Sự nổi tiếng của iPhone nhìn từ hệ quy chiếu của Điểm bùng phát
Bắt đầu từ thời khắc ngày 9/1/2007 (10/1 giờ Việt Nam), lịch sử thế giới công nghệ đã thay đổi khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Tại sao iPhone lại trở nên nổi tiếng như vậy? Có lẽ nhiều bạn sẽ không khỏi mỉm cười và liệt kê tất cả những vẻ đẹp cũng như những tính năng ưu việt của iPhone. Nhưng lịch sử đã cho thấy, không phải cứ sản phâm tốt hơn thì sẽ bán tốt hơn. New Coke – thảm họa của một thương hiệu vẫn còn là một bài học để đời cho bất kì nhãn hàng nào. Hay nếu chúng ta thử điểm mù giữa Pepsi và Cocacola, tôi không dám chắc phần đông sẽ lựa chọn Cocacola thay cho Pepsi.
Vậy điều kì diệu nào đã đưa Iphone trở thành một biểu tượng của thế giới? Khiến trái táo khuyết trở thành một trong những thương hiệu đắt giá nhất hành tinh? Và Steve Jobs trở thành một tượng đài của thế giới. Tất nhiên Apple không chỉ có Iphone, nhưng trong bài này tôi chỉ chọn Iphone nhưng một tác phẩm sáng giá, đặt nó dưới hệ quy chiếu của Điểm bùng phát, để suy ngẫm nhiều hơn… những lí do đã biến Iphone thành kiệt tác và hơn thế nữa…
Theo Điểm bùng phát, một “đại dịch” chỉ xảy ra khi có các yếu tố: Quy luật thiểu số, Yếu tố kết dính và Sức mạnh của hoàn cảnh.
1. Quy luật thiểu số (The Law of the Few):
Quy luật thiểu số đã chỉ ra rằng một đại dịch bùng phát nằm trong sự quyết định của thiểu số người và có 3 nhóm người thiểu số này là: Người kết nối (Connector), Nhà thông thái (Maven) và Người bán hàng (Salesman).
Xét đến cùng, Apple hãy cảm ơn sự sáng suốt của mình khi mời Steve Jobs trở lại làm CEO của mình. Steve Jobs, dù cho còn có nhiều bàn cãi đi chăng nữa, không thể phủ nhận rằng ông chính là Người kết nối, Nhà thông thái, đồng thời cũng là một Người bán hàng vô cùng chuyên nghiệp.
Steve Jobs chính là người đã kết nối, đại diện cho sản phẩm mang thương hiệu Apple. Với những thành công mà ông đã đạt được ở các lĩnh vực khác nhau trước khi trở lại Apple, với các mối quan hệ mà ông có được, và với tài năng thuyết trình bẩm sinh, Steve Jobs như một nam châm thu hút bất kì ai khi ông đứng trên sân khấu.
Ông cũng là một chuyên gia trong sản phẩm của Apple với vai trò là một Nhà thông thái. Chúng ta hãy nghe Steve Jobs miêu tả về Iphone, rất ngắn gọn nhưng cũng vô cùng đầy đủ: “Đầu tiên, đó là biểu tượng Ipod được tích hợp thành một phím cảm ứng trên thanh điều khiển. Thứ hai, đó là một cuộc cách mạng trong công nghệ điện thoại di động. Và thứ ba, đó là một bước đột phá trong công nghệ truyền thông Internet. Trong ba điều này, cả ba công nghệ đó sẽ được tích hợp lại trên duy nhất một thiết bị. Và chúng tôi gọi nó là Iphone”. Thử hỏi rằng trên thế giới này có ai có thể miêu tả Iphone ngắn gọn mà vô cùng chính xác được như Steve Jobs?
Steve Jobs cũng nổi tiếng về khả năng thuyết phục, thương lượng. Trong khi các đối thủ của mình tập trung bán hàng online, thì ông lại cho xây dựng một hệ thống những cửa hàng bán lẻ. Đến bây giờ, App Store được coi là chuỗi bán lẻ thành công nhất của mọi thời đại, nếu lấy số tiền kiếm được chia cho diện tích mặt bằng. Và chắc chắn rằng nó chính là một trong những người bán hàng đem lại doanh thu lớn nhất cho Apple.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến giới truyền thông, các chuyên gia và chính những Ifan. Chính họ cũng nằm trong Quy luật thiểu số này khi mỗi lần một chiếc Iphone mới ra đời, họ cũng chính là Người kết nối, Nhà thông thái, Người bán hàng khi liên tục bình luận, dự đoán cũng như “show” những chiếc Iphone như một sự tự hào không thể thay thế.
2. Yếu tố kết dính (Stickiness factor):
Luôn có những cách đơn giản để liên kết thông tin sao cho ở những hoàn cảnh phù hợp nó lôi cuốn mạnh mẽ mọi người. Tất cả những gì bạn phải làm là tạo ra cách đó.
Và Apple đã làm được điều đó, từ ngay bản thân sản phẩm của họ - Iphone. Chính Iphone tự nó đã là một chất kết dính tuyệt vời mà không một sản phẩm gì có thể thay thế, không ai có thể phủ nhận điều đó. Đúng như lời của vị cố CEO Apple đã ca ngợi: "Những lợi ích như giao diện cảm ứng đa chiều chẳng hạn, nó như một loại phép thuật mà bạn không cần đến chiếc đũa thần để sử dụng. Nó chính xác hơn bất kỳ một màn hình cảm ứng đã có trước đây. Những cú chạm vô ý sẽ được bỏ qua. Công nghệ này cực kỳ thông minh. Bạn có thể chạm nhiều ngón tay vào màn hình cùng lúc.”
Chắc hẳn không ai còn xa lạ gì với phong cách của Steve Jobs. Ông theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo và đẹp một cách đơn giản. Với ông, điện thoại không chỉ cần đầy đủ chức năng mà còn phải đẹp, không chỉ thông minh mà còn phải được sử dụng một cách đơn giản.
Với 6 đời chiếc Iphone đã có mặt ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận thiết kế tinh tế, sự thấu hiểu người dùng, kho ứng dụng App Store khổng lồ… của Iphone. Iphone đã trở thành một biểu tượng mang tính thời trang và đẳng cấp trên toàn thế giới.
3. Sức mạnh của hoàn cảnh (The power of context):
Vào đầu những năm 2000 cho tới năm 2007, thị trường smartphone bị thống trị bới Nokia và giới doanh nhân thì rất ưa chuộng BlackBerry với bàn phím qwerty. Có vẻ như mọi người không có gì để phàn nàn về hiện tại cả. Thị trường thế giới di động giống như một cái gì đó bất động, không thể lay chuyển được. Nhưng thực ra không phải vậy. Chỉ cần một cú đẩy vào đúng vị trí thích hợp, thế giới đó sẽ bùng nổ.
Và cú đẩy đó chính là iPhone.
Với cảm ứng đa điểm, hệ điều hành OSX tinh vi, tự động đồng bộ trên PC và Mac…. Iphone thực sự là một “cú nổ” lớn khiến giới chuyên môn và các đối thủ phải “sững”.
Bản giao hưởng mang tên Apple dưới sự lèo lái của vị nhạc trưởng tài hoa Steve Jobs lúc bấy giờ không bị “lây lan” bởi hoàn cảnh, họ tạo ra hoàn cảnh. Chưa một ai làm như vậy, giới phân tích và truyền thông nghi ngờ, đối thủ cười chê….nhưng bỏ qua tất cả, họ đã tái định nghĩa lại smartphone.
Và bắt đầu từ chiếc iPhone thứ hai, thì không nghi ngờ gì nữa, tất cả mọi người, mọi thế lực, từ các Ifan xếp hàng để sở hữu những chiếc Iphone đầu tiên, giới truyền thông, giới chuyên môn không tiếc lời để bình luận, các đối thủ không ngừng tìm mọi cách để ăn theo hay gièm pha… Tất cả tạo nên sức nóng khổng lồ bao phủ khắp hành tinh, đó cũng chính là sức mạnh của hoàn cảnh.
iPhone 6 và iPhone 6 Plus trong những ngày hôm nay cũng không là ngoại lệ. Tôi dám cá với bạn rằng chúng chính là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, khiến không ít người hân hoan nhưng cũng không kém kẻ lo ngại.
Cuối cùng, xung quanh những ồn ào về Iphone 6 và Iphone 6 Plus, tôi xin cảm ơn tác giả cuốn sách Điểm bùng phát là Malcolm Gladwell đã đem lại gợi ý cho tôi viết nên bài này. Đồng thời tôi cũng xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình tới vị doanh nhân tài ba Steve Jobs – cha đẻ của iPhone, Người đã làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.