Số hóa di sản Việt Nam bằng công nghệ 3D scanning
Câu chuyện của bảo tồn - khôi phục - gìn giữ những di sản, những công trình văn hóa có lẽ không còn là vấn đề quá mới mẻ tại Việt Nam.
Chắc hẳn ai trong chúng ta vẫn nhói lòng mỗi khi chứng kiến một di tích xuống cấp do sự tàn phá của thời gian, tác động của ô nhiễm môi trường hay thậm chí là bị dỡ bỏ. Giờ đây, áp dụng công nghệ 3D scanning, các công trình không chỉ được bảo tồn trên nền tảng kỹ thuật số mà còn hứa hẹn sẽ trở thành công cụ quảng bá hình ảnh xinh đẹp của Việt nam đến với thế giới, giúp du khách dễ dàng tới thăm quan bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến tận nơi.
3D scanning là gì?
3D scanning là công tác sử dụng thiết bị quét đặc biệt, có khả năng phát và thu tín hiệu lazer, đồng thời chụp hình 360 độ nhờ vào các camera chuyên dụng. Dựa vào dữ liệu máy quét thu được mà phần mềm sẽ tính toán ra vị trí tọa độ trong không gian 3 chiều của một điểm bất kỳ, sau đó số hóa dữ liệu này dưới dạng khối: đám mây điểm, lưới tam giác.. rồi gắn vật liệu lại tái tạo lại thành không gian 3D.
Không chỉ giúp hiển thị hình ảnh ở tất cả các chiều trái phải, trên dưới, với sản phẩm này người xem còn có thể di chuyển từ điểm này sang điểm khác, khám phá các không gian khác nhau, hay thậm chí nhìn bao quát toàn bộ không gian từ trên cao. Mọi chi tiết trong không gian đều được tái hiện lại 100%. Đồ vật, màu sắc, vật liệu đều được quét lại một cách chính xác, giúp người xem trải nghiệm không gian một cách chân thực nhất. Tùy vào yêu cầu mức độ chi tiết của vật thể mà có nhiều loại máy khác nhau. Với máy quét 3D không gian cho tham khảo bảo tồn và du lịch, thời gian quét và trả không gian 3D chỉ trong 24-48 giờ đồng hồ.
Ứng dụng 3D scanning cho bảo tồn di sản và du lịch tại Việt Nam
Mới đây, trung tâm CVS của Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) đã phối hợp cùng công ty VNi thực hiện 3D scanning Phố cổ Hội An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới ngay vào những ngày cuối năm âm lịch 2016. Các điểm di tích chính trong di sản Hội an được số hoá 3D với Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) và 360 Virtual tour. Tới lúc này, các công trình đã có thể tiếp cận đến người dân ở bất kỳ nơi nào. Thay vì phải tới tận nơi thì các nhà quản lý đã có thể khảo sát từ xa, du khách đã có thể thăm quan bất kỳ lúc nào trước khi đặt chân tới thực địa.
Mời các bạn cùng đến thăm một trong các di tích nổi tiếng Hội An nhé.
1. Di chuyển bên trong: bấm vào hình
2. Xem xung quanh: bấm giữ và di tay
3. Để xem 3D khối công trình: bấm ký hiệu khối 3D
4. Để xem thực tế ảo: bấm ký hiệu kính góc dưới bên phải và sử dụng kính phù hợp để nhập vai thăm quan.
https://holomia.com/Gallery/Ancient/Real360_chua_cau.html
Kết hợp với các kính thực tế ảo, công trình đã "mở cánh cửa thần kỳ" của Doreamon đón khách tới thăm quan.
Bằng công nghệ mới, các công trình di sản đã có thể tồn tại trên không gian ảo, mở ra nhiều hướng tiếp cận hơn cho mọi người. Và chắc chắn, di sản sẽ được kể câu chuyện lâu hơn với thời gian.