Mất bao lâu để xây dựng thương hiệu gạo Việt?
Muốn ăn gạo ngon, chúng ta đi nhập gạo Thái có thương hiệu, còn thị trường trong nước có những giống còn ngon hơn thế, nhưng ít người biết, ít người mua.
Dù trình độ nghiên cứu lúa của Việt Nam được nhiều nước trong khu vực đánh giá cao, Việt Nam cũng là nước có nhiều giống lúa, nhưng buồn thay, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một giống lúa thương hiệu tầm thế giới, thậm chí là tầm... trong nước. Muốn ăn gạo ngon, chúng ta đi nhập gạo Thái có thương hiệu, còn tại thị trường trong nước có những giống còn ngon hơn thế, nhưng ít người biết, ít người mua.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội khẳng định, so với nhiều nước xuất khẩu gạo, Việt Nam là nước có sự đa dạng về các giống lúa, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long cũng có tới hơn 100 giống lúa, trong đó có nhiều giống lúa có chất lượng cao ví dụ như gạo OM, gạo ST...
Tuy nhiên, có một thực tế là gạo của chúng ta không có thương hiệu. Ra thế giới, chúng ta thấy có gạo Khaodakmali của Thái Lan, Jasmine của Mỹ, hay Basmati của Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, ở Việt Nam gạo ST ngon không kém, thậm chí còn ngon hơn nhiều loại gạo chất lượng cao của thế giới nhưng lại chẳng ai biết tới. Thậm chí ngay tại thị trường trong nước, cũng không phải ai cũng biết tới chất lượng của gạo ST.
Người Thái Lan mất 20 năm để quảng bá gạo Khaodakmali, người Mỹ mất 15 năm để quảng bá gạo Jasmine. Như vậy, muốn có gạo thương hiệu, chúng ta cũng phải mất một khoảng thời gian dài nữa.
Điều này cho thấy, việc xây dựng thương hiệu của chúng ta có vấn đề. Muốn xây dựng gạo thương hiệu thì gạo phải chất lượng cao, thơm, ngon. Chúng ta có gạo ngon và không chỉ có một giống, nhưng hiện nay, ngay cả hệ thống đánh giá chất lượng, khả năng mở rộng thị trường... của các giống lúa chúng ta vẫn chưa làm bài bản, thiếu tiêu chí cụ thể thì làm sao tìm được gạo để làm thương hiệu.
Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, để xây dựng và quảng bá thương hiệu, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Người Thái Lan mất 20 năm để quảng bá gạo Khaodakmali, người Mỹ mất 15 năm để quảng bá gạo Jasmine. Như vậy, muốn có gạo thương hiệu, chúng ta cũng phải mất một khoảng thời gian dài nữa.
Và quan trọng hơn, chúng ta xây dựng thương hiệu cho gạo chưa cần tới việc ra thị trường quốc tế mà hãy nghĩ ngay đến việc phục vụ thị trường trong nước. Hãy làm sao để người dân Việt biết đến những giống lúa/gạo Việt chất lượng ngon thay vì chúng ta có mà vẫn phải ăn gạo của nước khác.
M.Châu
*Nguồn: Kiến Thức