Không Khác Biệt Bạn Vẫn Sống Khỏe

“Khác Biệt Hay Là Chết” – Tựa sách kinh điển của Jack Trout và Stave Rivkin – đã chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của “khác biệt” trong vấn đề tồn tại và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, nếu bạn không thể khác biệt, bạn vẫn có thể sống khỏe!

Thật lòng mà nói thì, ở cái thị trường Việt Nam này, bạn có thể dễ dàng cho ra đời một thương hiệu, nhưng để từ bỏ một thương hiệu lại không phải một điều dễ dàng. Tôi có một anh bạn muốn đăng ký phá sản đã hơn 5 năm nay rồi, thi thoảng vẫn bị các bác bên thuế gọi lên hỏi han, viết giấy ghi tờ, … phiền tới mức anh bạn luật sư khuyên anh ấy … thay số điện thoại mà ngủ cho ngon!

Thế nên, dù bạn có muốn chết và “tự nguyện” chết cũng không phải một quyết định khả quan!

Vậy làm thế nào để bạn không khác biệt mà vẫn sống khỏe?

khong khac biet ban van song khoe.jpg


Bắt Chước

Có lẽ đây là phương pháp kinh điển được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Thay vì tạo ra xu hướng, chúng ta “bắt chước” và làm cho nó nổi bật hơn, rẻ hơn,…

Điển hình với thương hiệu nổi tiếng trong làng công nghệ như Samsung, nổi danh trở thành kẻ theo đuôi Apple có lẽ chẳng phải niềm tự hào của Samsung, nhưng đây từng là chiến lược thông minh để chiếm lĩnh thị phần của “gã khổng lồ” này. Trước khi “bắt chước” Apple, Samsung từng được người tiêu dùng định vị là dòng điện thoại “mong manh” với card màn hình gập dễ “chập cheng”, hay điện thoại dành cho người già vì sự cổ lỗ sỹ trong thiết kế “ngoại hình”… Mọi chuyện đã khác, giờ đây, Samsung là thương hiệu dẫn đầu thế giới về doanh số, giá trị thương hiệu đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Và đã đến lúc, Samsung biến Apple trở thành kẻ theo sau khi buộc thương hiệu này phải thay đổi quan điểm về Smartphone màn hình lớn, bằng chứng của sự ra đời Iphone 6, và Iphone 6 Plus với màn hình 4.7 inch và 5.5 inch. Tất nhiên, không dễ dàng thay đổi định vị “bắt chước” trong tâm trí khách hàng, nhưng cùng với thời gian, biết đâu ... không gì là không thể?

Về thời trang, chúng ta chẳng xa lạ gì với H&M và Zara – hai thương hiệu bình dân với thiết kế cao cấp!

Trong thời điểm kinh tế suy thoái như hiện nay, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận một chiếc quần jean rách của H&M với giá 50$ thay vì 2.500$ cho phiên bản gốc của Balmain.

Thế giới Marketing cũng không hề thiếu các ý tưởng tuyệt vời để thương hiệu có thể bắt chước thành công. Ví dụ điển hình là chiến dịch quảng bá sản phẩm khá rầm rộ của Trà Xanh 0 Độ, ý tưởng quảng cáo rõ ràng đã được sao chép hoàn hảo của một thương hiệu trà Trung Quốc. Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ý tưởng gắn tên trên vỏ lon của Coca cola đã từng được đề cập đến rất lâu trước đây trong cuốn sách “Phòng Thí Nghiệm Của Nhà Quảng Cáo”.

Có thể “bắt chước” không phải chiến lược cao sang trong xây dựng thương hiệu, nhưng đây là một trong những chiến lược đơn giản mà luôn mang lại hiệu quả tốt và tức thì.

Tất nhiên, để vận dụng hiệu quả chiến lược này, bạn nên nắm bắt các vấn đề luật pháp một cách tốt nhất để không rơi vào những vụ kiện tụng pháp lý tốn kém.

Dựa Hơi

Thay vì tạo ra xu thế, hãy dựa vào xu thế!

Này nhé! Nếu bạn không thể tạo ra Iphone, hãy tạo ra ốp lưng, miếng dán màn hình Iphone. Hàng loạt các công ty Trung Quốc đang sống khỏe từ chiến lược này. Nếu bạn không thể tạo ra chiếc áo, hãy sản xuất phụ kiện như khuy cài, nơ, hoa trang trí,…

Một cách “dựa hơi” theo nghĩa bóng ngày càng được cách thương hiệu sử dụng nhiều hơn, đó là cái cách mà Trung Nguyên đã thao thao bất tuyệt về “nước có mùi café pha đường” của Starbuck’s. Hay cái cách mà 7Up dựa hơi Coca với chiến dịch “There is no coke like the uncola”, và Subway với “Eat fresh” đánh vào điểm yếu chí mạng “Fast” của McDonal’s, bởi fast có nghĩa là thực phẩm phải được chuẩn bị sẵn từ trước đó, đồng nghĩa với việc tính “fresh” sẽ không nguyên vẹn.

Dựa hơi thế này cũng là một cách để tạo ra sự khác biệt chứ nhỉ?

Thị Trường Ngách

Đã từng có thời Coca Cola phải “chui lủi” trong các hẻm nhỏ sâu trong lòng Sài Gòn. Là kẻ đến sau, khi mà Pepsi đã gần như thống lĩnh thị trường, Coca Cola đã có một lựa chọn hết sức thông minh khi bắt đầu từ gánh hàng rong, xe cóc, cho tới quán nước lề đường. Chẳng ai có thể ngờ “gã khổng lồ” lại chui vào Việt Nam từ cái lỗ hẹp đến thế?

Và Viettel ở cái thời đại mà VNPT gần như độc quyền viễn thông, đã có một bước đi không ngoan khi phủ sóng thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ, xây dựng riêng cho mình một đế chế vững chắc trước khi tiến quân tràn vào thành phố.

Ngách nhỏ mới là điểm khởi nguồn của biến lớn!

Làm Truyền Thông

Một sản phẩm tốt không có nghĩa sẽ trở thành một thương hiệu tốt nếu không biết cách truyền thông điệp đó vào trong lòng khách hàng.

Nói cách khác, bạn không nhất thiết phải tạo ra một sản phẩm tốt nhất, mà hãy tạo ra một sản phẩm tốt nhất trong tâm trí khách hàng mục tiêu.

Sức mạnh của truyền thông chính là ở điểm này! Hãy biết tận dụng!

Có rất nhiều kênh truyền thông miễn phí mà bạn có thể bắt đầu như:
+ Blog, fanpage, diễn đàn,…
+ Qua nhân viên, bạn bè,…
+ Qua những người nổi tiếng trong cộng đồng,…
+ Qua không gian thương hiệu
+ Qua báo chí,…
+ ….

Một ví dụ điển hình năm 2013 mà có thể bạn còn nhớ, đó là chương trình “ăn thử sushi miễn phí” của Sio Sushi. Một chương trình mà Cô chủ nhỏ sinh năm 91 đã không phải tốn một đồng cho truyền thông, nhưng sức lan tỏa thì thật … kinh khủng!

Trường Vốn

Cái này chắc khỏi phải giải thích nhiều, bạn nào làm kinh doanh mà chịu lỗ được 6 năm liền thì đảm bảo không có chết nổi!

Bước chân vào thương trường, vốn dĩ để tạo ra bước đột phá, bạn nên biết cách để tạo ra những khác biệt. Nhưng nếu không thể bắt đầu với một khác biệt, điều đó không có nghĩa rằng bạn khổng thể bắt đầu kinh doanh. Chỉ cần có những lựa chọn thích hợp, với chiến lược thông minh, không khác biệt bạn vẫn sống khỏe!

Hải Nguyên
Go & See