3 cơ sở chứng minh thời đại "Thanh toán không dùng tiền mặt" đã cận kề?
Định nghĩa nhanh về khái niệm “Thời đại thanh toán không dùng tiền mặt” là thời điểm mà gần như toàn bộ các hoạt động giao dịch mua bán mọi sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ, đều được giao dịch bằng tiền ảo với công nghệ và thiết bị tích hợp thanh toán trực tuyến. Và dường như bạn có thể thanh toán bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu bạn muốn.
Một viễn cảnh mang tính cách mạng, thể hiện sự phát triển vượt bậc về mọi lĩnh vực, dường như đâu đó phải rất xa vời thì nhân loại mới đạt được chăng? Nhưng thực tế đang chứng minh viễn cảnh đó đã đến rất gần, thời đại không dùng tiền mặt hay thời đại của thanh toán trực tuyến sẽ lên ngôi vua.
Sau đây là 3 cơ sở cơ bản để chứng minh ngày mà bạn tự tin bước ra khỏi nhà, có thể làm mọi việc chỉ với một chiếc smart phone hay 1 thiết bị di động khác, sẽ đến nhanh thôi.
1. Sự bùng nổ của thương mại điện tử
Theo một trong những thống kê mới nhất về lĩnh vực thương mại điện tử ở riêng Châu Á – Thái Bình Dương, thì có tới 42% người dùng internet trên toàn cầu là ở châu Á. Doanh thu dự kiến về thương mại điện tử B2C (Nhà cung cấp bán hàng cho người tiêu dùng) trong năm 2014 là 525,2 tỉ USD, năm 2015 là 681,2 tỉ USD… và đến năm 2017 con số sẽ là 1052,9 tỉ USD.
Các sản phẩm thường mua trực tuyến nhiều nhất là điện tử tiêu dùng (như tiền điện thoại di động, các loại hóa đơn tiêu dùng như điện/nước/internet/cáp), sách, quần áo và đồ gia dụng.
(Theo twenty.vn)
2. Công nghệ thanh toán phát triển vượt bậc qua mỗi năm
Làn sóng công nghệ đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cách thanh toán của con người. Từ tiền giấy, tiền xu, mua hàng trả tiền tại quầy, quẹt thẻ một cách thủ công, nhân loại đã tiến đến giai đoạn thanh toán trực tuyến và thanh toán qua thiết bị di động.
Ngày nay, tại Mỹ và 1 số nước phát triển người dùng đã có thể thanh toán trực tuyến trực tiếp tiền nhà hàng, café… bằng những ứng dụng thanh toán tích hợp trên thiết bị di động như smart phone. Theo Business Insider: Đến năm 2015, một nửa số nhà hàng ở Mỹ sẽ chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng trên điện thoại. Starbucks cho biết doanh thu bán hàng qua ứng dụng điện thoại của họ đạt con số trên 300 triệu USD trong quý một năm nay. McDonald’s cũng đang phát triển ứng dụng của riêng mình.
Ở Việt Nam, bạn cũng dễ thấy sự xuất hiện nổi bật các ứng dụng thanh toán trực tuyến trong dịch vụ Taxi như GrabTaxi, Easy Taxi. Đáng chú ý nhất là sự phát triển các dịch vụ thanh toán trực tuyến về mảng thanh toán tiền điện thoại di động, tiền game, thanh toán các loại hóa đơn.. của các nhà cung cấp hàng đầu như WebMoney Việt Nam, MoMo, Payoo….
Tháng 10 năm 2014, các hãng tin tức hàng đầu thế giới đều xôn xao với việc Apple giới thiệu giải pháp thanh toán điện tử Apple Pay, trước đó không lâu, Microsoft và Google cũng đã nhúng tay vào thị trường thanh toán điện tử với dự án Zero-Effort Payments trên hệ điều hành Windows Phone, hay ứng dụng Google Wallet dành cho hệ điều hành iOS hoặc Android. Rõ ràng, thị trường thanh toán điện tử trên các thiết bị di động đang là mục tiêu được nhiều đại gia công nghệ thế giới quan tâm.
Trên thế giới và đặc biệt là ở các nước đang phát triển ở châu Phi, các ứng dụng thanh toán “person to person” như M-Pesa hay Venmo đã thu hút lượng giao dịch lên tới hàng trăm triệu USD.
PayPal, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử số 1 thế giới, đang phát triển một phương thức mới để mua hàng đó là dùng Beacons. Đây là một thiết bị dùng để thanh toán được kết nối với điện thoại qua Bluetooth.
3. Nhu cầu sử dụng smart phone của người dùng tăng đột biến
Chỉ riêng trong quý I và II năm 2014, doanh số bán smart phone của Samsung là 223,69 triệu điện thoại trên toàn cầu. Doanh thu của Apple, trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 37,4 tỉ USD. Doanh thu của tập đoàn Microsoft trong quý vừa kết thúc đạt 23,38 tỷ USD (Chiếm phần lớn là doanh thu đến từ doanh số bán ra của các thế hệ điện thoại thông minh). Những con số tiêu biểu này đã phản ánh rất xác thực nhu cầu hiện tại của người dùng về việc sở hữu, cũng như sử dụng smart phone.
Riêng tại Việt Nam, theo nghiên cứu đầu năm 2014 của TNS, Việt Nam đã có hơn 1/3 dân số sử dụng smart phone.
(Theo biztek.vn)
Đơn nhiên, bên cạnh các cơ sở trên một cơ sở tối quan trọng khác không thể không nhắc đến là hệ thống pháp lý của từng quốc gia, từng thị trường, sẽ tác động trực tiếp đến tiến độ phát triển của thanh toán trực tuyến. Hi vọng rằng với sự hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa các quốc gia, sự hợp tác gắn kết ngày một chặt chẽ giữa các tổ chức toàn cầu, sẽ mang ngày “thanh toán không cần tiền mặt” đến ngay trong tương lai gần.