Cái tên bất tử

Đối tượng chủ yếu mà tôi đối chiếu tới là đồ xa xỉ, những món hàng cao cấp nhất và các công ty làm ra nó. Bài viết dưới đây chỉ nhằm đưa ra vài luận điểm chủ quan, sẽ còn nhiều thiếu sót và những nghi vấn cần phải thảo luận. Mong những ai đó sẽ luôn có đóng góp tích cực cho chủ đề này.

Hữu xạ tự nhiên hương

Việc giữ sức hút cho thương hiệu và phát triển sự nhận diện qua thời gian là điều mà bất kỳ nhà sản xuất nào cũng quan tâm. Có nhiều biện pháp như: làm mới hình ảnh logo, thay đổi cách thức tiếp cận, tăng chất lượng trong tính năng nào đó của sản phẩm…Và không ít tiền phải bỏ ra cho việc này, nhất là các công ty FMCG, thời trang bình dân,...

Dẫu biết thường các công ty này hướng tới tầng lớp có thu nhập thấp, không yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Nhưng liệu chúng ta có thể giảm chi phí cho việc làm mới thương hiệu bằng việc để cho nó tự phát triển rồi lụi tàn theo nhu cầu thực tế, thay vì phải chi ra hàng tỷ đô để “đốt” vào các hoạt đọng xúc tiến và quảng bá ?!

Có lẽ chúng ta nên quay về cái yêu cầu cơ bản của cả một nền kinh tế là có được các sản phẩm tốt thay vì những “quảng cáo tốt”. Sở dĩ các nhãn hiệu “luxury” duy trì được lòng tin và sự trung thành nơi khách hàng bởi họ đã gửi gắm nhiều triết lý và giá trị vào từng sản phẩm họ làm ra. Mỗi sản phẩm đều mang danh tiếng của một nhà thiết kế, một nhà hóa học hay của một người đầu bếp. Vì vậy mà ‘cái tên’ của họ tự nhiên cũng trở thành ‘thương hiệu’ !

Có thể thấy điều này khá rõ nét khi bạn tìm hiểu về sự ra đời của các sản phẩm và nhân vật ‘làm mây làm gió’ một thời như: CoCo Chanel, Steve Jobs, các nhà hàng cao cấp hạng nhất tại Nhật Bản…

Cái tên và sản phẩm của họ được tôn sùng nhiều đến nỗi nó tạo ra sự lan truyền có chiều sâu mà bất kỳ công ty nào cũng phải mơ ước. Họ đã không đi đường vòng, họ đi thẳng và đối mặt với sự thay đổi và khó tính của thực tại.

Một đời người, một cái tên

Một bài toán khó trong nội bộ doanh nghiệp thường tốn nhiều giấy mực báo chí là sự tiếp nối cho một thế hệ lãnh đạo- những người nắm giữ tinh thần và kỹ thuật khai nguyên của sản phẩm nòng cốt một ngày nào đó sẽ ra đi và không thể điều hành hay tạo ra những sản phẩm tương tự đã gắn tên tuổi họ với nó.

Liệu một thương hiệu có “giảm giá” không ? Liệu lòng tin của khách hàng có đủ mạnh để họ chịu chi tiền cho sản phẩm của “nghệ nhân thế hệ thứ 2” ?!

Thiết nghĩ, tôi sẽ để cho thương hiệu “chết” theo tên người tạo ra nó nếu không có thế hệ tiếp nối hiểu và giữ được hồn cốt của thương hiệu. Việc này rất khó bởi thế giới quan mỗi người khác nhau. Nhưng thật gượng ép nếu cứ phải tìm ra bằng được một ai đó có đủ độ bền và sự nhiệt huyết với “một triết lý thiêng liêng” được gửi gắm trong từng sản phẩm, từng nét văn hóa công ty.

Tôi sẽ để cho thương hiệu “chết” theo tên người tạo ra nó nếu không có thế hệ tiếp nối hiểu và giữ được hồn cốt của thương hiệu.

Khi một cái tên đánh mất “cái chất” của nó thì nó nên ra đi. Điều này đã được nhiều công ty lớn làm đối với các ‘nhãn hàng’ được nuôi đã lâu nhưng ‘không chịu kết quả’. Vì vậy, việc một công ty sở hữu nhiều nhãn hàng là điều hoàn toàn nên làm bởi nó sẽ giúp công ty sống được qua các biến động nội bộ cũng như bên ngoài.

…Đôi dòng kết

Để lại một ký ức đẹp, không để lại một chút tì vết trong tâm trí khách hàng có lẽ là chuyện xưa nay hiếm. Và càng khó hơn trong việc cân nhắc giữa việc “khai tử” một thương hiệu lâu đời và phát triển thương hiệu mới đầy triển vọng.

Nhưng dẫu vậy, việc bảo tồn nó để mong chờ một ngày hồi sinh, đưa cho nó một hơi thở mới nhưng không mất đi phần hồn là việc vẫn nên nghĩ tới. Bởi suy cho cùng thì con người ta sống vì mong chờ được cảm nhận cái vui thú tuyệt đỉnh do một con người hay sản phẩm nào đó mang lại.