Khác nhau giữa TVC Truyền hình & TVC Online?
Báo giấy vang danh một thời đã & đang dịch chuyển vị thế cho các trang báo mạng. Truyền hình mặt đất, analog đang chuyển đổi sang số hóa (digital)...
Đổi mới, công nghệ có phải là "kẻ thù" của truyền thống?
Câu chuyện công nghệ thay đổi khiến nhiều thứ cũng thay đổi theo. Cùng ColorMedia tìm hiểu sự khác nhau giữa TVC phát kênh truyền hình và TVC phát kênh Online thì cần sự khác biệt gì. Bài viết trong khuôn khổ tìm hiểu cá nhân và quan sát cách thương hiệu lớn đã và đang triển khai.
1. Đặc quyền của khán giả & người xem
Thông thường các kênh truyền hình thường chèn các khung giờ quảng cáo đan xen giữa các chương trình hay, bổ ích thu hút nhiều người xem. Lúc này quảng cáo được coi là cưỡng ép người xem. Ví dụ: khung giờ quảng cáo giữa phim truyện "Người phán xử" là 3-5 phút tương ứng với 8-10TVC phát lúc này. Do yếu tố phim hay nên người xem chấp nhận xem qua quảng cáo để xem tiếp bộ phim này. Ở quảng cáo Online, TVC thường xuất hiện đi kèm với các bài viết chuyên môn hay hoặc là quảng cáo Pre-Roll trước 1 clip hay (YouTube, Facebook, Clip...) Tuy nhiên trạng thái của người xem Online khác và đặc biệt là họ có thể tương tác (Back, Next, Skip) với TVC của bạn. Ở Online thì người xem có nhiều đặc quyền hơn.
2. Độ phủ & Tính lan truyền
Khi mời chào quảng cáo trên một kênh truyền hình nào đó thì thuật ngữ "Độ phủ" và "rating" luôn là 2 yếu tố được quan tâm. Một thương hiệu lớn sẽ lựa chọn VTV3 để tạo hiệu ứng truyền thông vì VTV3 có độ phủ sóng lớn từ đồng bằng tới miền núi, từ đất liền tới hải đảo xa xôi. Chỉ sau một spot quảng cáo 30s thì độ phủ thương hiệu tới từng ngõ ngách của khách hàng mục tiêu đã hoàn thành. Còn nhớ sự lặp lại 3 lần của spot 5s, "Kagaroo - Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam" đã phủ sóng cả nước trong một trận bóng đá đỉnh cao. Tuy thế ngược lại với truyền hình thì với online thì khán giả có thể tương tác và thể hiện rõ sự yêu và ghét. Họ sẵn sàng share câu chuyện đó về trang cá nhân để lan tỏa, thể hiện quan điểm cá nhân và vô thức làm lan truyền thương hiệu.
3. Công thức 05s đầu ấn tượng của TVC Online
Khác với cách xem ép buộc của Truyền hình. Với các chức năng như "Bỏ qua sau 5s" của các kênh quảng cáo Online thì nội dung, hình ảnh 5s đầu phải rất ấn tượng, thu hút người xem thì thông điệp quảng cáo mới trọn vẹn người xem online. Ngay cả YouTube và Facebook thì người dùng của họ vẫn là quan trọng nhất, họ luôn dành cho người dùng những quyền năng tôn trọng. Không nhiều nhãn hàng Việt Nam quan tâm thực sự tới điều này. Bởi lẽ đó mà nhiều TVC Truyền hình được dùng để quảng cáo online và hiệu quả thì chẳng mấy khả quan.
4. Yếu tố Functional và Emotional
Từ việc cưỡng ép người xem quảng cáo của truyền hình và quyền năng riêng của Online nên sẽ có 2 cách tiếp cận riêng nếu nhãn hàng dùng cả 2 kênh này để truyền thông. Functional sẽ mang những thông tin về tính năng sản phẩm, công dụng, chức năng, khuyến mãi...được sài cho phiên bản phát truyền hình. Còn người xem Online họ thích những gì thiên về cảm xúc: yêu, ghét, thần tượng, giàu nghèo...hơn. Lúc này nên chăng nhãn hàng sẽ có một phiên bản nội dung riêng cho quảng cáo online và đặc biệt 5s đầu.
5. Hành vi & Đối tượng xem mục tiêu
Công nghệ với nền tảng Digital đã giúp cho việc tiếp cận Đối tượng xem mục tiêu (khách hàng mục tiêu) ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cùng với các công cụ đo lường, báo cáo trên nền tảng Digital, nhãn hàng có thể biết TVC của mình quảng cáo có hiệu quả không, chí ít thì có thể biết ai xem, ở đâu, thích hay ghét hoặc phản hồi TVC của mình như thế nào. Hơn nữa với công nghệ BIGDATA, mọi hành vi người xem được lưu lại và kỹ thuật quảng cáo bám đuổi, sẽ là một phương thức tiếp cận nhu cầu khách hàng rõ nét nhất.
Marketing bán những thứ khách hàng cần, khách hàng thích trên những môi trường khác nhau của công nghệ truyền thông. Đến thời điểm hiện tại, truyền hình vẫn là một kênh truyền thông với độ phủ tốt nhất được các nhãn hàng lựa chọn trong các chiến dịch truyền thông. Tuy nhiên không thể phụ nhận sự hiệu quả của truyền thông online với những công nghệ cực hữu dụng cho các nhãn hàng. "Hiệu quả" là thứ mà các chiến dịch luôn mong muốn đạt được, vì thế hãy "Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu".
Hoàng Dũng
CEO, ColorMedia
Tư vấn sản xuất TVC & CorporateVideo