Lối thoát nào cho mô hình kinh doanh ví điện tử tại Việt Nam

Hôm qua, tôi có ngồi với một anh bạn ngày trước từng làm ở công ty ví điện tử. Giờ anh ấy đang kinh doanh quán cafe riêng và chúng tôi có khoảng thời gian trò chuyện rất thoải mái về công việc trước đây của anh ấy và công việc bây giờ của tôi – đó là cả hai cùng làm Marketing cho một công ty Ví điện tử ở Việt Nam, lí do anh ấy nghỉ việc để kinh doanh riêng đó là do “quá bế tắc” và không biết phải làm thế nào để giải bài toán: đưa ví điện tử trở thành một công cụ thanh toán tiện ích cho người dùng. Thế nếu nó là công việc hiện tại của tôi, thì đâu là lối thoát cho mô hình kinh doanh này?

Ngày trước, cách đây 3, 4 năm thì Ví điện tử (ví) nở rộ lên như là một mô hình kinh doanh mới, khiến các công ty đổ xô vào phát triển sản phẩm, dịch vụ giành giật thị trường với kỳ vọng về một sự phát triển của công cụ thanh toán không sử dụng tiền mặt này trong tương lai. Tương lai đó tức là bây giờ đây. Và thực tế là sự kỳ vọng đó bây giờ đã và đang trở thành một bế tắc và nó giống như một bông hoa chưa nở đã tàn. Hiện nay, các công ty ví, nếu còn sống, thì chỉ sống một cách thoi thóp như lời anh bạn tôi chia sẻ. Còn nhớ Mobi Ví từng thâm nhập rất sâu vào hệ thống các ngân hàng để có thể rút chuyển tiền từ ví vào tài khoản ngân hàng một cách dễ dàng mà không mất phí giao dịch, còn nhớ Ngân Lượng hợp tác với PayPal để đem tới một chiến lược toàn diện với thanh toán 2 trong 1 cho người dùng PayPal ở Việt Nam và phí cho mỗi giao dịch cũng giảm đi đáng kể, rồi xuất hiện thêm nhiều công ty ví khác… vậy mà giờ đây chủ yếu các Ví điện tử đều chỉ dùng để thanh toán top-up nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn điện, nước…

Các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến không mấy mặn mà

Việc kết hợp ví vào các mô hình bán hàng trực tuyến là một hướng đi mà các doanh nghiệp kinh doanh ví hướng tới vì nó đánh đúng đối tượng mua hàng online và thanh toán online. Thế nhưng khi tôi đem sản phẩm ví của mình đến để kết nối thì chẳng doanh nghiệp bán hàng trực tuyến nào mong muốn tích hợp dịch vụ, thậm chí còn bị từ chối thẳng thừng không thương tiếc. Dù là bán hàng trực tuyến nhưng đa số mọi người vẫn dùng hình thức chuyển tiền khi nhận hàng (COD), là một hình thức gây rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng với thói quen tiêu dùng và mua sắm thì các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đành cắn răng mà chịu.

Lúc tôi đi tham gia cuộc hội nghị bàn về luật thương mại điện tử ở Việt Nam có hỏi anh Dũng – chủ tịch hội thương mại điện tử Việt Nam là ở nước ngoài mấy trang kinh doanh thương mại điện tử họ có phải đăng kí như mình không? Anh Dũng trả lời rất thẳn thắn là không. Tôi hỏi lại thế sao Việt Nam mình lại làm rườm rà vậy? Anh Dũng hỏi lại tôi một câu là Việt Nam mình ma lanh lắm, bán toàn đồ đểu, đồ giả, không đăng kí thì quản lý thế nào, rồi người dùng lại chịu thiệt, rồi khi nào người dùng mới tin tưởng vào các sản phẩm bán hàng trực tuyến để thúc đẩy một nền thương mại điện tử phát triển được.

Ờ, tóm lại là lòng tin, chừng nào ông bán hàng còn làm ăn chụp giựt thì thương mại điện tử còn chưa phát triển được chứ đừng nói là ví.

Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống cảm thấy rườm rà

Quay lại câu chuyện tôi nói lúc nãy. Lí do mà tôi gặp anh bạn đang mở quán cafe là vì tôi nảy ra ý định lớn lao theo cách của tôi là tạo thói quen uống cafe và thanh toán bằng Ví điện tử cho người dùng. Tôi nghĩ cứ giảm giá nếu thanh toán bằng ví thì người dùng sẽ đồng ý thôi, thời buổi này ai chẳng muốn tiết kiệm. Anh bạn tôi mới bảo rằng quán của anh ấy phục vụ theo tiêu chí là nhanh. Bây giờ bảo người đi uống cafe thanh toán bằng ví rồi bên quầy phải kiểm tra giao dịch, chưa kể lỗi thì ai xử lý, sau đó lại mất công rút tiền về từ ví qua bao nhiêu bước. Nhiêu khê, không khả thi. Vì nể tôi anh ấy nói, nếu làm, có doanh thu tốt thì sau 2, 3 tháng tôi cũng dẹp cái ví của ông thôi. Còn nếu không được thì tôi cũng dẹp luôn ấy.

Vậy là khách hàng sờ tận tay, day tận mắt sản phẩm rồi, mà doanh nghiệp vẫn chưa chịu sử dụng dịch vụ thanh toán bằng ví.

Ví điện tử giờ chẳng còn tiện ích gì

Nói về tiện ích của ví thì bây giờ, người dùng đều chuyển qua quẹt thẻ và xài tiền mặt là cũng có hết các tiện ích của Ví điện tử. Ví dụ đơn giản thôi, bỏ tiền trong thẻ, dù ít dù nhiều, tháng nào cũng có tiền lời, đi đâu thanh toán cũng tiện, giờ thẻ ATM còn quẹt được chứ đừng nói thẻ Visa hay Master. Bỏ tiền trong ví có cái khỉ khô gì đâu. Nếu không xài tiền mặt thì xài thẻ. Nạp, chuyển, rút tiền đều dễ, hệ thống ngân hàng giờ khắp nơi, cây ATM khắp nơi, nếu giữ thẻ cẩn thận thì độ an toàn cũng cao. Thanh toán quốc tế thì giờ có thẻ Visa rồi.

Nói thế thì lối thoát nào cho Ví điện tử?

Thanh toán quốc tế – hẹp nhưng vẫn có ánh sáng

Với điều kiện phải là ví quốc tế, kiểu như PayPal. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có một loại ví quốc tế hoạt động đó là WebMoney, sử dụng được đồng tiền Việt để thanh toán quốc tế. Nhưng lối thoát khá hẹp vì đa số thanh toán quốc tế cho người dùng Việt Nam, Visa đã làm hết phần việc của nó rồi. Việc phát triển thanh toán của WebMoney còn tuỳ thuộc vào phí giao dịch và mật độ thông dụng của cổng thanh toán. Các trang mua sắm quốc tế đều có cổng Visa để thanh toán còn WebMoney thì rất rất rất ít. Nói thế để biết là có lối đi – một lối đi hẹp.

Nội dung số – Khuyến mãi khủng

Viết đến đây tôi nghĩ nếu không có mô hình bán thẻ điện thoại, nạp điện thoại trực tiếp, thanh toán hoá đơn thì tất cả các Ví điện tử ở thị trường Việt Nam sống như thế nào? Giống như hiện nay trên thị trường duy nhất chỉ có trang Telepay là luôn duy trì mức giảm giá cho mỗi giao dịch với bất cứ mệnh giá nạp tiền điện thoại là 10% còn các ví còn lại chỉ 5% là tối đa. Nhưng hiện nay nhiều tiệm tạp hoá, bán thẻ điện thoại đầy ngoài đường. Mấy ai mua thẻ điện thoại mà phải nào là chuyển từ từ ngân hàng vào ví, rồi lấy ví ra thanh toán, như vậy 10% giảm giá trên xem ra chẳng phải là cực chẳng đã hay sao. Đầu tư vào những sản phẩm có nội dung không phải hàng hoá vật chất và người dùng không lo về chất lượng ví dụ như vé xem phim, thẻ điện thoại, phần mềm, bản quyền… nhưng thuyết phục được các doanh nghiệp là một chuyện không hề đơn giản. Nói thế để biết là có thêm một lối đi – nhưng lối này cũng hẹp

fb

Siêu nhân xuất hiện

Kiểu không quá đặt nặng về chuyên môn và phân tích những con số, bài viết chỉ chia sẻ về chuyện nghề sau một buổi cafe, vậy nên nếu đã tiếp nhận thì tiếp nhận thêm một lối đi nữa là biết đâu đó, có một siêu nhân nào đó xuất hiện mang hơi thở mới cho Ví điện tử ở thị trường Việt Nam, thay đổi toàn cục một cách bất ngờ, giống như ở Mỹ luôn luôn có nhiều hơn một siêu anh hùng trên điện ảnh vậy.