8 bảng xếp hạng những gì hot nhất trên social media 2016
Năm 2016 là một năm đầy sôi động với các chủ đề nóng cũng như các trào lưu mới bùng nổ trên mạng xã hội. Dưới đây là thống kê của công cụ lắng nghe và phân tích mạng xã hội Buzzmetrics về các trào lưu, vấn đề nổi trội nhất trên social media trong năm vừa qua.
*Số liệu trong bài viết là số lượng thảo luận được tạo ra trên social media, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016.
Top 10 trào lưu được nói đến nhiều nhất trên social media 2016
Nhìn chung, các trào lưu đều được xuất phát từ các chủ đề nổi bật trên social media trong năm như trò chơi (Pokemon Go), Phim truyền hình (Hậu Duệ Mặt Trời), bài hát (Bút táo – Pen apple pineapple pen). Đáng chú ý, một số thương hiệu còn tập dụng các trào lưu này để thực hiện các hoạt động quảng bá của mình trên social media như Thế Giới Di Động, Huawei, FPT Shop,…
- Pokemon Go: Trò chơi gây nên một cơn sốt lớn trên social media sau khi được phát hành vào tháng 7/2016. Hàng loạt các bài viết hướng dẫn chơi game, tin tức cập nhật các nước được chơi và hình ảnh/clip về trò chơi được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
- Hậu duệ mặt trời: Bộ phim truyền hình Hàn Quốc thu hút được nhiều sự chú ý và trở thành một trào lưu thu hút được giới trẻ với hàng loạt ảnh chế, câu nói liên quan đến bộ phim được ứng dụng rộng rãi trên social media.
- Điện máy xanh: Trào lưu nổi lên vào tháng 12 nhưng có sức hút khổng lồ đã kịp xuất hiện trong bảng xếp hạng năm nay. Xuất phát từ clip quảng cáo của thương hiệu Điện Máy Xanh, các nhân vật người xanh nhảy múa vui nhộn và câu hát “Bạn muốn mua tivi – Đến Điện Máy Xanh” được cư dân mạng sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội vào dịp cuối năm.
- Be Like Bill: Với hình ảnh và câu nói “Đây là….”, “Hãy như….”, Be Like Bill thu hút được nhiều sự quan tâm của của giới trẻ vào tháng 1/2016.
- Ảnh kỉ yếu: Trào lưu nổi bật trong học đường trong suốt tháng 4,5,6 tạo ra lượng tương tác lớn với các hình ảnh, album về kỉ yếu đầy sáng tạo của các bạn học sinh/sinh viên cuối cấp.
- Vịt bối rối: Các hình ảnh về chú vịt Psyduck với các câu chú thích ngắn gọn diễn tả cảm giác bối rối khi gặp vấn đề nào đó tạo ra sự thích thú cho nhiều người
- Pen apple pineapple pen: Bài hát “Pen pineapple apple pen” tạo ra một cơn sốt trong giới trẻ và được cover/parody theo nhiều phiên bản khác nhau.
- Mì cay 7 cấp độ: Trào lưu ăn uống đem đến những trải nghiệm ẩm thực thú vị cho những tín đồ ăn uống. Hàng loạt hình ảnh check-in tại các quán mì cay và video hướng dẫn làm mì cay được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi trên social media.
- 7 công việc đầu tiên – first 7 jobs: 7 việc làm đầu tiên của bạn là gì được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên trang cá nhân của mình với hashtag #7congviecdautien #first7jobs như một niềm tự hào cho những gì mình đã làm được.
- Theo em đi khắp thế gian: Trào lưu chụp ảnh được nhiều cặp đôi sử dụng để thể hiện tình cảm của mình qua những bức ảnh đẹp về những danh lam, địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới.
Top 10 chủ đề gây tranh cãi nhất trên social media 2016
Trong top 10 có sự xuất hiện của nhiều vấn đề chính trị xã hội như về Formosa, Đường lưỡi bò, Xổ số Vietlott, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt, Khu phố kiểu mẫu ở Hà Nội, Đám đông tại đền Hùng. Ngoài ra, những vấn đề xã hội về đời tư cá nhân cũng gây tranh cãi khá nhiều như việc của Minh Béo hay Livestream của đôi bạn trẻ bị chia rẽ tình yêu.
- Formosa: Khủng hoảng truyền thông lớn nhất trong năm 2016 tạo ra một lượng bài viết và thảo luận khổng lồ trên social media khi các tin tức về vấn đề cá chết ở Hà Tĩnh và những vụ việc liên quan trở thành tâm điểm trên mạng xã hội trong cả năm vừa qua.
- Tranh cãi về Đường lưỡi bò: Sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế (PCA) về Đường lưỡi bò, hàng loạt phản ứng của sao Hoa Ngữ khiến cư dân mạng không hài lòng. Nhiều người nổi tiếng và cư dân mạng bắt đầu thể hiện tình yêu nước qua các lời kêu gọi người tẩy chay hàng Trung Quốc và treo cờ bảo vệ quê hương.
- Xổ số Vietlott: Là loại hình xổ số mới, Vietlott gây tranh cãi trên social media khi có nhiều người liên tiếp trúng giải đặc biệt với giá trị khủng dấy lên sự nghi ngờ về tính minh bạch của loại hình xổ số này.
- Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt: Sài Gòn bị ngập lụt sau một cơn mưa lớn là chủ đề nổi bật trong tháng 9/2016 và tạo nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Hàng loạt bài viết thể hiện sự không hài lòng về vấn đề thoát nước của thành phố với các ảnh chế, clip chế.
- Scandal của Minh Béo: Vấn đề bắt đầu gây tranh cãi vào cuối tháng 3 khi Minh Béo bị bắt tại Mỹ và được nhắc đến nhiều vào tháng 12 khi Minh Béo trở về Việt Nam.
- 60 phút mở: Chương trình của VTV gây nhiều sự tranh cãi về các vấn đề nhạy cảm hiện nay như việc chia sẻ trên mạng xã hội, từ thiện. Câu nói “Động cơ chia sẻ của bạn là gì?” được nhiều cư dân mạng sử dụng rộng rãi.
- Livestream tình yêu bị ngăn cấm: Tình yêu bị gia đình nhà trai ngăn cấm của đôi bạn trẻ tạo nên một lượng thảo luận lớn thông qua các livestream và tin tức được cập nhật trên các trang fanpage như BEATVN, Yan TV, Yeah 1. Chủ đề này dấy lên các tranh luận trái chiều về sự yếu đuối trong tình yêu và tính chân thật của vụ việc.
- Canh cua, rau đay và El Nino: Liên quan đến việc người chơi trong chương trình Ai là triệu phú không biết hiện tượng El Nino là gì. và Canh cua phải nấu với rau gì đã thu hút hàng loạt các ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng.
- Khu phố kiểu mẫu ở Hà Nội: Sau khi các tin tức về vấn đề đổi màu đồng bộ các biển hiệu các khu phố ở Hà Nội, hàng loạt bài viết và thảo luận tranh cãi về tính thẫm mỹ của khu phố. Bên cạnh đó, các hình ảnh chế và thay đổi avatar Kiểu mẫu cũng tạo ra lượng tương tác cao.
- Đám đông tại đền Hùng: Các hình ảnh về cảnh chen chúc hơn 2 triệu người xuất hiện tại đền Hùng vào ngày Giỗ tổ là một chủ đề nổi bật vào tháng 4/2016.
Top 10 cụm từ/câu nói được dùng nhiều nhất trên social media 2016
Trong năm 2016, nhiều cụm từ, câu nói xuất phát từ những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội được nhiều người dùng sử dụng rộng rãi. Dưới đây là top 10 cụm từ/câu nói được dùng nhiếu nhất trên social media.
- “Ahihi” / “Hihi Đồ ngốc”: Xuất phát từ sự cố đặt mua hàng trên mạng, câu nói này được giới trẻ sử dụng khá nhiều để trêu chọc người khác khi họ tin lời nói dối của mình.
- “Thả thính”: Được nhiều người sử dụng để nói đến hành động nhằm mục đích thu hút và hấp dẫn sự chú ý của người khác giới mà không có tình cảm thực sự với đối phương của nhiều bạn trẻ hiện nay.
- “Cạn lời”/“Sa mạc lời”/“Hạn hán lời”…: Câu nói được cộng đồng mạng sử dụng khi nói về việc bất lực và thất vọng, không còn gì để nói trước sự việc, hành động của người khác.
- “Sau tất cả”: Xuất phát từ bài hát Sau tất cả gây bão trong cộng đồng người yêu nhạc và được sử dụng rộng rãi trong các bài đăng, câu nói để thể hiện kết quả mình nhận được sau một thời gian.
- “Cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại”: Bắt nguồn từ bài hát Phía sau một cô gái, các hình ảnh, bài đăng có sử dụng câu nói này được giới trẻ sử dụng rộng rãi trên social media.
- “Tha thu”: Cách phát âm từ tattoo của Sơn Tùng M-TP trong một show truyền hình tạo ra sự thích thú cho nhiều người và được cộng đồng mạng sử dụng để nói về việc xăm hình hay chọc ghẹo người khác.
- “Bố em hút rất nhiều thuốc”: Lời bài hát Đưa nhau đi trốn được sử dụng nhiều để đề cập đến vấn đề quá tự tin của giới trẻ hiện nay.
- “Việt Nam nói là làm”: câu nói được sử dụng trong các thử thách khi nhận được đủ like/share sẽ thực hiện một hành động. Đồng thời, nhiều người cũng dùng câu nói này như một lời hứa trên mạng xã hội.
- “Mông lung như một trò đùa”: Cụm từ diễn tả những điều gì đó không chắc chắn được nhiều bạn trẻ yêu thích và sử dụng khá nhiều sau khi bài hát Chúng ta không thuộc về nhau được tung ra.
- “Mình thích thì mình làm thôi”: Câu nói của Sơn Tùng M-TP được nhiều người sử dụng cho việc nói đến lý do cho hành động nào đó của họ.
Top 10 trào lưu ăn uống được nói đến nhiều nhất trên social media 2016
Nhìn chung, các món ăn gây sốt trên social media 2016 được xuất phát từ các món cũ và được trình bày, chế biến bắt mắt và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, các trào lưu cũng chịu sử ảnh hưởng từ ẩm thực nước ngoài nước ngoài như mì cay 7 cấp độ của Hàn Quốc, mì bay, bánh sừng trâu trứng muối của Singapore hay bánh mì hoa cúc của Pháp.
- Mì cay 7 cấp độ: Món ăn với các độ cay khác nhau tạo nên sự thú vị trong trải nghiệm ẩm thực với các thách thức ăn uống với bạn bè về việc có thể ăn đến cấp độ nào.
- Mì bay: Với hình ảnh lạ mắt là những sợi mỳ bay lơ lửng, món ăn thu hút được nhiều bạn trẻ đến thưởng thức và chụp hình check-in.
- Xoài lắc: Bằng công thức đơn giản và dễ làm, món ăn đường phố này được nhiều bạn trẻ và học sinh/sinh viên yêu thích. Bên cạnh đó, các biến thể khác của món lắc như khoai lang lắc, phô mai lắc cũng được chú ý trên social media.
- Gà phô mai: Món ăn nổi tiếng được nhiều thương hiệu thức ăn nhanh sử dụng và trở nên hot trong cộng đồng yêu thích phô mai.
- Bánh mì nướng muối ớt: Công thức chế biến khác của bánh mì với vị cay ngon khiến trải nghiệm ẩm thực của các bạn trẻ thêm phần thú vị.
- Snack khói: Vẻ đẹp của snack khói thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm mà chụp các hình ảnh bên cạnh món ăn này.
- Bánh sừng trâu trứng muối: Món bánh bắt nguồn từ Singapore thu hút được nhiều bạn với lớp vỏ thơm mềm và nhân trứng muối béo ngậy
- Bánh mì hoa cúc: Cùng với bánh sừng trâu trứng muối của Singapore, bánh mì hoa cúc của Pháp cũng là món ăn được nhiều người yêu thích với công thức dễ làm và hương vị thơm ngon.
- Trái cây tô/Trái cây xô: Trào lưu nở rộ với biến thể từ trái cây dĩa được nhiều bạn trẻ yêu thích do có lượng đồ ăn nhiều hơn và cách ăn lạ hơn.
- Trà sữa bóng đèn: Thay vì trà sữa được chứa trong các ly truyền thống, trà sữa bóng đèn gây sốt với thiết kế ly trà sữa lạ và bắt mắt.
Top 10 trào lưu chụp ảnh được ứng dụng nhiều nhất trên social media 2016
Ảnh kỷ yếu là trào lưu chụp ảnh được nhiều người nhắc đến nhất với hàng loạt hình ảnh với những chủ đề sáng tạo được cập nhật liên tục trong tháng 5 và tháng 11 – thời điểm tốt nghiệp của nhiều học sinh/sinh viên trên cả nước. Ngoài ra, một số trào lưu cũ nhưng vẫn còn tạo ra sự chú ý lơn trên social media như ootd, selfie, ngày ấy – bây giờ.
- Ảnh kỉ yếu: Các hình ảnh tập thể được thể hiện bằng những concept độc lạ của học sinh/sinh viên để kỷ niệm năm học kết thúc là một loại hình chụp ảnh thú vị và gây sốt trong học đường.
- OOTD – Outfit of the day: trào lưu ảnh vẫn còn đang hot trong 2016 và được dự đoán là sẽ vẫn duy trì ổn định độ hot trong năm 2017. Hàng loạt ảnh chụp về trang phục hằng ngày của những tín đồ thời trang và người nổi tiếng trên social media với hashtag #ootd #outfitoftheday được chia sẻ và tạo được nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ yêu thời trang.
- Selfie bằng filter: Bao gồm các hình ảnh hoán đổi gương mặt hay mặt cún, trào lưu này làm điên đảo giới trẻ trong một thời gian dài.
- Chụp ảnh nhóm mặc đồ ton-sur-ton: Trào lưu chụp ảnh được nhiều nhóm bạn trẻ thực hiện khi đi du lịch và thực hiện các bộ ảnh kỷ yếu cuối năm học.
- DAB: Bắt nguồn từ điệu nhảy với động tác đồng thời thực hiện việc cúi đầu xuống, giơ khuỷu tay ra và đưa cánh tay lên, nhiều bạn trẻ sử dụng tư thế này để ăn mừng một việc gì đó và đăng lên Instagram cũng như Facebook.
- Smoke bomb: Với lợi thế là hiệu ứng huyền ảo từ đám khói mang lại khi sử dụng bom khói – smoke bomb, nhiều bạn trẻ, fashionista và stylist đã thực hiện những bức ảnh đẹp thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng
- Theo em đi khắp thế gian: Xuất phát từ Đài Loan và nhanh chóng phổ biến trên tòa thế giới, trào lưu chụp ảnh tình cảm được nhiều cặp đôi yêu thích với nhiều hình ảnh dễ thương, lãng mạn và hài hước ở các địa điểm du lịch nổi tiếng.
- Ngày ấy – Bây giờ: Trào lưu chụp ảnh Ngày ấy – Bây giờ luôn có một sức hút mạnh mẽ trong cộng đồng mạng bởi sự hài hước, sáng tạo và đặc biệt gợi cho chúng ta nhớ về tuổi thơ.
- Từ xa đến gần: Trào lưu chụp ảnh của các đôi tình nhân bắt nguồn từ mạng xã hội Hàn Quốc và được xem là không dành cho FA.
- Không trọng lượng: Trào lưu bắt lấy những khoảnh khắc đang bay lơ lửng trên không và tạo dáng như đang trôi được nhiều bạn trẻ yêu thích chụp hình sử dụng trong các hỉnh ảnh của mình trên mạng xã hội.
Top 10 nhân vật bất ngờ nổi tiếng trên social media trong năm 2016
Trong top 10 nhân vật có nhiều người đến từ các chương trình truyền hình thực tế hay do các bản cover nổi tiếng trên mạng. Ngoài ra, còn có một số nhân vật gây tranh cãi khá nhiều trên social media như Tùng Sơn, Nguyễn Tiến hay Phạm Thị Quyên – cô gái nổi tiếng sau câu chuyện về Canh cua, rau đay và El Nino trong chương trình truyền hình Ai Là Triệu Phú.
- Tùng Sơn: Còn được gọi là Công chúa thủy tề, Tùng Sơn gây ra sự tranh cãi và nổi tiếng trên mạng xã hội với hàng loạt hình ảnh, clip, livestream về đời sống hằng ngày.
- Hồ Văn Cường: Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí mùa đầu tiên tạo nên sự xúc động cho nhiều người bởi hoàn cảnh khó khăn cùng với giọng hát trầm ấm và tình cảm cho dòng nhạc dân ca.
- Hoàng Xuân Vinh: với chiếc huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tham dự Olympic thế giới, vận động viên Hoàng Xuân Vinh trở thành nhân vật được nhiều người Việt Nam tự hào và ngưỡng mộ.
- Lê Thiện Hiếu – Ông Bà Anh: Bài hát ý nghĩa Ông bà anh trong show truyền hình Sing my song với giai điệu thu hút và ý nghĩa giúp Lê Thiện Hiếu có mặt trong top 10 người bất ngờ nổi tiếng trên social media 2016.
- Nguyễn Tiến – Việt Nam nói là làm: Xuất phát từ câu nói Việt Nam nói là làm với nhiều lời thách thức câu like, câu share, Nguyễn Tiến trở thành một nhân vật gây tranh cãi không kém Tùng Sơn trong 2016.
- Phạm Thị Quyên – Canh cua, rau đay và El Nino: Cô gái không biết canh cua nấu với rau đay và El Nino trong chương trình Ai Là Triệu Phú gây ra một cuộc tranh luận lớn vào tháng 11/2016
- Cao Bá Hưng: Ca khúc gây sốt Tương tư và chuyện đời tư giúp Cao Bá Hưng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả yêu nhạc.
- Jang Mi: Cô gái nổi tiếng với hàng loạt bảng cover dòng nhạc Bolero khiến nhiều người thích thú.
- Trần Khánh Vy – nữ sinh nói 7 thứ tiếng: Bắt nguồn từ clip quay lại việc giao tiếp bằng 7 thứ tiếng được đăng tải trên các trang dành cho giới trẻ, Trần Khánh Vy bất ngờ nổi tiếng và được chú ý khá nhiều trên mạng xã hội 2016.
- Nguyễn Trọng Đại – Đội trưởng Hot Boy U19 Việt Nam: Sau sự kiện U19 Vietnam vào vòng chung kết World Cup U19 thế giới, các hình ảnh của Nguyễn Trọng Đại được nhiều bạn nữ chú ý do vẻ ngoài điển trai và lối chơi thu hút.
Top 10 bộ phim được nói đến nhiều nhất trên social media trong năm 2016
Bên cạnh những bộ phim truyền hình Hàn Quốc dễ gây nghiện và khơi tạo trào lưu, mảng phim điện ảnh Hollywood trong năm qua cũng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng nhất là các bộ phim về đề tài Ma – Kinh dị (The Conjuring, Light out), phim về siêu anh hùng (Captain America 3, Suicide Squad, Doctor Strange). Về phim Việt Nam, Tấm Cám – Chuyện chưa kể là tác phẩm được nói đến nhiều nhất trong năm qua.
- Hậu Duệ Mặt Trời: Là bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc có yếu tố kịch tính và lãng mạn đan xen gây tiếng vang lớn khắp Châu Á trong đó có Việt Nam. Nhiều trào lưu ăn theo bộ phim cũng xuất hiện và thu hút nhiều sự quan tâm như cover nhạc phim, làm clip parody, ảnh chế, app chụp hình.
- The Conjuring 2 – Ám Ảnh Kinh Hoàng 2: Đề tài phim kinh dị ngày càng chứng minh được sức hút lớn đối với cộng đồng yêu điện ảnh tại Việt Nam. Trong năm qua, phần 2 của tác phẩm phim kinh dị nổi tiếng The Conjuring quay trở lại và tạo ra một cơn sốt lớn. Đặc biệt, chế ảnh, hóa trang nhân vật ma Valak trở thành một trào lưu hot trong giới trẻ
- Tấm Cám – Chuyện chưa kể: Là tác phẩm điện ảnh Việt Nam thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng nhất trong năm qua nhờ vào khâu PR kỹ lưỡng, MV nhạc phim hấp dẫn và các ồn ào trước giờ chiếu. Bên cạnh đó, hình ảnh biểu cảm “Tấm té cau” tạo ra trào lưu chế ảnh vui nhộn cũng góp phần tăng độ hot cho phim.
- Captain America 3 – Nội chiến siêu anh hùng: Captain America 3 gây sốt trong cộng đồng mạng ngay từ khi ra mắt trailer. Các series phim siêu anh hùng từ hãng Mavel luôn có sức hút đối với các bạn trẻ Việt Nam nhờ vào màn chiến đấu hoành tráng giữa các siêu anh hùng.
- Suicide Squad – Biệt Đội Cảm Tử: Suicide Squad là bom tấn được chờ đợi nhất hè năm 2016, là bộ phim thu hút được sự quan tâm lớn từ các fan của dòng phim hành động – siêu anh hùng.
- Train To Busan – Chuyến Tàu Sinh Tử: Là phim điện ảnh Hàn Quốc được bàn tán sôi nổi trên khắp các diễn đàn trong năm qua. Lấy đề tài về zombie nhưng Train to Busan gây sốt nhờ vào cốt truyện kịch tính và rùng rợn nhưng ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc.
- Lights Out – Tắt Đèn: Được cộng đồng yêu thích phim ma – kinh dị đặc biệt chú ý do được sản xuất bởi đạo diễn của series kinh dị nổi tiếng “The Conjuring“, Lights out tiếp tục gây sốt nhờ vào cốt truyện hấp dẫn xoay quanh những bí ẩn bị chôn vùi về Ma tắt đèn.
- Hope – Hi Vọng: Lan truyền với tốc độ chóng mặt khi các tranh cãi về chủ đề tội phạm ấu dâm gây xôn xao mạng xã hội. Bộ phim được cư dân mạng chuyền tay nhau với những thông điệp về việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi sự lạm dụng đồng thời lên án việc nhân nhượng đối với loại tội phạm này.
- Legend Of The Blue Sea – Huyền thoại biển xanh: Bộ phim nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng yêu phim Hàn từ những ngày đầu sản xuất nhờ dàn diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp và kịch bản về chuyện tình của nàng tiên cá mới lạ.
- Doctor Strange – Phù Thủy Tối Thượng: là tác phẩm phim bom tấn cuối năm, bộ phim thu hút cộng đồng mạng bởi sự ảo diệu trong hình ảnh cùng các màn chiến đấu bằng ma pháp ấn tượng và phô diễn những hiệu ứng kỹ xảo choáng ngợp.
Top 10 bài hát được nói đến nhiều nhất trên social media trong năm 2016
Điểm qua top những bài hát được cộng đồng mạng quan tâm thảo luận nhiều nhất trong năm qua có thể thấy đa số những bài hit hiện nay đều có những điểm chung là lời bài hát mang tính tự sự cao, khơi gợi được sự đồng cảm nơi người nghe đồng thời dễ hát theo, dễ cover lại.
- Chúng ta không thuộc về nhau: Là bài hát gây tranh cãi nhiều nhất trong năm qua của Sơn Tùng M-TP. Tuy nhiên bài hát đã tạo ra một cơn sốt lớn trong cộng đồng mạng khi các lời bài hát được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ hàng ngày như “Mông lung như một trò đùa”, “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Anh xin đưa tay rút lui”….
- Phía sau một cô gái: Bài hát của Soobin thu hút nhiều sự chú ý trên báo điện tử và mạng xã hội bởi câu hát “Cả nguồn sống bỗng chốc thu nhỏ lại”. Nhiều người đã sử dụng câu nói này và hashtag #phiasaumotcogai trong những bài đăng, hình ảnh, bình luận của mình và cũng như cover lại ca khúc và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
- Sau tất cả: Là hiện tượng âm nhạc trong suốt giai đoạn đầu năm 2016, lời của bài hát được các bạn trẻ sử dụng rộng rãi làm status. “Sau tất cả” cũng đã trở thành cụm từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong thời gian vừa qua.
- Anh cứ đi đi: Sản phẩm âm nhạc của Hari Won đã nhanh chóng trở thành hit ngay từ ngày đầu ra mắt và là một trong những ca khúc được giới trẻ cover nhiều nhất trong năm qua. Không chỉ tạo ra trào lưu cover, các phiên bản khác nhau của “Anh cứ đi đi” đều thu hút được rất nhiều lượt xem, thậm chí còn hot hơn cả phiên bản gốc.
- We don’t talk anymore: Là bài hát US-UK thu hút được sự quan tâm lớn nhất trong năm qua không chỉ do sự giống nhau về giai điệu của ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” gây tranh cãi mà còn được cộng đồng mạng đặc biệt yêu thích nhờ giai điệu và lời bài hát chạm tới xúc cảm của nhiều bạn trẻ trong tình yêu.
- Pen pineapple apple pen: Bài hát tưởng chừng vô nghĩa lại trở thành trào lưu hot trong cộng đồng mạng nhờ vào giai điệu bắt tai, điệu nhảy hài hước, ca từ dễ thuộc và hát theo.
- Mình là gì của nhau: Là ca khúc R&B nhẹ nhàng được thể hiện bởi Lou Hoàng được nhiều người yêu thích. Lời bài hát nói về những mối quan hệ không rõ ràng, đánh vào đúng tâm lý của nhiều bạn trẻ hiện nay.
- Gửi người yêu cũ: Ca khúc nói về tâm sự của cô gái gửi cho người yêu cũ dành được rất nhiều sự quan tâm yêu thích của cư dân mạng. Bên cạnh đó, MV được đầu tư công phu với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng cũng gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng yêu âm nhạc.
- Điều anh biết: Bản hit của nam ca sĩ Chi Dân được giới trẻ rất yêu thích trong năm qua. Không ít những bản cover của ca khúc này được đăng tải gây sốt trên các trang mạng xã hội.
- Duyên phận: Là bài hát nổi bật trong trào lưu nhạc Bolero trong năm qua với nhiều phiên bản được trình bày bởi các ca sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, lời bài hát cũng thu hút được sự chú ý lớn nhờ vào những ca từ nói lên nỗi lòng người con gái trong tình yêu.
Để thảo luận với tác giả bài viết liên hệ GIANG LÊ – Buzzmetrics Social media analyst: [email protected] hoặc NHUNG NGUYEN - Buzzmetrics Marketing and Communication Manager: [email protected]
Nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ lắng nghe theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, liên hệ PETER NGUYEN - Buzzmetrics Managing Director: 0977 550 665 hoặc [email protected]
Buzzmetrics là một giải pháp lắng nghe và nghiên cứu mạng xã hội (Social Listening) toàn diện nhất Việt Nam, có độ phủ toàn bộ các mạng xã hội trên thế giới và trong nước, bao gồm facebook, twitter, youtube, google+, instagram, linkedin, zing, zalo, noi.vn, hơn 1000 forums, 8000+ báo điện tử và blogs. Buzzmetrics được tin dùng bởi Coca-Cola, Samsung, Unilever và là đối tác chiến lược của các agencies hàng đầu như Ogilvy, Phibious, Leo Burnett, Maxus, Sofresh… Sự khác biệt của Buzzmetrics nằm ở khả năng nghiên cứu chuyên sâu theo từng ngành hàng, mang lại cho các thương hiệu các Insight chất lượng và thiết thực dựa trên phản hồi trong thời gian thực của người tiêu dùng.