Nhìn lại trận đấu Đức – Brazil: Chiến dịch mặt nạ Neymar từ góc nhìn truyền thông
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Brazil đã để thua Đức đến 1-7. Ở một đất nước mà bóng đá đã trở thành tôn giáo như Brazil, có lẽ nỗi đau này là quá sức chịu đựng, báo chí thế giới đã nói quá nhiều về trận túc cầu lịch sử này. Tôi không rành về bóng đá và cũng không muốn nhắc lại nhiều tất cả những điều đó. Ở đây tôi chỉ muốn xét chiến dịch mặt nạ Neymar của Brazil trước, trong và sau khi trận đấu diễn ra trên góc độ truyền thông theo hiệu ứng chuồn chuồn.
Hiệu ứng chuồn chuồn được miêu tả dựa trên bốn kĩ năng chính là: Tập trung – Thu hút sự chú ý – Thu hút sự tham gia – Hành động.
1. Tập trung:
Việc thiếu vắng Thiago Silva và đặc biệt là Neymar , hai ngôi sao tưởng như không thể thiếu trong trận bán kết quan trọng đã khiến người Brazil thêm phần lo lắng. Tuy nhiên người Brazil đã nghĩ ra cách để đưa hình ảnh Neymar vào trận đấu. Xét theo nguyên tắc tập trung, Brazil đã xác định mục tiêu cụ thể là thị uy tinh thần người Đức để sớm tiến thẳng vào vòng chung kết. Có thể nói, chiến dịch của các cổ động viên Brazil mang tính thực tiễn (actionable) rất cao. Họ sử dụng các mục tiêu chiến thuật ngắn hạn là chiếc mặt nạ để đạt được mục tiêu dài hạn là chiếc cúp vàng World Cup. Bên cạnh đó, họ cũng đảm bảo rằng mục tiêu của mình có ý nghĩa cho dân tộc Brazil, cộng đồng người yêu mến tuyển thủ Brazil trên thế giới và đội bóng vàng xanh yêu thích của mình.
2. Thu hút sự chú ý:
Có một điều đối với bất kì ý tưởng nào là làm thế nào để trở nên nổi trội trong một thế giới ồn ào, đông đúc và quá nhiều thông điệp?
Nhưng có vẻ đó không phải là vấn đề đối với các cổ động viên xứ samba. Khởi nguồn từ ý tưởng của một đôi vợ chồng người Brazil để vào sân cổ vũ trong trận bán kết gặp Đức, xây dựng chiến dịch với tính cá nhân (personal) bằng cách lấy hình ảnh Neymar như một “mồi nhử” mang tính cá nhân, lại vô cùng sâu sắc (visceral) khi nó đánh động vào lòng kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc chứ không chỉ là lòng mến mộ đối với thần tượng. Bởi vậy, ý tưởng này đã được đông đảo người Brazil ủng hộ, thậm chí ngay cả Liên đoàn bóng đá Brazil cũng bày tỏ sẽ hỗ trợ.
3. Thu hút sự tham gia:
Có thể nói, ý tưởng ngày càng lan rộng và thu hút sự chú ý tham gia của đông đảo các cổ động viên Brazil, kết nối mọi người đến một mục đích chung. Nhìn chung, ý tưởng mặt nạ Neymar là rất xác thực/đáng tin cậy (By authentic). Neymar là linh hồn của cả đội tuyển Brazil, việc Neymar bị chấn thương là một mất mát vô cùng to lớn của đội tuyển Brazil, bởi vậy để cho hình ảnh Neymar ngập tràn các khán đài nhằm uy hiếp tinh thần các tuyển thủ Đức hoàn toàn là có cơ sở.
4. Hành động:
Liên đoàn bóng đá, các công ty sản xuất, chính phủ… đã trao quyền cho tất cả người dân Brazil – kể cả những fan hâm mộ trái bóng tròn hay kẻ ngoại đạo. Hàng chục nghìn mặt nạ Neymar đã được phát miễn phí trên các khán đài. Thông điệp “Tất cả chúng ta là Neymar” đã được phát tán rộng khắp thế giới. Bên cạnh sắc màu vàng xanh rực rỡ trên khán đài, tất cả không ai còn nhận ra ai nữa, cùng hòa chung làm một, cùng một khuôn mặt, cùng chung niềm hân hoan và niềm tin chiến thắng.
Trên các mạng xã hội, những bức ảnh với hình ảnh mọi người cùng đeo mặt nạ Messi được lan truyền một cách chóng mặt. Đủ các thể loại từ chàng trai, cô gái mặc bikini đến các cụ già... sức lan tỏa là không thể phủ nhận.
5. Và kết quả là gì?
Sẽ là một chiến dịch có sức vang toàn cầu nếu như Brazil thắng, dù chỉ là 1-0 hay 2-1 thôi. Nếu thế, không chỉ đội tuyển Brazil – những cầu thủ trực tiếp đá được vinh danh mà bản thân Neymar cũng giữ vững danh hiệu siêu sao của mình. Truyền thông nhắc đến chiến dịch như một trong những ý tưởng hay và độc đáo nhất trong lịch sử World Cup, và cái tên của đôi vợ chồng đã nghĩ ra ý tưởng biết đâu lại được vinh danh ở Liên đoàn bóng đá Brazil, còn mặt nạ Neymar thì được đưa vào một viện bảo tàng nào đấy như một chứng nhân lịch sử.
Nhưng trong bóng đá, không gì là không thể xảy ra. Brazil đã thua, không, phải nói là thua đau đớn mới phải. Chiếc mặt nạ Neymar có lẽ không thể dọa nổi tinh thần thép của người Đức. Tôi không muốn bàn đến nguyên nhân thất bại của Brazil ở đây. Đó là công việc của các chuyên gia và các bình luận viên. Tôi chỉ muốn xét trên chiến dịch. Tự thân chiến dịch không hề có lỗi: một ý tưởng hay, được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng, truyền thông ủng hộ, thực hiện một cách bài bản. Nhưng cuộc chơi trong bóng đá vốn khắc nghiệt. Những kẻ ủng hộ Đức có thể tha hồ mỉa mai: “Thị uy với đội nào yếu bóng vía chứ với người Đức chẳng khác nào làm trò cười... Tội nghiệp”. Thậm chí, ngay khi trận đấu chưa kết thúc, chiếc mặt nạ Neymar đã vương vãi khắp khán đài. Hiện thân cho niềm hy vọng đã bị bỏ lại bởi niềm tuyệt vọng.
Trên bình diện truyền thông, thì đây thực sự là một cuộc khủng hoảng truyền thông kinh điển của đội tuyển Brazil, kéo theo bao nhiêu hệ lụy không chỉ liên quan đến bóng đá. Trước đó, chính việc nhà nước bỏ ra nhiều tỷ đô la để chi phí cho World Cup trong khi hàng chục triệu người vẫn phải chen chúc trong các khu ổ chuột, thiếu ăn và không dược chăm sóc y tế …đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối trong dân chúng trước và trong thời gian diễn ra lễ hội bóng đá lớn nhất thế giới. Và giờ đây, khi trận bóng chưa kết thúc, thất vọng đã biến thành bạo loạn ở Brazil. Và người đại diện cho “thương hiệu”, nữ tổng thống Dilma Rousseff sẽ giải quyết như thế nào bên cạnh lời xin lỗi và tuyên bố: "Tuy vậy, chúng ta không thể cứ ngã gục. Brazil, hãy đứng dậy, phủi bụi và tiến về phía trước".
Làm sao đê xử lí cuộc khủng hoảng này? Điều trần trước Quốc hội để tìm ra nguyên nhân, sa thải cầu thủ và huấn luyện viên, chờ đến World Cup tiếp theo hay cố gắng trong những trận đấu tiếp, mà gần đây nhất là trận tranh giải ba vào thứ 7? Dù biết rõ ràng không hề dễ dàng vào lúc này.
Chúng ta hãy cùng chờ xem!