TOP BUZZ: Bảng xếp hạng social media tháng 9/2016
Từ tháng 9/2016, bảng xếp hạng Top chart hàng tháng của Buzzmetrics sẽ chính thức đổi tên thành Top Buzz – bảng xếp hạng đáng tin cậy dành cho các thương hiệu và agency, cung cấp những thông tin chất lượng và cập nhật nhất trên social media.
Với phiên bản mới này, bảng xếp hạng Top Buzz sẽ được bổ sung thêm chỉ số Tổng lượng tương tác - Total interaction (Like + Share + Comment) nhằm phản ánh đầy đủ hơn nỗ lực của các thương hiệu cũng như agency trong quá trình quảng bá cho chiến dịch, sự kiện hoặc thương hiệu.
Bảng xếp hạng Top Buzz tháng 9 bao gồm Top 10 thương hiệu, Top 10 chiến dịch, Top 10 sự kiện và Top 10 người nổi tiếng trong thời gian từ 01/09/2016 – 30/09/2016.
Bảng xếp hạng Top Buzz hoạt động dựa trên 2 tiêu chí chính: Mức độ nhận diện và Mức độ được yêu thích.
- MỨC ĐỘ NHẬN DIỆN: Dựa trên Lượng bài viết và thảo luận – Total mention (Posts & comments) được tạo ra trên social media, bao gồm Facebook, Forum, Youtube, Online News, Blog,…
Ngoài ra, từ tháng 09/2016, Mức độ nhận diện còn được xác định dựa trên Tổng lượng tương tác (Like + Share + Comment), tuy nhiên việc xếp hạng vẫn dựa trên Lượng bài viết và thảo luận, vì chỉ số Like và Share có thể dễ dàng được khuếch đại và có thể khó kiểm tra liệu lượng Like và Share này có thực sự được tạo bởi những người dùng Facebook thực sự hay không.
- MỨC ĐỘ ĐƯỢC YÊU THÍCH BỞI CÔNG CHÚNG: Được xác định bằng Chỉ số yêu thích do Buzzmetrics đo lường, là kết quả phân tích chỉ số cảm xúc của các thảo luận để xác định tương quan giữa các thảo luận Tích cực, Tiêu cực và Trung lập.
Chỉ số cảm xúc = (Lượng thảo luận Tích cực – Lượng thảo luận Tiêu cực) / (Lượng thảo luận Tích cực + Lượng thảo luận Tiêu cực)
Chỉ số cảm xúc có giá trị từ -1 đến 1, giá trị càng cao thể hiện mức độ được yêu thích càng cao.
Top 10 thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên social media tháng 9/2016
Samsung, Sony, OPPO là top 3 thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên social media liên tiếp trong 3 tháng: tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2016; mặt khác, cả 3 thương hiệu đều có chỉ số cảm xúc tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, xuất hiện trong top 10 thương hiệu tháng này còn có Tiki do là thương hiệu góp mặt trong sự kiện “Hội sách mùa thu Hà Nội 2016” cùng nhiều chương trình khuyến mãi.
*Bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu không bao gồm chỉ số Tổng lượng tương tác, vì số liệu về Lượng bài viết và thảo luận chỉ tính dựa trên bài viết và thảo luận thực sự có nhắc tới thương hiệu (brand mentions), chứ không tính các thảo luận bên dưới các bài viết (post).
- SAMSUNG: Dù bị ảnh hưởng lớn từ sự cố nổ điện thoại, nhưng chỉ số cảm xúc của Samsung tăng so với tháng trước đó, đó là do cách xử lý khủng hoảng truyền thông chuyên nghiệp cũng như việc được khách hàng đánh giá cao ở dịch vụ chăm sóc khách hàng; mặt khác, điện thoại có thiết kế đẹp và chụp ảnh đẹp vẫn là điểm nổi bật của thương hiệu.
- SONY: Được đánh giá là thương hiệu có thiết kế đẹp, điện thoại dùng bền và khả năng chống nước tốt. Tuy nhiên, màn hình cảm ứng hay bị đơ và giá khá cao với kiểu dáng thiết kế không có nhiều sự thay đổi là những điểm người dùng không thích khi nhắc đến thương hiệu.
- OPPO: Tiếp tục nhận được những đánh giá tích cực mà thương hiệu muốn nhắm đến: khả năng chụp đẹp, rõ nét nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng chất lượng của điện thoại không quá tốt so với mức giá khá cao.
- HONDA: Thương hiệu đã tăng 1 hạng so với tháng trước nhờ đoạn clip mô phỏng âm thanh của các dòng xe nổi tiếng (trong đó có Honda) đã nhận được lượng lớn lượt chia sẻ và thích thú từ người dùng Facebook; bên cạnh đó, Honda còn tạo ra được nhiều thảo luận nhờ chương trình “Chinh phục 4 cực của Việt Nam” để quảng bá cho dòng xe mới. Honda được người dùng đánh giá cao ở kiếu dáng thiết kế và tiết kiệm xăng tốt; tuy nhiên, việc giá của các dòng xe ngày càng tăng vàchênh lệch mức giá tại các đại lý khiến khách hàng không hài lòng.
- VIETTEL: Là thương hiệu viễn thông nhận được nhiều được phản hồi tích cực về tốc độ đường truyền cao và cước phí 3G hợp lý cũng như thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mãi. Mặt khác, các thông tin và bình luận về việc nhà mạngtrừ cước phí không rõ lý do và tốc độ đường truyền không ổn định vẫn là những điểm trừ khi nhắc đến thương hiệu.
- DELL: Được nhắc đến như một thương hiệu máy tính uy tín và được nhiều người yêu thích do có thiết kế đẹp, chất lượng sản phẩm tốt và bền. Dell là thương hiệu có chỉ số cảm xúc cao nhất trong liên tục trong 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, thương hiệu nhận phải các ý kiến tiêu cực về việc hiển thị màu sắc không chuẩn.
- HTC: Lượng thảo luận của HTC tăng cao nhờ sự ra mắt của dòng điện thoại mới giúp thương hiệu đạt được vị trí thứ 7 (so với vị trí thứ 9 của tháng 8). Các thảo luận tích cực về thương hiệu xoay quanh việc có sản phẩm chất lượng tốt và thiết kế đẹpnhưng thương hiệu vẫn nhận một số ý kiến tiêu cực về việc giá sản phẩm cao và dễ mất giá.
- FPT: Trong tháng này nhận được nhiều phản hồi tích cực về dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, dịch vụ bảo trì nhanh chóng và đường truyền ổn định. Tuy nhiên, giá cao và tự động tăng giá cước mà không thông báo cho khách hàng là những yếu tố khiến người dùng chưa hài lòng ở thương hiệu.
- ASUS: Là thương hiệu được đánh giá cao ở chất lượng sản phẩm tốt, pin dùng được lâu, cấu hình mạnh cùng nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các thảo luận tích cực nhắc đến ASUS như là một thương hiệu laptop uy tín thì các thảo tiêu cực tập trung nhắc đến ASUS với những đặc điểm ở điện thoại mà khách hàng chưa hài lòng như chụp hình không đẹp và thiết kế không thuận tiện trong sử dụng.
- TIKI: Là thương hiệu mua sắm trực tuyến uy tín tại Việt Nam, lượng thảo luận của Tiki không chỉ đến từ việc tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hay hoạt động tích cực trên trang Facebook fanpage; mà còn nhờ các bài viết của các thương hiệu đối tác nhắc đến Tiki là một trong những nơi giúp khách hàng dễ dàng tìm mua sản phẩm. Thương hiệu được khách hàng đánh giá cao do có nhiều chương trình khuyến mãi, cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng với giá thấp hơn so với thị trường và dịch vụ giao hàng nhanh. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn nhận một số ý kiến tiêu cực về việc sản phẩm đặt mua đã hết hàng nhưng không nhận được thông báo và sản phẩm không được đóng gói cẩn thận.
Top 10 chiến dịch được nhắc đến nhiều nhất trên social media tháng 9/2016
Tháng 9 này, thương hiệu Samsung có 2 chiến dịch đứng đầu bảng xếp hạng top 10 chiến dịch được nhắc đến nhiều nhất trên social media: Galaxy J7 Prime và Galaxy S7/S7 Edge. Đứng ở vị trí thứ 3 & 4 là hai chiến dịch của các thương hiệu đến từ ngành hàng chăm sóc cá nhân: Sunsilk thế hệ mới và Cuộc chiến sắc đẹp – Tresemmé. Các chiến dịch khác góp mặt trong bảng xếp hạng Top 10 chiến dịch tháng 9 là các chiến dịch quen thuộc trong bảng xếp hạng những tháng trước như OPPO F1S, Bữa sáng tươi – Nestlé, Xperia X Serie, Heineken Green Room,… Để các thương hiệu và agency có cái nhìn tổng quát hơn, bài viết tháng này sẽ bao gồm so sánh hiệu quả chiến dịch của tháng này so với tháng trước đối với các chiến dịch kéo dài trong nhiều tháng.
*Chiến dịch của các thương hiệu có thể kéo dài nhiều tháng, dưới đây chỉ là thống kê lượng thảo luận và bài viết được tạo ra trong thời gian tháng 9/2016.
- SAMSUNG – Galaxy J7 Prime: Bằng việc kết hợp hoạt động chơi mini game có thưởng vốn luôn thu hút sự tham gia của fans cùng với các livestreaming video của KOLs có mức độ phủ (chỉ số reach) cao, thương hiệu đã được lượng thảo luận khổng lồ – gấp 6 lần so với tháng 8. Samsung Galaxy J7 Prime được khách hàng đánh giá cao do có thiết kế đẹp, khả năng lấy nét và chụp hình thiếu sáng tốt của camera; ngoài ra, cảm biến vân tay một chạm và độ hiển thị hình ảnh đẹp, rõ nét là những đặc điểm khiến khách hàng hài lòng về sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn nhận phải các ý kiến tiêu cực về các lỗi như đơ cảm ứng, lỗi cảm biến vân tay và chơi game không mượt.
- SAMSUNG – Galaxy S7/S7 Edge: Chiến dịch tạo được nhiều thảo luận trên social media nhờ vào các bài viết về sản phẩm được cập nhật thường xuyên trên trang fanpage của Samsung và một lượng lớn thảo luận thông qua các minigame tặng S7/S7 Edge của các page khác; bên cạnh đó là các bài viết so sánh Galaxy S7/S7 Edge và Iphone 7 Plus trên trang web của Thegioididong đạt được lượng tương tác cao. Galaxy S&/S7 Edge nhận được nhiều sự yêu thích do có thiết kế đẹp và chụp ảnh tốt. Tuy nhiên, Galaxy S7/S7 Edge vẫn nhận phải một số ý kiến tiêu cực về việc máy hay bị đơ, chế độ bảo hành không tốt và phần nào ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực từ sự cố nổ pin của Note 7.
- SUNSILK – Sunsilk thế hệ mới: Chiến dịch đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng top các chiến dịch được nhắc đến nhiều nhất trong tháng 9; đó là do lượng thảo khổng lổ đến từ các bình luận liên quan đến liveshow xuyên Việt của ca sĩ Đông Nhi; trong đó fans thể hiện sự thích thú và chia sẻ các thông tin về chương trình, cũng như tích cực trong hoạt động săn vé. Bên cạnh đó, các livestreaming video của Khởi My chia sẻ các cách làm đẹp cho tóc với khăn turban cũng nhận được lượt tương tác cao từ fans.
- TRESEMMÉ – Cuộc chiến sắc đẹp: Dựa trên mô típ bình chọn đội thi trong các chương trình thực tế về người mẫu, chiến dịch đã thu hút sự quan tâm của fans trong việc tích cực bình chọn đội mà mình yêu thích trong hoạt động “Thử thách tóc vào nếp”. Ngoài các livestreaming video của các đội kêu gọi bình chọn thì việc tạo ra chương trình khuyến mãi dựa trên số lượt bình chọn và chia sẻ để nhận có thể mua sản phẩm với mức giá khuyến mãi hấp dẫn đã giúp chiến dịch đạt được lượng tương tác cao.
- OPPO – OPPO F1s: Lượng thảo luận của chiến dịch giảm khá nhiều so với tháng trước do chương trình “The Face” mà thương hiệu kết hợp quảng bá đã kết thúc; mặc dù thế, mini game dự đoán đội thắng cuộc trong chương trình “The Face” vào đầu tháng 9 cũng đã giúp chiến dịch có tổng lượng tương tác cao thứ 4 trong tháng. Các phản hồi tích cực của OPPO F1s tập trung chủ yếu ở thiết kế đẹp và khả năng chụp selfie tốt. Tuy nhiên, chỉ số yêu thích của chiến dịch thấp hơn so với tháng trước (0.13 – tháng 9 và 0.34 – tháng 8) do các bài viết so sánh giá và cấu hình của OPPO F1s với Samsung J7 Prime và Iphone 5S; có xuất xứ Trung Quốc tiếp tục khiến thương hiệu nhận một số ý kiến tiêu cực.
- NESTLÉ – Cùng nhau có bữa sáng tươi: Các bài đăng tương tác xoay quanh chủ đề Bữa sáng tươi trên fanpage Nestlé nhận được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ ý kiến chủ yếu đến từ nhóm đối tượng mục tiêu của thương hiệu là các gia đình, ngoài ra chương trình “Chia sẻ ảnh bữa sáng tươi của gia đình” cũng thu hút nhiều gia đình tham gia. Chiến dịch nhận nhiều thảo luận tích cực thể hiện sự thích thú và kêu gọi mọi người tham gia chương trình; đặc biệt, các bài chia sẻ về cooking tips trên trang Facebook fanpage được nhiều người đánh giá cao và áp dụng trong nấu ăn.
- SONY – SONY XPERIA X SERIES: Việc ra mắt dòng Xperia XZ mới và các bài viết Earned media so sánh Xperia XA với Galaxy J7 Prime đã giúp lượng thảo luận của chiến dịch tăng cao so với tháng trước. Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp với J7 Prime, khiến Xperia XA nhận một số ý kiến tiêu cực về giá, thiết kế và cấu hình. Mặt khác, điện thoại Xperia XZ được nhiều người đánh giá cao nhờ khả năng chụp hình đẹp và tốc độ sạc pin nhanh.
- HEINEKEN – Heineken Green Room: Heineken Green Room tiếp tục tạo được lượng thảo luận lớn trên social media nhờ tận dụng các livestreaming video của KOLs nổi tiếng kết hợp với mini game săn vé. Các thảo luận tích cực của chiến dịch xoay quanh việc fan thể hiện mong muốn tham gia chương trình, thích chương trình do có nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng như thái độ ủng hộ thương hiệu vì có nhiều hoạt động hấp dẫn. Bên cạnh đó, chiến dịch nhận một vài phản hồi tiêu cực vì thiết kế sân khấu không đẹp và có quá đông người.
- HONDA – Honda Winner 150: Chiến dịch này bắt đầu từ tháng 5 và liên tục nằm trong Top 10 chiến dịch tạo ra nhiều thảo luận trong 3 tháng 5,6,7. Sau khi vắng mặt ở Top 10 chiến dịch tháng 8, Honda Winner 150 đã quay trở lại bảng xếp hạng tháng 9 với gần 40,000 bài viết và thảo luận. Tháng này, lượng thảo luận của chiến dịch tăng nhờ vào các bài viết quảng bá cho chương trình “Chinh phục 4 cực của Việt Nam” và các bài viết thông báo doanh số khả quan của Honda Winner 150. Dòng xe này nhận được nhiều ý kiến tích cực do có thiết kế đẹp, xe chạy êm, thích hợp cho việc chạy đường dài (đi phượt). Mặt khác, các bài viết so sánh với Exciter kéo theo các tranh cãi về thiết kế xe không đẹp (phần đuôi xe), phuộc xe yếu và lỗi động cơ (tăng cam tự động).
- LA VIE – La Vie 12 chòm sao: Chiến dịch tiếp tục nhận được nhiều sự yêu thích của giới trẻ thông qua các bình luận tham gia mini game trên trang Facebook fanpage của Lavie và các trang fanpage của từng chòm sao để có cơ hội tặng món quà độc đáo cho bạn bè có sinh nhật trong tháng, cũng như thể hiện mong muốn sở hữu chai nước mang dấu ấn cá nhân này cho riêng mình. Mặc dù chỉ đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng nếu xét về Lượng bài viết và thảo luận, tuy nhiên, chiến dịch La Vie 12 chòm sao lại có Tổng lượng tương tác cao thứ 3 trong top 10 chiến dịch tháng 9.
Top 10 người nổi tiếng được nhắc đến nhiều nhất trên social media tháng 9/2016
So với tháng 8, bảng xếp hạng 10 người nổi tiếng tháng này có thêm sự góp mặt của Đông Nhi do các thông tin về liveshow xuyên Việt đầu tiên của nữ ca sĩ sau 8 năm hoạt động, đồng thời kết hợp với việc quảng bá cho chiến dịch “Sunsilk thế hệ mới” đã giúp Đông Nhi đạt được lượng thảo luận và chỉ số cảm xúc cao. Bảng xếp hạng tháng 9 còn có sự xuất hiện của Đàm Vĩnh Hưng với các bài viết và thông tin bên lề về liveshow kỉ niệm 20 năm “Diamond Show”. Mặt khác, chỉ số cảm xúc của Mai Ngô và Hồ Ngọc Hà giảm khá nhiều so với tháng trước do các thông tin tiêu cực liên quan đến đời sống tình cảm của Hồ Ngọc Hà; trong khi Mai Ngô vấp phải các chỉ trích về trang phục và các phát ngôn.
Một điểm đáng lưu ý khác là tuy Noo Phước Thịnh có số lượng thảo luận không quá cao như người đứng vị trí đầu - Khởi My nhưng Tổng lượt tương tác của Noo Phước Thịnh đang là cao nhất trong tháng 9, trong đó lượt like giúp góp phần chủ yếu.
Top 10 sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trên social media tháng 9/2016
The Face là chương trình truyền hình nổi bật nhất trong những tháng vừa qua; do đó, đêm chung kết của chương trình này thu hút được sự chú ý lớn trên social media. Bên cạnh đó, nhờ vào các livestreaming video, các sự kiện do thương hiệu tổ chức (Martin Garrix by Vinaphone, Heineken Green Room, Ngôi Nhà Bánh Kẹo – P/S) cũng góp mặt trong top 10 sự kiện tháng 9.
Ngoài ra, bảng xếp hạng tháng 9 còn có sự xuất hiện của một số sự kiện thể thao nổi tiếng như giải đấu Bóng Đá Chuyên Nghiệp Việt Nam V-league 2016, giải đấu Bóng Rổ Chuyên Nghiệp Việt Nam VBA, Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 5.
- Đêm chung kết The Face 2016: Là sự kiện được chú ý nhiều nhất trong tháng 9, Đêm chung kết The Face 2016 nhận được nhiều thảo luận nhờ minigame dự đoán người thắng cuộc trên trang Facebook fanpage của OPPO và các tranh cãi về kết quả. Ngoài ra, tổng lượng tương tác của chương trình cao hơn hẳn so với các sự kiện còn lại trong tháng; trong đó lượt like đóng góp phần lớn nhờ vào các bài viết cập nhật trên trang Facebook fanpage của YAN TV và YAN News. Chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực ở nội dung chương trình hay, trang phục trình diễn đẹp và có sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, kết quả về quán quân gây nhiều tranh cãi, khiến chương trình nhận một số ý kiến tiêu cực về tính công bằng khi so sánh Phí Phương Anh với Mai Ngô.
- Sự kiện EDM Martin Garrix – Vinaphone: Sự kiện EDM do Vinaphone tổ chức chính cùng phối hợp với những nhà tài trợ khác như Ecopark, Vietjet Air, Tuborg… Với sự xuất hiện của DJ nổi tiếng top 3 thế giới – Martin Garrix, sự kiện này thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng EDM, trong đó các video livestream là loại nội dung đóng góp phần lớn thảo luận về sự kiện. Các thảo luận tích cực chủ yếu thể hiện mong muốn tham gia sự kiện và các bình luận đánh giá cao chất lượng âm nhạc trong sự kiện. Mặt khác, các thảo luận tiêu cực tập trung về việc khói thuốc ở đêm nhạc quá nhiều gây khó thở và fans thể hiện sự không hài lòng khi chương trình không được phát sóng trên truyền hình.
- Giải đấu Bóng Đá Chuyên Nghiệp Việt Nam V-league 2016: Đây là một trong những giải đấu lâu đời của bóng đá trong nước bắt đầu từ năm 1980 và đến năm 2015 được đổi tên là Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam – Toyota. Bóng đá là bộ môn thể thao vua, vì thế các giải bóng đá luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Giải đấu năm nay được nhiều fan hâm mô đánh giá là có những trận bóng hay, fan thể hiện sự yêu thích đối với giải đấu và mong giải đấu ngày càng phát triển để tạo sân chơi cho thể thao trong nước. Tuy nhiên, có một số phản hồi tiêu cực về kết quả trận đấu và trọng tài không công tâm.
- Liveshow It’s showtime – Đông Nhi: Chương trình do nhãn hàng Sunsilk tài trợ, đánh dấu 8 năm hoạt động chuyên nghiệp của ca sĩ Đông Nhi, chương trình được tổ chức kéo dài từ tháng 9 đến đầu tháng 10, trong tháng 9 chương trình đã được tổ chức ở 3 thành phố lớn của cả nước: Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Các thảo luận tích cực thể hiện mong muốn tham gia đêm nhạc; ngoài ra liveshow còn được đánh giá là có sự đầu tư tốt và có nhiều bài hát hay. Tuy nhiên, một số phản hồi tiêu cực về chất lượng âm thanh không tốt và không hài lòng vì không nhận được vé tham gia chương trình sau khi tham gia mini game.
- Đêm trao giải VTV Awards 2016: Tiếp nối thành công của chương trình VTV Awards 2014 và 2015, VTV Awards 2016 tiếp tục được tổ chức; đây là giải thưởng do VTV tổ chức đề cử, bình chọn và trao giải ghi nhận đóng góp của các phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình, các nghệ sĩ, nhằm tôn vinh những đóng góp của các cá nhân, tập thể và những chương trình truyền hình đã tạo ấn tượng trong lòng khán giả trong một năm qua. Chương trình nhận được các phản hồi tích cực vềmức độ uy tín, chương trình hoành tráng, có chương trình biểu diễn âm nhạc hay cùng sự có mặt của nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng người dẫn chương trình chưa chuyên nghiệp và khán giả nghi ngờ kết quả bầu chọn.
- Sự kiện Ngôi nhà bánh kẹo khổng lồ – P/S: Sự kiện là chương trình lý tưởng cho các bậc phụ huynh dắt con trẻ đi chơi vào dịp Trung thu; chương trình được trang trí hoành tráng, có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và hoạt động cung cấp các thông tin bổ ích cho trẻ; môt số ít ý kiến tiêu cực về việc không thấy thông báo kết quả mini game.
- Giải đấu Bóng Rổ Chuyên Nghiệp Việt Nam VBA: Giải đấu bóng rổ hàng đầu Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều sự yêu thích vì có các trận đấu hấp dẫn sôi động và nhiều thảo luận thể hiện mong muốn được xem trận đấu; tuy nhiên, vẫn còn một vài phản hồi tiêu cực về giá vé cao.
- Hội sách mùa thu Hà Nội 2016: Hội sách được tổ chức ở Hà Nội kéo dài trong 5 ngày thu hút rất đông người đến tham gia cũng như tạo được lượng lớn thảo luận trên social media. Các thảo luận tích cực xoay quanh việc mong muốn được đi hội sách, có nhiều chương trình khuyến mãi; có nhiều gian hàng sách và nhiều dòng sách đáp ứng được thị hiếu đa dạng của người đọc. Tuy nhiên, việc quá đông người tại sự kiện dẫn đến việc một số ý kiến phàn nàn về an ninh trật tự không tốt
- Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 5 – ABG: Là sự kiện thể thao nổi tiếng trong khu vực Châu Á, lượng lớn thảo luận đến từ các bài viết cập nhật liên tục tình hình của đại hội ABG, nhất là thông tin về việc Việt Nam đang tạm dẫn đầu số huy chương đạt được. ABG 5 nhận được ý kiến tích cực về việc quy mô lớn có thể giúp phát triển ngành du lịch trong nước và có chương trình vũ hội sôi động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các trận đấu chưa thực sự sôi nổi và sân khấu khai mạc không đẹp.
Để thảo luận với tác giả bài viết liên hệ KIM DO – Buzzmetrics Social media analyst:[email protected] hoặc NHUNG NGUYEN - Buzzmetrics Marketing and Communication Manager: [email protected]
Nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ lắng nghe theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, liên hệ PETER NGUYEN - Buzzmetrics Managing Director: 0977 550 665 hoặc [email protected]
Buzzmetrics là một giải pháp lắng nghe và nghiên cứu mạng xã hội (Social Listening) toàn diện nhất Việt Nam, có độ phủ toàn bộ các mạng xã hội trên thế giới và trong nước, bao gồm facebook, twitter, youtube, google+, instagram, linkedin, zing, zalo, noi.vn, hơn 1000 forums, 8000+ báo điện tử và blogs. Buzzmetrics được tin dùng bởi Coca-Cola, Samsung, Unilever và là đối tác chiến lược của các agencies hàng đầu như Ogilvy, Phibious, Leo Burnett, Maxus, Sofresh… Sự khác biệt của Buzzmetrics nằm ở khả năng nghiên cứu chuyên sâu theo từng ngành hàng, mang lại cho các thương hiệu các Insight chất lượng và thiết thực dựa trên phản hồi trong thời gian thực của người tiêu dùng.