[OOH] Quảng cáo ở sân bay: Chọn ga đến hay ga đi?
Nếu từng suy nghĩ về chọn quảng cáo bên trong sân bay, chắc hẳn nhiều nhà quảng cáo đã từng phân vân giữa lựa chọn ga đến (Arrivals) hoặc ga đi (Departure). Bài viết này sẽ đưa ra sự so sánh giữa quảng cáo tại ga đến và ga đi bên trong sân bay.
1. Lưu lượng hành khách
Về mặt lưu lượng hành khách thì không có sự khác biệt lớn giữa ga đến và ga đi. Do thông thường hành khách di chuyển sẽ có hai chiều đi và chiều về.
Dữ liệu hành khách nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất năm 2015
- Ga đến: 5,636,538 hành khách
- Ga đi: 6,116,172 hành khách
*Nguồn: Trung tâm điều hành bay Tân Sơn Nhất
Chênh lệch chỉ khoảng 8,5% cũng không gọi là quá nhiều. Như vậy về cùng với với một ngân sách bỏ ra cho ga đến và ga đi thì KPI (Đồng/hành khách) mang lại sẽ không khác biệt nhau nhiều. Và về căn bản thì tầng lớp khách hang, tỷ lệ các tầng lớp khách hàng cũng tương đối giống nhau.
Tuy nhiên tùy thuộc vào cấu trúc sân bay thì lưu lượng của từng khu vực riêng có thể khác nhau. Ví dụ nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất thì sẽ chia ra cổng đi của VietnamAirlines và Vietjet Air tuy nhiên ga đến thì lại chung.
2. Loại hình quảng cáo
Các hình thức căn bản giống nhau có thể thấy như: Sticker, hộp đèn ốp tường, hộp đèn ốp cột nhà,...
Do đặc thù sự khác biệt về cấu trúc và cơ sở vật chất nên có một số sự khác biệt giữa ga đến và ga đi như sau:
Ga đi: Có một số Booth TV và ghế chờ, sạc điện thoại. Lý do là ở ga đi người xem có thời gian rảnh mới xem TV và ngồi sạc điện thoại (một số trường hợp vẫn thấy những hình thức này xuất hiện ở ga đến nhưng không nhiều).
Ga đến: Băng chuyền hành lý là loại hình quảng cáo đặc trưng tiêu biểu và chỉ có ở ga đến.
3. Thời gian xem
Không có thống kê chính thức tuy nhiên thời gian hành khách lưu lại trong khu vực ga đi sẽ dài hơn so với ga đến. Lý do là ở ga đi hành khách thường có xu hướng đến sớm để không bị trễ chuyến bay (khoảng 30-90 phút). Trong khi đó ở ga đến sau khi lấy hành lý xong thì hành khách sẽ ngay lập tức rời khỏi (khoảng 10-20 phút).
4. Giá cả
Mặc dù không có thống kê cụ thể và chính xác tuy nhiên giá quảng cáo trong điều kiện cùng một diện tích tại ga đến thường đắt hơn tại ga đi mặc dù thời gian xem là ngắn hơn. Lý do là vì sự ưa chuộng đối với việc tiếp cận hành khách đến cho những doanh nghiệp ở địa phương. Đặc biệt ở khu vực sân bay quốc tế thì sẽ còn thấy sự chênh lệch lớn hơn giữa ga đến và ga đi.
5. Tổng kết
Nhãn hàng nào phù hợp với nhà ga nào?
Ga đến hoặc ga đi, mỗi nơi đều có những ưu nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn quảng cáo ở đâu phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mục đích quảng cáo và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp (phạm vi thành phố, quốc gia, quốc tế). Thật khó để có công thức chính xác cho việc lựa chọn ga đến hay ga đi. Tuy nhiên mình sẽ đưa ra 2 ví dụ cho việc lựa chọn tạm coi là đúng cho ga đến hay ga đi.
Ví dụ ga đến: Ở một số sân bay, Grab lựa chọn ga đến để đặt quảng cáo. Bởi vì sau khi đến xong thì sẽ cần nhắc nhở hành khách book xe. Nếu đặt quảng cáo ở ga đi thì chỉ có giá trị Branding chứ không có giá trị tăng được doanh số tức thì.
Ví dụ ga đi: Nhãn hàng đồng hồ Mont Blanc lựa chọn quảng cáo ở ga đi sân bay Tân Sơn Nhất. Vì đó là thời điểm hành khách ý thức được tầm quan trọng của thời gian và sự chính xác của đồng hồ.
Sau cùng là lựa chọn được những vị trí có tầm nhìn tốt, nổi bật đặc biệt là có thể kết hợp được thêm những hình thức quảng cáo sáng tạo phù hợp với địa thế của từng nhà ga.
Tặng bạn đọc thêm một số hình ảnh tham khảo về quảng cáo trong sân bay. Các bạn xem ở đây.
Trân trọng,