Marketer Trần Đình Tài
Trần Đình Tài

Marketing-PR dept @ Tập đoàn Hoa Sen

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ

Phát triển hệ thống bán lẻ, xây dựng thương hiệu mạnh, mở rộng đầu tư nhanh với công nghệ tốt, chi phí thấp, tạo đội ngũ cộng sự chuyên nghiệp là chiến lược của ông chủ tập đoàn Hoa Sen.

Tập đoàn Hoa Sen là một doanh nghiệp khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất trên thị trường ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Theo thống kê của NCĐT, Hoa Sen có tỉ lệ tăng trưởng doanh thu đạt 34%, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) là 19% và lợi nhuận/vốn (ROC) 13% bình quân từ năm 2011-2013. Đáng chú ý là dù chỉ mới thành lập được 13 năm, nhưng Tập đoàn đang tiến gần đến mốc doanh thu 1 tỉ USD - một con số mà các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thường phải mất 20 năm mới đạt được.

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ

Chủ tịch của Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ cũng là một người khá đặc biệt. Ông là Phật tử tại gia ăn chay trường và là một doanh nhân áp dụng triết lý kinh doanh theo đạo Phật. Điều này thể hiện qua logo của Hoa Sen, công ty do chính ông sáng lập. Đó là hình hoa sen cách điệu, 8 cánh hoa biểu trưng cho Bát Chính Đạo của nhà Phật. Bát Chính Đạo (gồm chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định) nói đơn giản là phương pháp sống và tu tập của nhà Phật hướng đến sự giác ngộ, cao thượng và hạnh phúc. Trong triết lý kinh doanh của ông Vũ, Bát Chính Đạo là sự hướng đến “Trung thực - Cộng đồng - Phát triển”.Ở Hoa Sen, tính trung thực và tính cộng đồng là hai tiêu chí được đặt lên hàng đầu và trở thành nét văn hóa của doanh nghiệp.

Văn phòng mà ông Vũ tiếp chúng tôi cũng dùng hoa sen làm họa tiết để hướng mọi người trong Tập đoàn thực hành kinh doanh theo con đường Bát Chính Đạo, như hình hoa sen ở bên ngoài cửa kính văn phòng. Bức tường đối diện cũng treo một bức tranh lớn hình một ao sen tuyệt đẹp. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện với chúng tôi lần này không phải bắt đầu bằng vẻ đẹp của hoa sen, về đạo và đời như ông thường nói, mà bắt đầu bằng giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp do E&Y tổ chức mà ông đoạt giải cao nhất.

Lợi thế bán lẻ

* Trong 6 tiêu chí để xét giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp (gồm tinh thần doanh nhân, định hướng chiến lược, ảnh hưởng trong cộng đồng và phạm vi toàn cầu, tư duy đổi mới, sự liêm chính/tầm ảnh hưởng đến cộng đồng và nội bộ doanh nghiệp, khả năng tài chính của doanh nghiệp), theo ông, tiêu chí nào ông vẫn chưa hoàn thiện?

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ(Cười lớn) Câu hỏi này thật khó trả lời. Chúng tôi chỉ cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Ban tổ chức. Còn Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn đánh giá theo các tiêu chí như thế nào thì chúng tôi không rõ.

* Ông sẽ nói về vấn đề gì khi đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam tham gia giải thưởng Doanh nhân EY thế giới tại Monaco vào năm 2015?

Tôi sẽ nói về câu chuyện thành công tại Tập đoàn Hoa Sen. Khi mới khởi nghiệp, chúng tôi hầu như không có gì nhưng chúng tôi đã xây dựng được một doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng bền vững, dẫn đầu ngành hàng tại Việt Nam, vươn ra khu vực Đông Nam Á và thế giới.

* Hoa Sen đã làm điều đó như thế nào?

Chúng tôi luôn sáng tạo không ngừng, linh hoạt trong điều hành và tìm ra đường đi khác biệt để xây dựng các lợi thế cạnh tranh nhằm duy trì tốc độ phát triển cao, nhờ đó tạo ra đột phá trong kinh doanh.

Cụ thể, chúng tôi đã tập trung vào 4 mảnh ghép chiến lược cơ bản. Thứ nhất là phát triển hệ thống chi nhánh phân phối - bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng và quản trị được hệ thống đó. Thứ hai là xây dựng thương hiệu mạnh, thân thiện, hướng đến cộng đồng và tạo được nhu cầu từ thương hiệu.Thứ ba là đầu tư mở rộng nhanh với công nghệ tốt và chi phí thấp. Thứ tư là tạo được đội ngũ cộng sự đáng tin cậy, xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp, chuẩn mực, linh hoạt và hiệu quả, thích nghi với mọi thay đổi và thách thức của thị trường.

* Ông vừa nói lợi thế cạnh tranh của Hoa Sen là hệ thống bán lẻ.Nó khác với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp khác như thế nào?

Chúng tôi đã nhìn trước được thị trường và xác định tiêu thụ là vấn đề quan trọng để đảm bảo khả năng tiêu thụ hàng hóa và dòng tiền.Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã định hướng phải đầu tư vào hệ thống phân phối bán lẻ. Trải qua 13 năm phát triển, hiện chúng tôi đã có gần 140 chi nhánh trên cả nước. Theo kế hoạch, con số này sẽ tăng lên đến 300 trong vòng 2-3 năm nữa.

Trong khi hệ thống phân phối của các doanh nghiệp khác trong ngành thường là các đại lý độc lập, hệ thống chi nhánh của Hoa Sen hầu hết là do Tập đoàn sở hữu từ đất đai, nhà xưởng đến máy móc thiết bị. Nhờ đó, với việc quản lý tập trung và thống nhất theo chính sách chung, chúng tôi đã chủ động trong việc điều chỉnh chính sách bán hàng theo biến động thị trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Đây là một bí quyết giúp Hoa Sen vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua.

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ* Ông có thể nói cụ thể hơn không?

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu quý IV/2008 đã khiến giá thép thế giới lao dốc. Để cứu vãn tình thế, doanh nghiệp ngành thép buộc phải xả hàng tồn kho giá cao.

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp khác không thể nhanh chóng tiêu thụ hàng do còn phụ thuộc vào các nhà phân phối và đại lý thì Hoa Sen, thông qua hệ thống chi nhánh bán lẻ của mình, đã chủ động đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng với khung giá linh hoạt. Nhờ đó, Tập đoàn đã bán hết hàng tồn kho chỉ trong thời gian ngắn. Doanh thu vẫn không giảm dù giá giảm sâu. Quan trọng hơn là Tập đoàn đã bảo đảm được dòng tiền để chớp lấy cơ hội khi giá thép phục hồi và đã nhanh chóng có lãi trở lại trong các quý tiếp theo.

* Một trong những chiến lược làm thương hiệu thành công của Hoa sen trong thời gian qua là việc mời Nick Vujicic đến thuyết trình tại Việt Nam.Cơ duyên nào khiến ông gặp được Nick Vujicic?

Chúng tôi nhận được lời mời tham gia tài trợ cho việc Nick đến Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem video clip về cuộc sống thường ngày của Nick cũng như khi anh diễn thuyết, tôi đã đồng cảm sâu sắc với Nick về những giá trị nhân văn mà anh chia sẻ. Bởi nó mang lại lợi ích cộng đồng, khích lệ và đem lại giá trị sống tích cực cho mọi người.Từ đó, tôi quyết định tổ chức chuỗi chương trình một cách quy mô để đem thông điệp của Nick đến hàng triệu người Việt Nam.Và điều này cũng là một cách thể hiện sự trân trọng của tôi đối với Nick.

* Hoa Sen vừa kết thúc niên độ tài chính 2013-2014. Kết quả kinh doanh năm nay của Tập đoàn thế nào, thưa ông?

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ tài chính 2013-2014 (1.10.2013-30.9.2014), sản lượng tiêu thụ thành phẩm của Hoa Sen đạt 810.226 tấn, vượt 16% kế hoạch năm. Doanh thu thuần trong niên độ đạt 15.004 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế thực hiện đạt 410 tỉ đồng.

* Bài phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng một trong những lý do khiến lợi nhuận của Hoa Sen không đạt như kế hoạch chính là do Tập đoàn đầu cơ nguyên liệu không đúng thời điểm. Sự thật là như thế nào, thưa ông?

2013-2014 sản lượng tiêu thụ thành phẩm của Hoa Sen đạt 810.226 tấn, vượt 16% kế hoạch năm. Doanh thu thuần trong niên độ đạt 15.004 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế thực hiện đạt 410 tỉ đồng.

Giá thép thế giới chịu ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên liệu quặng sắt, trong khi biến động giá quặng thường mang tính chu kỳ và thời gian qua là chu kỳ giảm của giá quặng thế giới. Hồi đầu năm, giá quặng vào khoảng 110-120 USD/tấn, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 80 USD/tấn. Nguyên nhân là do sự sụt giảm mạnh về nhu cầu, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.

Giá quặng giảm thì giá thép cũng giảm. Dù biết là giá sẽ giảm, nhưng các nhà sản xuất đều phải duy trì một lượng tồn kho tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là điều tất yếu trong kinh doanh. Đối với ngành thép, trong chu kỳ giá xuống, lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ giảm và trong chu kỳ giá lên, lợi nhuận lại tăng.

* Hoa Sen có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng hiện hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn cũng khá cao. Liệu có rủi ro gì không?

Hoa Sen hiện trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cao cũng là điều dễ hiểu.Đặc thù kinh doanh của Hoa Sen cũng là một nguyên nhân khiến chỉ số này cao.Hoa Sen là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phân phối, lại vừa bán lẻ nên ở mỗi khâu chúng tôi đều phải có một lượng tồn kho nhất định. Do vậy, nhu cầu vốn lưu động của Hoa Sen cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp chỉ làm một giai đoạn. Nợ cao, nhưng nếu chia ra 3 khâu thì thực sự là không cao.

Mục tiêu 1 tỉ USD

* Hiện nay, đối thủ cạnh tranh của Hoa Sen là ai?

Trong ngành, hiện có hàng chục doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, nói Hoa Sen có đối thủ cũng đúng mà không có cũng đúng, bởi hiện Hoa Sen đã vươn lên dẫn đầu trong nhiều phân khúc. Ở lĩnh vực tôn mạ, Hoa Sen đang nắm gần 40% thị phần, vượt xa các doanh nghiệp ở vị trí thứ hai và thứ ba. Đối với ống thép và ống nhựa, dù Tập đoàn mới tham gia thị trường khoảng 7 năm, nhưng đã vươn lên đứng đầu thị trường ống thép với 20% thị phần và đứng thứ ba thị trường ống nhựa.

* Với thị phần lớn như vậy, liệu Hoa Sen có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới hay không?

Hoa Sen vẫn tiếp tục tăng trưởng bằng việc đẩy mạnh mở rộng thị trường nội địa cũng như xuất khẩu với mục tiêu đặt ra trong 2 năm tới là đạt doanh số 1 tỉ USD.Tập đoàn đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và thị trường để hiện thực hóa mục tiêu này.

Mới đây, Hoa Sen đã khởi công xây dựng một nhà máy quy mô lớn ở Nghệ An. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng gồm 12 dây chuyền sản xuất ống thép với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất tôn phủ màu 100.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất tôn mạ hợp kim nhôm kẽm 400.000 tấn/năm, dây chuyền cán nguội 400.000 tấn/năm, dây chuyền tái sinh acid với công suất thiết kế 300 lít/giờ, dây chuyền tẩy rỉ 400.00 tấn/năm và máy mài trục cán thép CNC với công suất thiết kế 24 trục cán/ngày.

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ

* Tại sao lại mở nhà máy ở Nghệ An mà không phải ở phía Bắc?

Việc đầu tư nhà máy tại Nghệ An là một cách để chúng tôi đưa nhà máy đến gần thị trường hơn để tăng khả năng cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại khu vực từ Thừa Thiên Huế lên phía Bắc. Việc đặt nhà máy ở đây cũng giúp Tập đoàn tăng sản lượng xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Myanmar... Ngoài ra, khi dự án Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động vào cuối năm 2015 thì có thể sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu tốt cho Tập đoàn trong tương lai.

* Xuất khẩu đóng góp rất lớn vào doanh thu của Hoa Sen trong 2 năm vừa qua. Ông sẽ làm gì với các thị trường thế giới trong thời gian tới?

Sản phẩm của Hoa Sen hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Định hướng sắp tới của Tập đoàn là tiếp tục mở rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là hướng đến các thị trường lớn như Mỹ, Úc. Nếu Việt Nam thành công trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi sẽ có một cơ hội rất lớn ở thị trường Mỹ.

* Thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp thép là những tranh chấp kiện tụng về thương mại. Hoa Sen sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Hàng rào thương mại là một vấn đề phức tạp trong mối quan hệ nội tại của từng nước xuất khẩu.Việc các doanh nghiệp nội địa kêu gọi chính phủ nước họ bảo hộ thông qua việc dựng lên các hàng rào thương mại là điều bình thường. Và các doanh nghiệp xuất khẩu phải sẵn sàng ứng phó với vấn đề này.

Về phía Hoa Sen, trước tiên chúng tôi luôn minh bạch số liệu để chứng minh rằng Hoa Sen không bán phá giá. Ngoài ra, còn thành lập tổ chuyên trách, thuê những luật sư giỏi và chuyên nghiệp nhất của thế giới để chứng minh cho lý lẽ của Hoa Sen. Tôi nghĩ đây là nghiệp vụ mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng cần hoàn thiện.

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ

* Hoa Sen có kế hoạch đầu tư các nhà máy ở nước ngoài không, thưa ông?

Trước đây Hoa Sen cũng có kế hoạch đầu tư một số nhà máy ở nước ngoài nhưng hiện nay do một số trở ngại về thủ tục và điều kiện đầu tư nên chúng tôi đã tạm dừng. Ví dụ như ở Thái Lan, chính trị bất ổn, trong khi ở Myanmar thì thủ tục rất phức tạp, đặc biệt việc thuê đất ở Myanmar cực kỳ khó và giá thuê rất cao. Vì thế, chúng tôi vẫn chờ cơ hội, chứ chưa có kế hoạch cụ thể nào.

Quản trị chuyên nghiệp

* Nhiều ông chủ doanh nghiệp Việt thường can thiệp sâu vào công việc điều hành của tổng giám đốc. Ở Hoa Sen thì sao?

Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp đều phải có người lãnh đạo. Vai trò người lãnh đạo rất quan trọng, nhưng cần phải xây dựng một hệ thống quản trị chứ không thể dựa trên mệnh lệnh cá nhân.

Hiện chúng tôi quản trị doanh nghiệp dựa trên hệ thống và phân nhiệm rõ ràng.Tôi đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc là một người khác. Có tháng tôi đi công tác nước ngoài đến 20 ngày và tôi đến văn phòng chỉ khoảng 2 tiếng/ngày nhưng mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn vẫn diễn ra trôi chảy. Điều này chứng tỏ đội ngũ quản lý của Tập đoàn đang điều hành tốt.Tôi chỉ là người lãnh đạo về mặt chủ trương đường lối, chính sách, ý tưởng cũng như về mặt chiến lược.

* Một số ý kiến cho rằng ông Vũ chỉ thích hợp với vai trò ông chủ, chứ không thích hợp điều hành.Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Từ đầu năm 2011, tôi đã chuyển giao lại chức vụ Tổng Giám đốc và chỉ còn giữ vị trí Chủ tịch, còn từ đó trở về trước tôi làm Chủ tịch và kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn. Nếu không điều hành tốt thì làm sao Hoa Sen có thể vượt qua được bao nhiêu khó khăn ngay từ những ngày đầu thành lập để phát triển cho đến ngày hôm nay.

Vai trò người lãnh đạo rất quan trọng, nhưng cần phải xây dựng một hệ thống quản trị chứ không thể dựa trên mệnh lệnh cá nhân.

Những nhà quản lý cấp cao hiện nay tại Hoa Sen đều được tôi đào tạo mà lên. Anh Chu (Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc Hoa Sen) trước đây chuyên về kế toán thuế, hay anh Trần Quốc Trí, Phó Tổng Giám đốc thường trực cũng bắt đầu làm việc với tôi với mức lương khởi điểm chỉ 1,7 triệu/tháng.

* Hoa Sen có khá nhiều cổ đông là tổ chức nước ngoài.Họ có hỗ trợ Hoa Sen trong việc quản trị và điều hành?

Các nhà đầu tư nước ngoài của Hoa Sen đa số là nhà đầu tư tài chính và họ cũng có những tư vấn hữu ích cho Tập đoàn.Về chiến lược kinh doanh, chúng tôi luôn thông qua Hội đồng Quản trị. Nhưng vì Hoa Sen am hiểu ngành và thị trường Việt Nam nên chúng tôi vẫn là bên đưa ra các quyết định về chiến lược kinh doanh.

* Thất bại lớn nhất về điều hành trong quá trình phát triển Hoa Sen mà ông từng gặp là gì?

Chúng tôi chưa gặp thất bại nhưng đã rút ra được những bài học. Cụ thể như bài học quản trị con người, đó là phải hành xử chuẩn mực, đề cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm, phải hình thành hệ thống quản trị dựa trên các chuẩn mực, đảm bảo các cá nhân không thể tư lợi, tham nhũng, ví dụ như vụ Tổng Giám đốc 18 ngày. Sau khi chúng tôi sa thải vị Tổng Giám đốc này cùng hàng loạt ê-kíp, hoạt động của Tập đoàn đã tốt hơn hẳn: doanh số tăng, lợi nhuận tăng, chi phí được kiểm soát. Khi một doanh nghiệp đang trên con đường phát triển, bài học đó là rất quan trọng.

* Nhưng đây chính là những người do ông đưa lên. Đây là bài học quản trị hay bài học về nhìn người?

Tình thế lúc đó buộc phải vậy.Trong giai đoạn tạo sự đột phá, chúng tôi bị thiếu người trầm trọng. Do vậy, về mặt chiến lược, cần phải đột phá, còn về nhân sự thì có thể điều chỉnh sau. Chúng ta phải lựa chọn giải pháp tối ưu trong từng tình huống, chứ không bao giờ có được sự hoàn hảo, đặc biệt là với một nền kinh tế phát triển nhanh như Việt Nam.

* Thế còn việc đầu tư vào bất động sản và cảng biển, sau đó là rút lui?

Đây là những thay đổi về chiến lược.Đầu tư vào bất động sản là động thái thăm dò một lĩnh vực kinh doanh mới và khi thấy không hiệu quả, chúng tôi bán cổ phần và rút lui.Chúng tôi không bỏ tiền quá nhiều và vẫn chưa lỗ trong các dự án đầu tư này. Do đó, không thể nói đây là thất bại. Đối với dự án cảng biển, khi Hoa Sen quyết định đầu tư, bức tranh kinh tế vẫn khá sáng sủa. Nhưng hiện nay công suất cảng biển dư thừa thì việc đầu tư là không nên. Do vậy, rút khỏi dự án này cũng chỉ là sự điều chỉnh. Thị trường hiện nay biến động khôn lường nên khả năng điều hành linh hoạt để ứng phó và thích nghi với biến động đó sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

4 mảnh ghép chiến lược của Lê Phước Vũ

* Tham vọng của ông muốn đặt ra cho Hoa Sen trong tương lai là gì?

Hiện nay chúng tôi đang định hướng tái cơ cấu Tập đoàn để khai thác thế mạnh về thương hiệu và hệ thống phân phối, tiến tới trong trung và dài hạn sẽ trở thành doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, nâng tổng số chi nhánh lên con số 300-400 và sẽ có khoảng 60 trung tâm phân phối vật liệu xây dựng ở các tỉnh.

* Ông có đặt tham vọng trở thành tỉ phú đô la hay không?

Tôi không có tham vọng như vậy vì nếu đặt mục tiêu thì sẽ bất chấp phương tiện để làm được điều đó. Ví dụ nói ông Vũ đi hối lộ để làm giàu là không bao giờ có. Tôi chỉ có tham vọng làm ăn đàng hoàng chân chính, biết nhìn cơ hội để phát triển và có trách nhiệm với cộng đồng. Phát triển một cách có đạo đức, chúng ta sẽ làm giàu từ đó và điều này mới thực sự có ý nghĩa.

* Ông có thần tượng một nhân vật kinh doanh nào không?

Tôi theo đạo Phật và tôi chỉ tôn sùng Đức Phật. Tôi chỉ tin và phấn đấu để làm theo lời Đức Phật dạy.

Theo Nguyễn Hùng-NCĐT