Marketer Phùng Thị Phương
Phùng Thị Phương

Brand Strategy Manager @ Richard Moore Associates

Bom tấn Kong: Skull Island có thể trở thành một “Cú hích” để Du lịch Việt Nam “Cất Cánh”?

Chỉ một ngày sau “Kong: Skull Island” được công chiếu thì các công ty du lịch ngoại đã khai thác triệt để cơ hội này với các tour phim trường đến Việt Nam. Họ không được trao cơ hội vàng này, nhưng họ dường như nhanh nhạy hơn cả chúng ta.

Một người bạn tôi đang sống tại Pháp chia sẻ rất thật nhưng cũng rất đáng buồn “bạn bè quốc tế chỉ biết đến Việt nam qua chiến tranh Việt Nam mà không biết Việt Nam ở đâu, to nhỏ thế nào. Có bạn còn nghĩ rằng Việt Nam vẫn đang chiến tranh và nói tiếng Trung vv …”

Việt Nam còn mờ nhạt như vậy, đứng trước một cơ hội “ngàn vàng” này, liệu có tận dụng triệt để cơ hội này để tạo được dấu ấn cho nền du lịch nước nhà?

Động thái đầu tiên là bổ nhiệm Ông Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn tác phẩm bom tấn "Kong: Skull Island" làm Đại sứ Du lịch Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2020, để thực hiện việc quảng bá, tuyên truyền cho du lịch Việt Nam thông qua các loại hình hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình hoạt động khác hướng đến công chúng”.

Hãy thử tưởng tượng xem nếu việc mời đạo diễn của Kong skull island làm đại sứ có trong kế hoạch từ trước đó, song song với các hoạt động truyền thông cho phim là các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam thì hiệu ứng sẽ như thế nào?

Jordan Vogt-Roberts

Đạo diễn phim Kong: Skull Island - Jordan Vogt-Roberts.

Dù rằng đã có những động thái tích cực nhưng dường như chúng ta vẫn đang trong thế "bị động xử lý" nhiều hơn là "chủ động đón nhận".

Phim công chiếu rồi chúng ta mới bỏ phiếu. Các hoạt động truyền thông liệu có thể triển khai được ngay? Các công ty lữ hành sẽ bắt được đúng trend, nhưng Du lịch Việt Nam e rằng sẽ trễ mất thời cơ.

Sự việc này có phần giống với việc Bia Hà Nội “trở tay không kịp” khi Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Việt Nam và uống bia Hà Nội. Họ đã không có một cái “chuẩn” để biết nên hành xử như thế nào cho “phù hợp” với thương hiệu Bia Hà Nội khi đứng trước cơ hội ấy. Và cuối cùng thì "cờ đến tay" nhưng Bia Hà Nội đã "chẳng thể phất".

Với thương hiệu du lịch, có lẽ chúng ta cần phải học hỏi rất nhiều từ các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan…. Malaysia là quốc gia đa sắc tộc với sự giao thoa về văn hóa của người Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ và nhiều dân tộc khác. Các nhà phân tích đã cho rằng, chính sự đa dạng về dân số là điểm yếu và khiến cho Malaysia không tạo được dấu ấn độc đáo trong tâm trí du khách, và khó có điểm khác biệt nổi trội so với các quốc gia khác.

Họ đã làm được điều không tưởng là biến “yếu điểm” thành điểm khác biệt độc nhất cho thương hiệu. Năm 1999, Malaysia định vị trở thành điểm đến du lịch “đa dạng văn hóa, thiên đường ẩm thực” được yêu thích cho các phân khúc du khách khác nhau trên thế giới với chiến dịch “Malaysia, Châu Á đích thực”.

Bom tấn Kong: Skull Island có thể trở thành một “Cú hích” để Du lịch Việt Nam “Cất Cánh”?

Định vị này cho thấy bản sắc của Malaysia là “sự đa dạng”. Không một nơi nào hội tụ đủ các màu sắc, hương vị, âm thanh và cảnh đẹp của Châu Á như Malaysia. Cũng không có quốc gia nào là “Châu Á đích thực” như Malaysia.

Và quan trọng “Châu Á đích thực, linh hồn của Châu Á, tinh túy của Châu Á” được thể hiện rất tập trung và xuyên suốt trong hoạt động truyền thông của Malaysia.

Một Việt Nam với định vị “Vẻ đẹp bất tận – Timeless Charm”. Vậy du lịch Việt Nam cần thể hiện và làm nổi bật được cái “đẹp” của Việt Nam. Nhưng đó không chỉ là đẹp mà là “đẹp bất tận”.

Có lẽ nào Malaysia, Philipines, Thái Lan…. không đẹp? Liệu Việt Nam có “đẹp” hơn các quốc gia cùng khu vực để lấy “vẻ đẹp bất tận” làm điểm khác biệt độc nhất cho du lịch Việt Nam?

Mọi thứ không xuất phát từ ngọn. Thương hiệu cũng vậy. Thương hiệu cần bắt nguồn từ gốc.

Nếu khác biệt của du lịch Việt Nam là "đẹp" thì có lẽ chúng ta cần một vẻ đẹp cụ thể hơn. Đẹp cũng có nhiều kiểu đẹp, đẹp hiện đại hay cổ kính, đẹp nhân tạo hay đẹp nguyên sơ? Tất cả những vẻ đẹp này đều có thể thể hiện được, có thể hình dung được với du khách. Nhưng sẽ thách thức vô cùng để có thể làm cho du khách thấy được vẻ đẹp “bất tận” của Việt Nam.

Mọi thứ không xuất phát từ ngọn. Thương hiệu cũng vậy. Thương hiệu cần bắt nguồn từ gốc. Khi gốc rễ không đủ vững, việc khoác thêm những chiếc áo hào nhoáng và sức nặng của truyền thông cũng không thể làm cho gốc rễ chắc hơn.

Du lịch Việt Nam, nếu có một chiến lược thương hiệu xuyên suốt và bài bản thì có lẽ chúng ta sẽ bớt lúng túng hơn, chủ động hơn khi đứng trước những cơ hội như thế này. Mặc dù ở góc độ kinh tế các động thái của Việt nam có thể tăng nguồn thu cho du lịch, nhưng để ghi được dấu ấn đậm nét về “vẻ đẹp bất tận” thì e rằng Việt Nam cần làm nhiều hơn thế.