà nước. Một số doanh nghiệp cho rằng sự tham gia của các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán hay cơ quan thương vụ chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án. Trên thực tế, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan này với hoạt động tại nước ngoài của doanh nghiệp: nhiều cơ quan đại diện không nắm rõ những khó khăn, thuận lợi của nhà đầu tư, trong khi các nhà đầu tư cũng không chủ động gặp gỡ, thông tin về tình hình hoạt động. Có thể nói đây là nguyên nhân căn bản khiến các nhà đầu tư thấy mình lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ khi phải giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai dự án nơi xứ người.
Bộ Công Thương cho biết chiến lược tổng thể về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng (trừ ngành dầu khí). Vì vậy, hiện vẫn chưa có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho hoạt động này, chưa cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư, cơ chế pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư ở các nước.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vẫn mang đậm tính tự phát từ phía các nhà đầu tư.