Các xu hướng truyền thông tiếp thị đang lên ngôi tại Châu Á năm 2017
Châu Á luôn được đánh giá một thị trường đầy tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống bỏ ngỏ bởi tính đặc thù của từng nền văn hoá. Năm 2017, các nhà hoạch định chiến lược truyền thông sẽ phải làm gì để tiếp cận người tiêu dùng Châu Á?
Bài viết dưới đây đúc kết lại 4 xu hướng truyền thông tiếp thị đã và đang gây tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, để trả lời cho câu hỏi "Người tiêu dùng Châu Á đang cần gì?".
Uber và xu hướng “Biến ảo thành thực”
Sự ra đời của mạng xã hội giúp cho các thương hiệu có thể tiếp cận đến thị trường tiêu dùng của mình một cách tự nhiên nhất từ quy mô đến tốc độ. Hiện nay, sự phổ biến trong việc tận dụng mạng xã hội như một đòn bẩy để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng được vô số các nhãn hiệu, doanh nghiệp ứng dụng thành công. Nhưng vào năm 2017 này, xu thế nắm bắt thông tin nhanh chóng, tiếp nhận và chuyển hóa chúng thành một hành động thực tế trong thời gian thực (real-time) sẽ tạo ấn tượng mang tính ý nghĩa và dễ dàng chinh phục thị trường hơn.
Uber là một thương hiệu thành công trong việc chứng minh xu hướng này có thể trở nên hiệu quả với cả những sự kiện xã hội, tạo điểm nhấn mang tính cộng đồng khi vào tháng 5/2016, sau trận mưa lớn kỷ lục đã khiến nhiều khu vực thành phố của Sri Lanka, kể cả thủ đô Colombo lâm vào tình trạng lũ lụt, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người dân. Uber đã liên kết cùng Hội Đồng Thành Phố Colombo và Hội Chữ Thập Đỏ Sri Lanka để biến chiến dịch UberCARE trên ứng dụng Uber thành một hành động tương trợ đầy ý nghĩa, giúp những người muốn quyên góp chuyển các món hàng cứu trợ như quần áo, giày dép đến các văn phòng Hội Chữ Thập Đỏ miễn phí.
Nhận định:
Việc tạo điểm nhấn cho hình ảnh thương hiệu không hẳn nằm ở quy mô về số lượng người dùng mà bạn có thể tiếp cận hoặc sở hữu thời gian hồi đáp nhanh chóng, cách thương hiệu đón nhận những thông tin trực tuyến và biến chúng thành những hành động thiết thực mới chính là bước chuyển đổi trong xu hướng sử dụng mạng xã hội thông minh năm 2017.
Grab và xu hướng “Vượt biên giới”
Phá vỡ những rào cản biên giới, tại sao không? Trái ngược với thế giới trực tuyến, những hoạt động ngoại tuyến (offline) luôn là một mối bận tâm của các chiến lược gia marketing khi ý tưởng và chiến lược marketing của họ gặp phải những rào cản địa lý, thời gian, văn hóa, v.v… Nhưng mọi thứ đang trên xu hướng toàn cầu hóa, năm 2017 cũng là thời điểm dành cho các thương hiệu đủ can đảm để có thể từng bước nhỏ vượt qua mọi rào cản khác biệt về văn hóa và quốc gia, tiếp cận xu hướng xây dựng hình ảnh thương hiệu toàn cầu hóa kết nối không giới hạn với thị trường tiêu dùng tiềm năng của mình.
Grab là một trong những doanh nghiệp đã ‘mạnh dạn’ chạm đến phương thức này bằng chiến dịch mang tên GrabHitch vào tháng 6 năm 2016, Grab quyết định cho thử nghiệm chương trình trong vòng 3 tuần với mục đích gạt bỏ giới hạn về biên giới lãnh thổ giữa Malaysia - thành phố Johor Bahru và Singapore. Hành khách có thể bắt xe từ JB đến Singapore với mức giá chỉ dao động từ USD 6 - 10 (SGD 9 - 14). Tuy nhiên, không lâu sau đó, chính quyền tại đây đã đưa ra thông báo rằng dịch vụ đi nhờ xe cá nhân (carpool) là trái luật và buộc chiến dịch phải ngừng hoạt động không lâu sau đó.
Nhận định:
Phải đối mặt với những khó khăn về luật pháp, quy định từ Chính Phủ là điều mà thực chất khách hàng hay người tiêu dùng hoàn toàn hiểu và thông cảm. Thương hiệu không buộc phải đặt áp lực về việc mình phải trở thành chuyên gia về luật pháp mới có thể tiếp cận đến xu hướng này. Chỉ cần đủ tự tin, đủ can đảm để có thể từng bước một phá vỡ các rào cản ấy mới là điều thật sự quan trọng có thể gây ấn tượng với thị trường tiêu dùng. Hãy trở thành những nhà tiên phong trong việc hướng đến sự toàn cầu hóa toàn diện và chinh phục mọi trở ngại về ‘bức tường biên giới’ vững chắc bằng chính ý tưởng, hành động của mình.
Double A và xu hướng “Bám sát dòng thông tin”
Sự kỳ vọng ở người dùng về khả năng được tiếp cận các thông tin liên quan đến dịch vụ, hoặc sản phẩm mình sử dụng ngày càng được quan tâm với tiến độ nhanh chóng. Điều đó đồng nghĩa với việc họ thích được đón nhận những nguồn thông tin ‘gốc rễ’ về mặt hàng mình muốn sở hữu cũng như thông tin mang tính ‘thời gian thực’ về dịch vụ mình sử dụng.
Double A đã vận dụng xu hướng này bằng việc cho người dùng thấy được tầm ảnh hưởng của mình trong việc sử dụng sản phẩm giấy từ thương hiệu bằng thông điệp 1Dream1Tree khi văn phòng đại diện thương hiệu Double A tại Bangkok đứng ra thỏa thuận với những người nông dân từ các nông trại trên khắp Thái Lan, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc trồng một cây xanh mới đại diện thay thế cho một hộp giấy Double A loại 80gsm kèm theo một mã QR code trên bao bì. Người dùng có thể scan mã QR code này bằng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và theo dõi quá trình phát triển của những phần cây được ‘thay thế’ trả về cho môi trường xanh.
Nhận định:
Ý nghĩa của xu hướng “Bám sát dòng thông tin” không hẳn là sự đòi hỏi về việc người dùng có thể chứng kiến mọi quá trình cấu thành sản phẩm như làm sao để tạo ra bột giặt hoặc khoai tây chiên. Mà chỉ cần một chút ‘thành ý’ thông minh trong việc đem đến cơ hội cho khách hàng có thể trải nghiệm và tiếp cận đến một chi tiết nhỏ của cả một chuỗi quá trình xuyên suốt nhưng đủ sức hấp dẫn, kích thích sự tò mò đã là một bước đi thông minh của các Marketer. Chẳng hạn như một chuyến tham quan nhà máy, tại sao không?
Vodafone và xu hướng “Tận dụng mọi giá trị thương hiệu”
Năm 2017 này, việc bạn có thể tối ưu hóa mọi giá trị từ sản phẩm hoặc dịch vụ của ‘nhà’ sẽ là một hướng đi có lợi cho cả quá trình tạo dựng hình ảnh thương hiệu lẫn tiết kiệm tài nguyên. Không những vậy, ‘giá trị cộng hưởng’ từ sự nhạy bén trong việc tận dụng những công cụ sẵn có này sẽ không ngừng tạo ấn tượng cho thị trường tiêu dùng mục tiêu của thương hiệu.
Vodafone tại Ấn Độ đã kết hợp giữa giá trị cộng đồng với những bảng quảng cáo ngoài trời (billboard) của mình tại thành phố Pune bởi các bể nước lớn được giấu đằng sau, tổng sức chứa lên đến 2,000 lít nước thu từ những trận mưa nhằm cung cấp nguồn nước cho người nông dân vào mùa hạn hán.
Nhận định:
Mô hình nền kinh tế chia sẻ không dễ được các doanh nghiệp đón nhận nhiệt tình bởi những lo ngại về các khoản đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng này đem đến cho bạn nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ, khi bản chất của mô hình nền kinh tế chia sẻ thu hút những đối tượng người dùng chú trọng về việc tối ưu hóa mọi nguồn tài nguyên xung quanh một cách linh hoạt, thông minh và hiệu quả nhất. Vì vậy, hãy thử nhìn xung quanh mọi công cụ mình đang có để có thể thấy được những lợi ích có thể tận dụng tuy trông mù mờ nhưng hoàn toàn có thể thay đổi một cục diện giá trị lớn lao, đầy ý nghĩa.
Hà My
iPrice Group
*Tham khảo: TrendWatching
iPrice Group là bộ máy tìm kiếm, so sánh giá cả tại bảy thị trường Đông Nam Á: Malaysia, Indonesia, Singapore, Vietnam, Thái Lan, Philippines và Hồng Kông. Được thiết lập tháng 10 năm 2014, iPrice hiện đang triển khai trên 50 ngàn đầu mục sản phẩm trong hệ thống. iPrice hoạt động kinh doanh trong ba lĩnh vực chính: so sánh giá cả về thiết bị điện tử, sức khỏe & làm đẹp; thời trang; nhà cửa & đời sống; và coupon cho các thị trường Đông Nam Á.