Liệu chiến lược im lặng có thể trở thành "xu hướng" mới để xử lý khủng hoảng truyền thông?
Câu hỏi:
Em chào thầy em có một câu hỏi muốn lắng nghe ý kiến từ phía thầy về việc "im lặng" vượt sóng dữ của những người làm truyền thông. Mới đây nhất là vụ nước mắm truyền thống bị khủng hoảng thì nay cuộc khủng hoảng này lại đổi trục chuyển về phía bên công ty truyền thông X. Tuy nhiên người đứng đầu của công ty truyền thông không có bất cứ động thái nào ngoài việc im lặng (mặc dù ai cũng biết ông đã từng tham gia xử lý các cuộc khủng hoảng rầm rộ trước đó).
Vậy phải chăng đây cũng là một cách xử lý khủng hoảng của người làm PR là im lặng để qua cơn sóng dữ. Liệu rằng đây là có thể trở "xu hướng" mới khi có rất nhiều người chọn cách này để xử lý khủng hoảng, lạm dụng sức trôi của thông tin mà khiến dư luận quên đi khủng hoảng đó. Với quan điểm của thầy nếu chọn cách đó liệu thương hiệu đó sẽ có thể trụ lại tại thị trường Việt Nam bao lâu? Giá trị thương hiệu sẽ có thay đổi gì quá nhiều không thưa thầy?
Trả lời:
Tôi nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc như trên. Thậm chí có bạn còn hỏi cách thức giải quyết của tôi nếu như tôi bị rơi vào tình huống như trên.
Tự nhiên tôi cảm thấy xót xa cho cái ngành PR này và cho những người đang làm PR hiện tại và tương lai. Cái nghề dễ bị tai tiếng quá, do sự cám dỗ của tiền bạc và cái bản ngã cao ngất cho rằng ta hay, ta giỏi trong việc vận động, lôi kéo đám đông, dụ họ làm một điều gì đó có lợi cho người đứng sau.
Tôi chia câu trả lời thành 2 phần, về chuyên môn và về thắc mắc.
Về chuyên môn:
Theo quyển sách về PR “Quyền năng bí ẩn”, thì Chiến lược im lặng là 1 trong 7 chiến lược phòng vệ đỉnh cao trong PR mà thôi. Tổng cộng bao gồm:
1) Chiến lược ngăn chặn trước tình huống bất lợi xảy ra (tr. 483)
2) Chiến lược tấn công đáp trả (tr. 485): gồm 4 biến chiêu quyết liệt là Tấn công, Đe doạ, Tiêu diệt kẻ thù, Trở thành nạn nhân
3) Chiến lược phản kháng phòng thủ (tr. 494): gồm 3 biến chiêu linh hoạt là Chối bỏ trách nhiệm, Xin lỗi, Bào chữa
4) Chiến lược nghi binh (tr. 499): gồm 4 biến chiêu tinh vi Nhượng bộ, Làm sao nhãng, Tách bỏ lỗi lầm, Đổi tên
5) Chiến lược biểu lộ đồng cảm (tr. 506): gồm 4 biến chiêu thông minh là Quan tâm, Lòng trắc ẩn, Hối tiếc, Thừa nhận
6) Chiến lược sửa sai (tr. 510): gồm 3 biến chiêu cầu thị Điều tra, Khắc phục, Phục hồi
Riêng:
7) Chiến lược im lặng (tr. 514): là chiến lược không đáp trả các sự công kích vây quanh bằng cách không đưa ra bất kỳ sự giải thích, biện minh nào. Chiến lược này được khuyên dùng nếu rơi vào 1 trong 3 trường hợp sau đây:
7.1 Không thể nghĩ ra bất kỳ sự giải thích nào có thể khiến công chúng chấp nhận,
7.2 Không muốn tranh cãi để đẩy vấn đề đi quá xa, mất kiểm soát,
7.3 Có một lý do ngầm nào đó không thể tiết lộ hoặc buộc phải giữ kín để bảo toàn đại cuộc và có khả năng vận động hành lang (lobby) khá mạnh.
Về thắc mắc:
Đúng là Chiến lược im lặng là một trong những chiêu thức đối mặt với khủng hoảng truyền thông. Còn liệu dạng chiến lược này có phải là “mốt” sẽ được dùng thường xuyên hay không thì câu trả lời là không phải, vì tình huống khủng hoảng rất đa dạng (theo bối cảnh, con người, văn hóa, chính trị, xã hội), và phải có đến 7 chiêu 19 thức biến hóa mới có thể giải quyết gần như tuyệt đối.
Cơn sóng nào cũng sẽ tan, dù đó là sóng thần, nhưng ta có thể thoát được hay không là tùy vào phước của ta còn nhiều hay không. Giả sử suốt thời gian hành nghề, ta tạo nhiều lợi ích cho nhiều người thì may mắn ta sẽ thoát, và ngược lại.
Còn liệu thương hiệu công ty truyền thông đó sẽ có thể trụ lại tại thị trường Việt Nam bao lâu, giá trị thương hiệu sẽ có thay đổi gì quá nhiều không thì thôi kệ nó đi. Ta tập trung trao dồi thêm đạo đức hành nghề, cố gắng nói và làm những điều có lợi cho người khác, cho xã hội.
Trích quyển "Giải mã bí mật PR" - Tập 2
*Nguồn: https://letranbaophuong.com/