Truyền thông đã làm tăng giá trị của sản phẩm như thế nào?
Bài viết này tôi đề cập tới giá trị thương mại của một “sản phẩm” khi được truyền thông nâng tầm nó lên cả về mặt giá trị thương mại lẫn sự chờ đợi của công chúng.
“Sản phẩm” này chính là sản phẩm giải trí – Trận so găng giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor.
Như chúng ta đã biết Mayweather là một huyền thoại làng Boxing, được mệnh danh là "độc cô cầu bại" với 49 trận thắng liên tiếp trong sự nghiệp. Còn McGregor là một ngôi sao đình đám bậc nhất làng UFC khi anh lập kỳ tích giữ liền hai đai vô địch hạn lông và hạng nhẹ. Với hai cái tên có thể nói là nổi tiếng và đình đám nhất của hai môn thể thao hấp dẫn là Boxing và UFC, công chúng chắc hẳn sẽ rất hào hứng và mong chờ một trận đấu trong mơ giữa hai tay đấm này. Bằng chứng là sự quan tâm và sức hút khủng khiếp của nó trong suốt thời gian qua.
Có vẻ như đây là một kịch bản đã được dựng lên rất công phu và đến giờ tuy trận đấu chưa diễn ra nhưng hiệu quả của nó thật đáng kinh ngạc. Giả thuyết kịch bản này là thật thì những người tạo ra kịch bản và thực hiện việc truyền thông này quả là những kẻ đại tài. Nếu giả sử không có kịch bản nào thì với cái nhìn xuyên suốt nó cũng có khá nhiều điều để chúng ta suy ngẫm và đặt ra câu hỏi tại sao trong tương lai mình lại không thể tự tạo ra một kịch bản như thế?
“Kịch bản” bắt đầu bằng những tin đồn về việc McGregor thách đấu với Mayweather để tạo thông tin và khơi gợi sự mong mỏi của công chúng.
Tiếp theo đó, không dừng lại ở tin đồn, trước trận tranh đai vô địch hạng nhẹ UFC, McGregor đã chính thức gửi lời thách đấu hết sức khiêu khích đến huyền thoại Boxing để công chúng có thể tin về một trận đấu trong mơ giữa hai tay đấm sẽ diễn ra.
Tuy Mayweather chưa có phản ứng chính thức nào nhưng báo chí truyền thông quốc tế đã đồng loạt đưa tin trận đấu có thể diễn ra vào năm 2016, vấn đề chỉ là sẽ áp dụng luật nào cho trận đấu bởi hai tay đấm đang thi đấu ở hai môn võ khác nhau để tạo hy vọng cho người hâm mộ rằng trận đấu hoàn toàn có thể diễn ra.
Nghệ thuật tạo nút thắt và cởi nút kết hợp với nghệ thuật tâm lý là tạo ra sức hút vô cùng lớn đối với khán giả yêu võ thuật và đang mong chờ trận đấu này.
Nút thắt đầu tiên là từ phía Mayweather khi anh không có phản hồi chính thức nào sau lời tuyên bố, dù McGregor đã dùng đủ chiêu trò khiêu khích như khoe tiền, nude chụp ảnh bên siêu xe…nhưng dường như Mayweather có vẻ chẳng quan tâm vì anh vốn đã quá nổi tiếng. Anh đã giải nghệ và sở hữu khối tài sản kếch xù lên tới 800tr USD, vậy thì có động lực gì để anh trở lại thi đấu? Trong khi McGregor liên tục khiêu khích và công kích đối thủ bằng mọi cách thì ở phía bên kia Mayweather cũng không ngại ngần cho rằng "Gã điên UFC" vẫn chưa đủ tuổi để đấu với anh về mọi mặt, tiền bạc và danh tiếng. Điều này hẳn sẽ đưa khán giả đến cảm xúc hụt hẫng?
Và rồi, nút thắt này được gỡ bằng việc Mayweather tuyên bố "muốn đánh thì ký giấy", điều còn lại phụ thuộc vào McGregor và chủ tịch UFC Dana White. Điều này lại tạo ra một niềm hy vọng cho khán giả nhiều hơn.
Sau khi nút thắt đầu tiên được tháo bỏ thì nút thắt thứ hai được tạo ra, nút thắt này đến từ Chủ tịch UFC Dana White, người quản lý của McGregor khi ông nói với TMZ: "Trận đấu này không thể diễn ra. Sẽ chẳng có trận đấu nào được diễn ra cả". Những phát biểu này của chủ tịch UFC như một "gáo nước lạnh" làm tắt lịm đi những tia hy vọng của người hâm mộ về "trận đấu trong mơ", nhưng tất cả mọi thứ đều có luật, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều lần ông từng tuyên bố "nếu hai võ sĩ muốn đấu thì phải đến gặp tôi", và rất, rất nhiều lần nữa ông khẳng định trận đấu sẽ không bao giờ diễn ra. Điều đó làm người hâm mộ vô cùng thấp thỏm.
Song song với nút thắt này là màn đấu khẩu liên tục giữa hai tay đấm khiến báo giới và truyền thông không ngừng đưa tin, ngay cả những người nổi tiếng như Ibrahimmovic cũng phải lên tiếng và đến lúc này thông tin về trận đấu dường như đã được lan truyền trên toàn thế giới. Trận đấu trong mơ giữa Mayweather và McGregor có diễn ra hay không, chưa ai dám khẳng định tuy nhiên hàng ngày vẫn có quá nhiều thông tin xung quanh cuộc đấu đặc biệt này.
Và rồi, không ai khác, chính Chủ tịch UFC Dana White là người tháo gỡ nút thắt này khi Mayweather đồng ý thi đấu vào tháng 6/2017, ông lại quay ngoắt thái độ: "Hai anh ta có thể thi đấu mà không cần xin phép tôi". Điều này lại mở ra một hy vọng lớn hơn bao giờ hết cho người hâm mộ đối với trận đấu này.
Sau khi các nút thắt được tháo gỡ, có lẽ vấn đề chính mới được nêu ra và bắt đầu thương thảo, đó không gì khác ngoài Tiền.
Đầu tiên là việc Chủ tịch UFC Dana White ra giá, UFC chỉ chi 50tr USD trong khi Mayweather đòi 100tr USD. Tiếp đến là hàng loạt các thông tin không chính thức về giá trị trận đấu có thể lên đến nhiều triệu USD. Thậm chí McGregor còn chắc chắn nếu như Mayweather nhận lời thi đấu với anh thì đó sẽ là siêu trận đấu tạo ra kỷ lục doanh thu lên tới 500 triệu USD.
Đến nay, chưa biết trận đấu khi nào mới diễn ra nhưng thông tin về nó đã lan tràn trên khắp thế giới và luôn thu hút quá nhiều sự quan tâm của dư luận và khán giả. Tất nhiên, kéo theo đó là giá trị thương mại cũng không ngừng tăng. Theo nghiên cứu của FORBES, trận đấu giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor đang được kỳ vọng sẽ được định giá lên tới 1 tỷ đô để trở thành trận đấu đắt giá nhất trong lịch sử thể thao.