Người tiêu dùng đang nói gì về smartphone giá rẻ trên Social Media?
Thị trường smartphone giá rẻ đang cực kỳ sôi động và trở thành một xu hướng chính chi phối thị trường smartphone từ đầu năm 2014 đến nay, với hơn hàng chục sản phẩm smartphone bởi Nokia, Samsung, HTC, LG, Sony cho đến OPPO, Asus, Lenovo... Theo báo cáo của GFK về thị trường điện thoại di động tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014, doanh số của smartphone có giá dưới 4.5 triệu đồng (bao gồm hai phân khúc dưới 2 triệu đồng và từ 2 đến 4.5 triệu đồng) chiếm tổng cộng 72% doanh số, tương đương 45% doanh thu của thị trường smartphone.
Mặc dù vậy, hầu hết các thiết bị smartphone giá rẻ này lại không người tiêu dùng đánh giá cao trên social media. Theo báo cáo Category research – Entry-level smartphones của Buzzmetrics quý I/2014, khi nghiên cứu ý kiến của người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông xã hội thì các sản phẩm smartphone giá rẻ nhận dược nhiều phản hồi tiêu cực hơn là tích cực.
Các vấn đề thường bị phàn nàn nhất về các sản phẩm này là Hiệu năng, Cấu hình, Hệ điều hành Windows và Thời lượng pin. Điều đáng chú ý là mặc dù Giá cả chính là điểm mạnh lớn nhất của các sản phẩm thuộc phân khúc này, nhưng cũng vẫn nhận được một lượng đáng kể những ý kiến tiêu cực, khi mà nhiều người nói rằng những sản phẩm này, mặc dù có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm thuộc các phân khúc khác, nhưng lại không đáng để bỏ tiền mua vì nhiều lý do.
SMARTPHONE GIÁ RẺ - TẠI SAO NGƯỜI DÙNG VẪN CHÊ?
- Chất lượng chưa tốt
Lướt qua các thảo luận của người dùng, có thể thấy rằng khi nhắc tới smartphone giá rẻ, người dùng thường nghĩ đến vấn đề chất lượng chưa tốt, cụ thể là hiệu năng thấp. Vấn đề này được chia sẻ rất nhiều trên các kênh social media nhất là các diễn đàn công nghệ như Tinhte, Voz, Sohoa,… và đặc biệt là bởi những người nói rằng họ đã từng dùng qua. Đối với người dùng, tiêu chí đầu tiên khi mua điện thoại là phải “dùng được”. Tuy nhiên, khi mua các thiết bị smartphone giá rẻ, thì những gì họ nhận được lại là sự bực mình vì các hiện tượng giật, lag, và theo như nhiều người chia sẻ thì chất lượng của các thiết bị này đi xuống rất nhanh chỉ sau một thời gian sử dụng. Các thảo luận tiêu cực này thật sự có ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyết định mua hàng của những người khác, khiến quan niệm về smartphone giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp ngày càng lan rộng trên social media.
- Sự rút ngắn khoảng cách về giá của các smartphone tầm trung:
Ngày nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được các thiết bị smartphone tầm trung chỉ với mức giá xấp xỉ phân khúc giá rẻ thông qua hình thức mua hàng second hand hoặc xách tay. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến lựa chọn của người tiêu dùng khi mua smartphone giá rẻ. Trong khi các sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nhận được những phản hồi tiêu cực từ phía người dùng thì các sản phẩm trong phân khúc tầm trung lại được đánh giá cao hơn hẳn. Trong các thảo luận về smartphone giá rẻ trên social, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều ý kiến cho rằng chỉ với một mức giá cao hơn một chút, họ đã có thể sở hữu các smartphone thuộc phân khúc tầm trung có chất lượng tốt hơn hẳn.
Sự ảnh hưởng của phân khúc tầm trung đáng chú ý nhất là sự giảm giá của điện thoại Iphone 4, chiếc smartphone đến từ thương hiệu đẳng cấp Apple, với mức giá hiện nay trên thị trường chỉ từ 3.5 triệu cho sản phẩm second hand. Với mức giá này, thì việc sở hữu một chiếc điện thoại hoạt động ổn định, thiết kế sang trọng và nhiều ứng dụng trở nên hấp dẫn với người tiêu dùng Việt. Do đó, Iphone 4 được nhắc đến khá nhiều trong các thảo luận về smartphone giá rẻ, trong đó nhiều người cho rằng chỉ cần bỏ ra một số tiền tương đương là đã có thể có được chiếc điện thoại này.
LỐI ĐI NÀO CHO SMARTPHONE GIÁ RẺ?
Với chi phí sản xuất và giá bán thấp, thì hẳn nhiên việc nâng cấp chất lượng và tính năng của smartphone giá rẻ gặp phải nhiều hạn chế. Do đó, các hãng điện thoại di động cần biết được chính xác những băn khoăn và mong muốn của người tiêu dùng, để từ đó đáp ứng một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
Củng cố niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng của smartphone giá rẻ
Đối với phân khúc smartphone giá rẻ, thì điều trước tiên mà các hãng điện thoại di động cần chú ý là vấn đề chất lượng. Vì trong mắt người tiêu dùng hiện nay, smartphone giá rẻ đồng nghĩa với cấu hình thấp, chạy không mượt, thời lượng pin kém,… Do đó, việc thay đổi suy nghĩ của người dùng là hết sức quan trọng.
Lựa chọn một tính năng giải trí và thực hiện thật tốt
Theo chia sẻ của người dùng trên social media về những gì mà họ mong muốn trong một chiếc smartphone giá rẻ, 4 tính năng quan trọng nhất là camera, chơi game, xem phim, lướt web,... Tuy vậy, nhiều thảo luận cho rằng với cấu hình và hiệu năng của smartphone giá rẻ, thì càng nhiều tính năng sẽ khiến máy hoạt động càng chậm, do đó các hãng điện thoại di động không nên cố gắng thêm càng nhiều tính năng vào sản phẩm càng tốt, mà nên cân nhắc tập trung vào một tính năng cụ thể nào đó tùy vào khách hàng mục tiêu.
Có thể thấy rằng, tính năng được người dùng quan tâm nhất là Camera, đặc biệt là Camera trước. Trào lưu selfie và sự tiện lợi của camera điện thoại so với máy ảnh truyền thống khiến cho chiếc điện thoại giá rẻ có thể chụp ảnh tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng có thể sẽ trở thành một hiện tượng xã hội. Do đó, việc tập trung vào Camera, nhất là Camera trước sẽ là một hướng đi an toàn cho các thiết bị smartphone giá rẻ.
Author: Nguyễn Hồng Nhung
Bài viết sử dụng dữ liệu trong báo cáo Category research - Entry-level Smartphones, Quarter 1 2014 của Buzzmetrics.
Buzzmetrics là một giải pháp lắng nghe và nghiên cứu mạng xã hội (Social Listening) toàn diện nhất Việt Nam, có độ phủ toàn bộ các mạng xã hội trên thế giới và trong nước, bao gồm facebook, twitter, youtube, google+, instagram, linkedin, zing, zalo, noi.vn, hơn 1000 forums, 8000+ báo điện tử và blogs. Buzzmetrics được tin dùng bởi Coca-Cola, Samsung, Unilever và là đối tác chiến lược của các agencies hàng đầu như Ogilvy, Phibious, Leo Burnett, Maxus, Sofresh... Sự khác biệt của Buzzmetrics nằm ở khả năng nghiên cứu chuyên sâu theo từng ngành hàng, mang lại cho các thương hiệu các Insight chất lượng và thiết thực dựa trên phản hồi trong thời gian thực của người tiêu dùng.