4 bài học truyền thông từ trào lưu Ice bucket challenge

4 bài học truyền thông từ trào lưu Ice bucket challengeKhi tôi viết những dòng này cũng là lúc tôi đọc được thông tin quỹ bệnh ALS đã quyên góp được hơn 100 triệu đô với sự tham gia của nhiều các ngôi sao trên thế giới như cô Kim “siêu vòng ba”, Justin Timberlake, Bill Gates… Đây quả là điều đáng “thèm muốn” của bất kì chiến dịch social media nào, thuộc bất kì thương hiệu nào dù lớn hay nhỏ trên thế giới. Vậy hãy xem chúng ta có thể học hỏi được gì từ thành công vang dội của trào lưu này nhé.

1. Sự đơn giản:

Trong khi các thương hiệu đang cố công để tạo ra các cuộc thi có nội quy phức tạp thì những gì một chiến dịch cần có nhất lại là sự đơn giản. Từ bài học về chú chim đập cánh bay Flappy bird, điệu nhày Gangnam Style, điệu nhảy Harlem Shake đến trào lưu này đều cho thấy đơn giản là hoàn hảo. Jonhn Sulley (cựu CEO của Apple) đã từng phát biểu: "Tất cả những gì mà người ta học tập được trong thời đại công nghiệp này là phải cố công sáng tạo càng lúc càng phức tạp. Tôi nghĩ là người ta càng lúc càng cần phải là đơn giản đi chứ không phải là nên phức tạp lên. Tính đơn giản là tri thức đặc biệt."

"Tất cả những gì mà người ta học tập được trong thời đại công nghiệp này là phải cố công sáng tạo càng lúc càng phức tạp. Tôi nghĩ là người ta càng lúc càng cần phải là đơn giản đi chứ không phải là nên phức tạp lên. Tính đơn giản là tri thức đặc biệt."

Trong trào lưu Ice bucket challenge, chỉ với một xô nước đá với một chiếc máy quay hay smartphone và một tài khoản trên mạng là bạn đã có thể thực hiện được. Tuy nhiên tuy đơn giản mà nó lại không kém phần vui nhộn, tạo cảm giác thoải mái cho người chơi.

2. Sự liên quan:

Thử thách nước đá ALS đơn giản là lời thách đố “Hãy dội xô nước đá lên đầu” do Peter Frates, cựu đội trưởng đội bóng chày của trường đại học Boston, người mắc phải căn bệnh ALS từ năm 2012 khởi xướng. Khi đổ xô nước đá lên đầu, bạn sẽ cảm nhận được phần nào nỗi đau mà người bị bệnh ALS phải chịu đựng. Đó là sự liên quan đầu tiên.

Sự liên quan thứ hai là giữa những người thách đấu với nhau. Họ hầu hết đều là bạn bè, đồng nghiệp hay làm cùng lĩnh vực, chẳng hạn như Bill Gates với Mark Zuckeberg.

Bài học ở đây là các thương hiệu khi tạo ra một chiến dịch social media thì thông điệp từ chiến dịch phải có liên quan đến nhãn hàng và sau đó là phải đánh trúng khách hàng mục tiêu.

3. Tạo ra những cuộc đối thoại liên chiều:

Truyền thông chỉ thực sự thành công khi tạo ra được những cuộc đối thoại hai chiều giữa thương hiệu và khách hàng. Nếu vậy thì Ice Bucket challenge thực sự vượt mức thành công vì nó đã tạo được những cuộc đối thoại đa chiều và liên chiều. Đa chiều ở đây là nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều phương tiện cùng tham gia; còn liên chiều là sự thách thức tiếp nối nhau không ngớt.

4. Mặt trái của trào lưu:

Tuy nhiên trào lưu nào cũng có hai mặt của nó, và trào lưu này cũng không phải là ngoại lệ.

Thông tin một cô gai tên Nancy Oley tại bang Missipi (Mỹ) chết do trò chơi này đã làm xôn xao cộng đồng cư dân mạng.

Bên cạnh đó, trò chơi này về Việt Nam đã bị biến tướng khi các bạn trẻ không dội cả xô nước đá mà chỉ là một bát nước, hay là tình trạng nhằm lợi dụng cơ hội này nhằm khoe thân. Tệ hơn là nhiều người đã làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa của trào lưu khi chỉ thi nhau dội nước và thách đố mà cố tình lờ đi mục đích chính là quyên góp tiền làm thiện nguyện.

Để Ice bucket challenge trở nên hoàn hảo hơn, trong video của những người nổi tiếng đều có thể nhắc ALS nhiều hơn hoặc thiết thực nhất, công bố rõ ràng họ đã quyên góp bao nhiêu tiền cho hiệp hội ALS để những người hâm mộ có thể noi theo thì số tiền quyên góp được sẽ nhiều hơn rất nhiều và trào lưu cũng ít có biến tướng hơn.

Điều này cũng có nghĩa rằng khi tạo ra một chiến dịch, thương hiệu có thể nhận được những phản ứng không mong muốn, nhưng hãy linh hoạt xử lí để nó trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Tóm lại, chúng ta không thể phủ nhận thành công mà trào lưu này mang lại về cả số tiền quyên góp được cũng như lĩnh vực truyền thông. Đó âu cũng là những bài học mà các thương hiệu khi tạo ra các chiến dịch viral cần học hỏi một cách thông minh.