Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Hãy thức tỉnh: Phần lớn thương hiệu không thể học được gì từ Apple hay Nike

Những thương hiệu hàng đầu như Apple, Nike hay Coca-Cola chỉ là 1% những trường hợp thành công hiếm hoi trong marketing, 99% các thương hiệu mà các bạn đang làm không thể nào đạt đến đẳng đó.

Có một sự thật mà tôi nghĩ chúng ta nên thừa nhận, một dạng tà thuyết mà nếu nói ra, tôi chắc mình bị ném đá, nhưng thôi kệ, cứ nói.

Rằng...

Marketer chúng ta nên tập cách phớt lờ những bài học mà các thương hiệu hàng đầu đang làm như Apple, Google, Coca-Cola, Microsoft, Samsung, Amazon, McDonald’s và GE, vâng vâng và vâng vâng.

Những thương hiệu này chỉ là 1% thành công hiếm hoi trong marketing, không phù hợp với 99% trường hợp của các thương hiệu còn lại mà chúng ta đang quản lý. Những thương hiệu huyền thoại này không phải là những mô hình nên noi theo dù chúng ta ngưỡng mộ chúng như thế nào.

Quan điểm của tôi bắt đầu từ câu chuyện về một cậu Marketing Executive, 10 năm trước tại công ty cũ, đã cố gắng thuyết phục tôi thêm vào một nét cong “xẹt” phía dưới tên thương hiệu cho giống với logo của Nike và mong nó mang lại hiệu ứng tốt cho thương hiệu như nó đã mang lại cho Nike.

Hãy thức tỉnh: Phần lớn thương hiệu không thể học được gì từ Apple hay Nike

Cái “xẹt” đó chẳng có gì sai, nhưng cậu ta hoàn toàn không nhìn nhận được sự khác nhau giữa 1 tỷ đô ngân sách marketing mỗi năm của Nike với ngân sách ít ỏi của thương hiệu mà chúng tôi đang làm, vì vậy bất cứ nỗ lực thêm đường “xẹt” nào trên logo để khắc vào tâm trí người dùng cũng mang lại kết quả hoàn toàn khác.

Tôi hiểu tại sao cậu đồng nghiệp của mình lại phạm sai lầm như thế.

Nếu bạn học hay nghiên cứu marketing, đọc các báo kinh tế, nghe chuyên gia phân tích hay tham dự hội thảo, bạn sẽ được dẫn dắt để tin rằng chúng ta nên đi theo các thương hiệu lớn, chi tiền để xây dựng hình ảnh thương hiệu và quảng cáo.

Những hoạt động kích hoạt thương hiệu và thể thao mạo hiểm siêu kinh ngạc của Red Bull.

Những quảng cáo và thiết kế đẹp mê hồn của Apple.

Bộ máy PR của Richard Branson.

Steve Jobs thế này và Apple thế kia.

Chắc chắn là tôi cũng rất yêu thích việc đọc và học hỏi về những điều mà các thương hiệu khổng lồ này đang làm, nhưng rất nhiều thương hiệu thành công ngày nay chẳng làm bất cứ điều gì giống vậy.

Facebook. Snapchat. Dropox. AirBnb. Uber. Grab.

Thực tế của hầu hết các thương hiệu ngày nay là bạn sẽ không có một ngân sách marketing khủng hay một chiến lược toàn cầu tuyệt vời (trừ phi bạn đang làm cho các tập đoàn lớn).

Ở Việt Nam có vài cái tên như Giao hàng Nhanh, The Coffee House, Thế giới Di động, Vascara, Vingroup.

Họ hiếm khi cạnh tranh với các thương hiệu lớn hay giành giật thị phần. Họ chỉ tập trung vào người dùng mục tiêu và trải nghiệm sản phẩm. Họ cải tiến nó.

Thậm chí các digital agency còn hiếm khi sử dụng digital để quảng bá cho các dịch vụ của mình, chứ đừng nói gì đến các hình thức quảng cáo truyền thống.

Tôi không phải muốn hủy diệt marketing. Ý của tôi là: thực tế của hầu hết các thương hiệu ngày nay là bạn sẽ không có một ngân sách marketing khủng hay một chiến lược toàn cầu tuyệt vời (trừ phi bạn đang làm cho các tập đoàn lớn).

Tôi sẽ mạo hiểm đưa ra một tiên đoán rằng những độc giả của Brands Vietnam tốt hơn là nên nghĩ về marketing một cách thực tế hơn và phù hợp hơn với thương hiệu của mình, chứ không phải là những chiến lược hay hoạt động đốt tiền như các thương hiệu lớn đang làm.

Vì vậy, đối với 99% các thương hiệu còn lại mà phần lớn marketers đang làm, hành trình phải đi rất đơn giản: tìm kiếm những thương hiệu tương tự đã thành công và đi theo. Những thương hiệu có cùng mục đích, mục tiêu tương tự và cùng một nền tảng phát triển như bạn – đó là kiểu tư duy mà bạn có thể mô phỏng và ngưỡng mộ, không phải 1% kia.