Giá sữa thế giới giảm, trong nước vẫn neo cao
Giá sữa trong nước vẫn đứng ở mức cao dù giá sữa nguyên liệu trên thế giới tiếp tục duy trì xu hướng giảm.
Theo Bộ Công Thương, tháng 10-2014, giá sữa trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Trong đó, giá sữa bột gầy tại châu Âu giảm 3,3% so với tháng 9-2014, xuống còn 2.135 euro/tấn - đây là mức giảm thấp nhất sau khi đạt mức cao hồi tháng 2-2014 với 3.650 euro/tấn.
Nguồn cung vượt cầu
Tại thị trường Tây Âu, tháng 9-2014, giá sữa bột gầy giảm bình quân khoảng 725-1.025 USD/tấn xuống còn 2.300 - 3.250 USD/tấn; giá sữa bột nguyên kem giảm khoảng 550 - 900 USD/tấn, còn 2.875 -3.625 USD/tấn. Thị trường châu Úc, sữa bột gầy giảm khoảng 550 - 1.075 USD/tấn xuống còn 2.425 - 3.350 USD/tấn; sữa bột nguyên kem giảm khoảng 150 - 925 USD/tấn, còn 2.600 - 3.300 USD/tấn.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá sữa trong tháng 9-2014 trung bình đạt 187,8 điểm, giảm 13 điểm (6,5%) so với tháng 8-2014 và giảm 62,4 điểm (24,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giá sữa thế giới sụt giảm được các tổ chức đánh giá là do sự phục hồi giá hàng hóa nói chung trên thế giới vẫn ảm đạm; nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa còn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, phong trào sản xuất phô mai tại các nước Liên minh châu Âu để xuất khẩu sang Nga đã tăng mạnh, dẫn đến tăng sản lượng bơ và sữa bột tách kem, kéo giá sữa xuống…
Theo dự báo, sắp tới, giá sữa vẫn tiếp tục xu hướng giảm bởi những yếu tố nêu trên còn duy trì khiến nguồn cung vượt cầu và tâm lý chờ đợi giá sữa giảm tiếp.
Nguyên nhân giá sữa thế giới sụt giảm được các tổ chức đánh giá là do sự phục hồi giá hàng hóa nói chung trên thế giới vẫn ảm đạm; nhu cầu sử dụng sản phẩm sữa còn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Chưa có doanh nghiệp đăng ký giảm giá
Trong khi đó, theo rà soát của Bộ Tài chính về giá nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm sữa từ tháng 6-2014 đến tháng 9-2014 của các doanh nghiệp trong nước, phần lớn nhóm hàng này ổn định giá hoặc tăng. Riêng bột sữa nguyên kem giảm 2,57% so với trước khi thực hiện bình ổn giá.
Ngoài bột lactosse giá không đổi, những nguyên liệu sữa còn lại tăng từ 0,48% - 19,52%, như bột sữa gầy chưa pha thêm đường và chất ngọt khác tăng 1,45%; bột váng sữa cao đạm tăng 19,52%; nguyên phụ liệu dùng trong sản xuất sản phẩm sữa - dầu bơ khan tăng 0,48%...
Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), sữa Enfamil A+1 900 g có giá bán lẻ niêm yết là 532.700 đồng/hộp (giá trần 538.144 đồng/hộp). Trong khi đó, cũng sản phẩm này, tại thời điểm khảo sát cuối tháng 6-2014, giá bán lẻ lại dưới 450.000 đồng/hộp. Sữa Enfagrow A+4 loại 900 g có giá 379.900 đồng/hộp, sữa Enfagrow A+3 hộp 900 g giá 445.900 đồng/hộp - giảm nhẹ so với tháng 6-2014.
Các dòng sữa khác vẫn được niêm yết ở mức khá cao, như Similac Gain dành cho trẻ 6-12 tháng có giá 519.800 đồng/hộp, Similac Gain dành cho trẻ 1-3 tuổi: 405.500 đồng/hộp, Similac Gain cho trẻ 3-6 tuổi: 430.600 đồng/hộp, Pediasure dành cho trẻ 1-10 tuổi trọng lượng 850 g: 591.800 đồng/hộp, Physiolac 3 loại 900 g : 425.900 đồng/hộp…
Đại diện một doanh nghiệp sữa trong nước có thị phần khá lớn cho biết mặc dù giá sữa nguyên liệu thế giới giảm trong thời gian qua nhưng chưa tác động đến giá sữa trong nước.
“Do hợp đồng mua bán sữa thành phẩm với đối tác nước ngoài được ký kết ổn định trong 1 năm nên giá sữa thế giới chào bán tháng 10 vừa rồi giảm nhưng doanh nghiệp không nhập được giá đó bởi đây là giá chào cho các hợp đồng trong năm sau” - vị đại diện này giải thích.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, từ khi thực hiện Quyết định số 1079 (áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) ngày 1-6 đến nay, giá bán lẻ trên thị trường đã giảm khoảng 0,3% - 26% với 503 mặt hàng được đăng ký.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đánh giá mức giá bán lẻ các mặt hàng sữa hiện nay là cao. Dù giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp kinh doanh sữa nào trong nước đăng ký giảm giá bán.
Phương Nhung - Tô Hà
*Nguồn: Người lao động