Agency Việt Nam: Chuyển mình toàn diện
Chia sẻ từ Ông Hiroki Ito – Tổng Giám đốc Dentsu Vietnam.
Mới đây, nhân sự kiện Dentsu Việt Nam là đơn vị trong ngành quảng cáo được Hiệp Hội Marketing lựa chọn để hợp tác xây dựng cổng thông tin về truyền thông toàn diện, ông Hiroki Ito – Tổng Giám Đốc Dentsu Việt Nam, với nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường Truyền thông Tiếp thị Nhật Bản trước khi đến với thị trường Việt Nam - đã chia sẽ cái nhìn đa chiều đối với sự phát triển của các Agency tại Việt Nam trong tương quan so sánh với thị trường thế giới.
* Xin chào ông Ito, rất cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ về quan điểm của mình đối với sự chuyển mình của các Agency Việt Nam trong bối cảnh ngày nay. Là một chuyên gia về Truyền thông Tiếp thị mới đến Việt Nam trong năm 2016 vừa qua, ông đánh giá như thế nào về xu thế của ngành Truyền thông Tiếp thị Việt Nam?
Xu thế của ngành Truyền thông Tiếp thị trên giới đều đang dịch chuyển mạnh mẽ vào các nền tảng kỹ thuật số. Thị trường Truyền thông Tiếp thị Việt Nam cũng chứng kiến sự chuyển dịch tương tự. Một dự báo mới từ eMarketer và IAB Singapore cho biết nguồn đầu tư vào kỹ thuật số cho đến năm 2020 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng 53,6%. Riêng thị trường Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng đến 23,6%. Bên cạnh đó, hành vi người dùng ngày nay cũng thay đổi đáng kể, họ giành thế chủ động trong việc tìm kiếm, sàng lọc và lựa chọn thông tin, điều này đòi hỏi các Agency phải có chiến lược tiếp cận phù hợp với tình hình mới trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.
* Ông nghĩ rằng các Agency Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu thế?
Tôi cho rằng sự bùng nổ của Truyền thông kỹ thuật số là điều tất yếu, và sẽ còn phát triển vượt bậc với sự trợ lực của công nghệ. Điều này chắc chắn sẽ khiến cuộc đua đến trái tim người tiêu dùng ngày càng trở nên khốc liệt. Để chuẩn bị sẵn sàng hòa nhịp cùng tốc độ phát triển của thế giới, các Agency Việt Nam buộc phải có sự chuẩn bị cần thiết để đi trước một bước, đón đầu xu thế. Cụ thể, về mặt thông tin Việt Nam cần phải có một cổng thông tin chuyên ngành để những nhà hoạt động tiếp thị tra cứu và học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi nhận thấy việc đưa kiến thức về truyền thông tích hợp một cách chuyên nghiệp và đầy đủ sẽ là nền tảng cho sự phát triển của ngành truyền thông tiếp thị Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp quảng cáo nói riêng.
* Theo ông, sự chuẩn bị cần thiết này là gì?
Khi có được nền tảng kiến thức cần thiết, nguồn nhân lực sẽ phát triển. Điều này luôn đúng ở tất cả các ngành nghề. Điểm mạnh của thị trường quảng cáo tại Việt Nam là nó còn mới mẻ, rất nhiều không gian để phát triển. Tuy nhiên, nó lại thiếu một định hướng chuyên môn. Vì thế, việc hợp tác với VMA để trang bị kiến thức về truyền thông toàn diện sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nguồn nhân lực để từ đó tạo nguồn lực để sáng tạo nên những giải pháp cải tiến tốt đẹp và đưa ngành quảng cáo truyền thông phát triển.
Hơn nữa, mô hình truyền thông toàn diện cũng chính là cách tiếp cận của tương lai mà bất cứ nhãn hàng nào cũng nên quan tâm tìm hiểu.
Tôi lấy ví dụ đối với thị trường Nhật Bản và thế giới. Khi mà cách thức Truyền thông Hỗn hợp tập trung chủ yếu vào việc đưa thông tin một chiều từ thương hiệu đến người tiêu dùng với tần suất và tần số xuất hiện cao đã trở nên lỗi thời, thì Dentsu đã có sự chuẩn bị từ rất sớm khi đầu tư nghiên cứu và phát triển mô hình Truyền thông Toàn diện, tác động vào hành vi chủ động tìm kiếm của người dùng, thúc đẩy hành vi chia sẻ và từ đó tạo nên kết nối lâu dài giữa người dùng và thương hiệu. Mô hình này đã thay đổi cách xây dựng thương hiệu và mang đến thành công cho hơn 60,000 khách hàng trên toàn thế giới.
Ứng dụng mô hình Truyền thông Toàn diện trong môi trường truyền thông kỹ thuật số cũng đã mang lại cho Dentsu kết quả kinh doanh rất đáng khích lệ. Trong năm 2016 vừa qua, doanh thu từ các chiến dịch kỹ thuật số đã chiếm 52% trên tổng số doanh thu của tập đoàn, cho thấy triển vọng lớn lao của mô hình Truyền thông Toàn diện này trong bối cảnh hiện nay.
Xét đến thị trường Việt Nam, cách thức Truyền thông Tiếp thị của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại vẫn còn chưa chú ý đến khả năng tương tác của người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm sao để các Agency tại Việt Nam thuyết phục khách hàng chuyển đổi cách thức truyền đi thông điệp theo kiểu cũ đã được định hình từ nhiều năm qua, khi mà nguồn kiến thức về Truyền thông Toàn diện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, khiến việc tiếp cận mô hình này trở nên khó khăn đối với cả phía khách hàng lẫn nhà Tiếp thị.
Với vai trò là người tiên phong trong lĩnh vực Truyền thông Tiếp thị, Dentsu Việt Nam cho rằng việc giới thiệu kiến thức chuyên sâu về Truyền thông Toàn diện tại Việt Nam sẽ là một bước phát triển quan trọng, không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành Truyền thông Tiếp thị Việt Nam, mà còn mang đến lợi ích cho chính khách hàng.
* Ông có thể giải thích rõ hơn về dự án này sẽ triển khai như thế nào?
Để hiện thực hóa ý tưởng này, chúng tôi đã hợp tác với Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA) xây dựng một “thư viện số” về kiến thức thức Truyền thông Toàn diện, nơi cung cấp kiến thức chuyên sâu về Truyền thông Toàn diện, đồng thời tạo ra cơ hội kết nối giữa các cá nhân, tổ chức trong ngành với các chuyên gia về Truyền thông Toàn diện trong mạng lưới Dentsu trên toàn thế giới.
Với dự án Tiếp cận bằng Truyền thông Toàn diện trong thời đại Kỹ thuật số, Dentsu Việt Nam mong muốn cộng đồng thấu hiểu thêm về triết lý “Cải tiến tốt đẹp” (Good Innovation) của Tập đoàn Dentsu, và mong muốn góp phần ý nghĩa cho công cuộc chuyển mình của các Agency tại Việt Nam, khẳng định vai trò dẫn dắt của Dentsu trong lĩnh vực Truyền thông Tiếp thị.
Dự án đã chính thức ra mắt tại: www.digital.dentsu.com.vn
Tôi hy vọng dự án này sẽ tạo ra được sự thay đổi tốt đẹp cho ngành công nghiệp truyền thông tiếp thị tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian và chúc dự án thành công tốt đẹp!