“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn

Đây chắc hẳn là đề tài mà gần như tất cả các bạn sinh viên ra trường đều quan tâm: Làm thế nào để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên? Nào, khi nói đến đây, tôi chắc mọi người đều sẽ nghĩ “Đây là đề tài tôi đã đọc hàng trăm lần rồi, đi đây”. Nhưng khoan đã!

Tôi chắc rằng các bạn đã biết bài bản về những câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ đưa ra rồi. Nhưng cho mỗi ngành sẽ có cách phỏng vấn khác nhau. Và tất nhiên là cho “Brand thủ”, thì “check list” chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn cũng khác.

Bài viết sau sẽ giúp mọi người biết trước nên tìm hiểu những gì để sẵn sàng ghi điểm với người phỏng vấn và dễ dàng nắm bắt được cơ hội của mình nhé.

1. Tìm hiểu về công ty

“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn

Vâng đây là thông tin cũ rồi. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nào tự tin rằng mình đã chuẩn bị hoàn hảo nếu như chưa chắc được phần này phải không? Phần này tôi cũng không đầu tư nhiều lắm. Vì chỉ cần biết sơ là đủ. Thông tin bạn biết được chủ yếu sẽ dùng để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao bạn muốn làm việc cho công ty này ?”. Hãy chắc rằng bạn đã biết công ty tên gì, bắt nguồn từ đâu, đang kinh doanh ở ngành hàng nào nhé!

2. Tìm hiểu về thị trường và brand

“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn

Đây là thứ mà bạn phải đầu tư đây! Nhiều bạn sẽ nói rằng vì mình là người ngoài nên chắc chắn là người phỏng vấn sẽ không quá chi li trong việc mình có biết hoặc nói đúng số liệu hay không. Điều này đúng.

Có thể bạn sẽ không nói đúng hoặc có thể không biết và không ai có thể trách bạn cả. Nhưng hãy nghĩ xem nào! Nếu như trong 10 người phỏng vấn mà chỉ có một mình bạn là hiểu về công ty/ brand của họ nhất; thì có phải bạn đã thắng được một nửa trận chiến rồi sao! Vậy cần tìm hiểu sâu vào vấn đề gì nào?

  • Thị trường: Lấy ví dụ như tôi xin vào làm cho một brand về bột giặt. Vậy thì thông tin tôi phải biết cơ bản là thị trường bột giặt ở Việt Nam trị giá bao nhiêu VND, mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu kg ? Thêm nữa, những brand đang có mặt trong thị trường này là gì? và thị phần của họ là bao nhiêu? Những thông tin trên thường không được công bố rộng rãi. Nhưng nếu bạn chịu khó tìm trên Google Scholar, hay Slideshare (đôi khi lại có số liệu về market đấy). Hãy đánh một vòng trên mạng, bạn sẽ không ngờ mình tìm được gì đâu.
  • Những trend về sản phẩm: Hãy thử đi chợ hay siêu thị và tìm xem sản phẩm nào đang trưng bày hay bán nhiều nhất, và có sản phẩm nào mới được tung? Hãy thử hỏi tại sao sản phẩm đó lại được tung (lợi ích cho người tiêu dùng là gì ?). Đây sẽ cho bạn nắm được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là gì? Bạn có thể đi hỏi những người tiêu dùng hoặc chính bạn là công dụng của những sản phẩm mới là gì chẳng hạn. Biết càng nhiều thì mình càng có sự chuẩn bị tốt phải không nào?

3. Tìm hiểu về brand của bạn

“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn

Sau khi đã có một cái nhìn tổng thể về thị trường và những xu thế sản phẩm trong thị trường đó. Tiếp theo bạn nên đi vào việc nghiên cứu xem tình trạng brand của bạn ra sao.

  • Portfolio brand/ công ty: Tôi tin rằng trước khi phỏng vấn, bạn nên hỏi HR xem là bạn thi tuyển vào brand nào. Sẽ dễ hơn khi nghiên cứu về một brand cụ thể hơn là cả công ty. Portfolio bao gồm những sản phẩm mà brand của bạn đang bán: các bao bì khác, các sản phẩm cho từng đối tượng khác, hay khối lượng khác nhau, đều nằm trong 1 portfolio.
  • Sức bán của brand: Nhiều người nghĩ rằng đây là thông tin tuyệt mật nên rất khó để biết. Đúng là vậy! nhưng có một cách mà bạn có thể đoán được rất dễ dàng và gần gũi. Đó là các quầy hàng trong siêu thị!

    Làm sao ư? Rất đơn giản. Sự thật là thường các siêu thị sẽ ưu ái dành nhiều vị trí trưng bày cho các brand bán chạy nhất. Nên nếu brand A bán chạy hơn brand B thì chắc chắn là nó sẽ được trưng bày nhiều nhất trên cùng 1 dãy hàng rồi.

    Đến đây bạn chắc hẳn hiểu điều tôi nói rồi chứ? Nếu muốn biết sức bán hay thậm chí đoán đại thị phần của một brand nào đó. Bạn có thể đến các siêu thị lớn và bắt đầu đếm mặt trưng bày của từng sản phẩm hay nhãn hàng trên tất cả các mặt trưng bày của ngành hàng đó và đưa ra con số ước chừng. Có thể sẽ không chính xác, nhưng nó cho bạn biết con số thật cũng không quá xa vời đâu.

    Và điều này còn có thể cho bạn khái quát là trong brand đó, sản phẩm nào đang bán chạy nhất. Vì thường sản phẩm bán chạy hơn, sẽ được brand đó đầu tư nhiều trưng bày hơn và trưng bày ở nhiều vị trí tốt hơn như đầu kệ, ụ trưng bày với bảng hiệu gây chú ý, cổng ra vào...
  • Những hiểu biết sơ về sản phẩm: Cái ở đây là tôi muốn nói về kiến thức chứ không phải “insight”. Insight rất lớn, và nhiều công ty đã trả hằng trăm ngàn đô để đi tìm insight. Bạn sẽ không thể hiểu hết về ngành hàng chỉ trong một chuyến mua sắm phải không? Nhưng mục tiêu không phải là biết tất, mà là biết đủ. Đủ để cho người phỏng vấn thấy bạn có đầu tư công sức.

    Hãy hỏi mẹ, bạn bè, người thân xem họ xài sản phẩm đó như thế nào ? Họ có biết về brand đó không? cảm nhận của brand đó như thế nào ? Và về sản phẩm chung, bạn có thể mở rộng ra hỏi về cách thức, thói quen, thời điểm người tiêu dùng xài sản phẩm đó chẳng hạn. Một lần nữa, mục tiêu của chúng ta là tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội để bạn biết thêm phải không nào?
  • Tham khảo công cụ truyền thông: Đảo mắt qua một số đoạn phim quảng cáo, hay fanpage của brand sẽ giúp bạn hiểu thêm được phần nào định vị, độ tuổi và tính cách của brand đó. Nó cũng cho bạn hiểu hơn về việc brand đang ở đâu, sự quan tâm của họ ở các kênh truyền thông như thế nào…và đưa ra một số nhận định của bạn. Có thể họ đang đầu tư rất nhiều ở bảng hiệu, chạy TVC, hay chỉ thuần là chiếu trên internet, YouTube. Hãy cứ tra google đi, bạn sẽ tìm được khá nhiều thông tin hữu ích đấy.

    Và rồi có thể bạn sẽ tìm thấy những chiến dịch mà họ đang chạy. Và tin tôi đi, không có gì nói về nhãn hàng tốt như thông điệp mà họ đang truyền tải qua chiến dịch của họ đâu. Hãy tìm tòi, và tiếp tục đào sâu thêm cho đến khi bạn thực sự tự tin về kiến thức của mình.

Vậy là đến đó thôi bạn đã trả lời được câu hỏi như: Em biết gì về nhãn hàng xyz, abc,… rồi. “Biết người, biết ta. Trăm trận trăm thắng”. Vậy là bạn đã cầm được một nửa chiến thắng rồi đấy. Hãy đọc tiếp để nắm luôn một nửa còn lại nhé.

4. Tìm hiểu về bản thân mình

“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn

Nên nhớ rằng cuộc phỏng vấn là để bán chính bản thân mình cho công ty. Việc tìm hiểu thêm về công ty sẽ giúp cho thấy sự quyết tâm của bạn để ứng tuyển vào vị trí. Vì vậy, khi nhà tuyển dụng đã bắt đầu hứng thú với bạn. Hãy “hạ gục” họ bằng tất cả những gì bạn có. Và nó bắt đầu từ:

  • Nói về lịch sử công việc của mình: Nào nhiều người sẽ giống như tôi trước đây. Chúng ta sẽ nói về công ty cũ, về vị trí của chúng ta và về những project mà chúng ta đảm nhiệm. Sau đó chúng ta sẽ im lặng và đợi câu hỏi tiếp theo từ người phỏng vấn. Nhưng thực tế không ai quan tâm đến những điều đó đâu. Việc bạn làm gì, làm project gì và đóng vai trò trong project đó như thế nào không quan trọng. Quan trọng là: Kết quả!

    Hãy nói thẳng vào kết quả của bạn đạt được ví dụ: “Tuyển được XXXX người dùng mới qua chương trình phát mẫu thử khi còn là Marketing Executive tại ……” sẽ tốt hơn là “Trong thời gian làm marketing executive tôi đã làm những project ….. đem lại ….”. Các công ty thời nay chỉ tôn thờ duy nhất một thứ, đó là kết quả kinh doanh. Nên hãy bắt đầu từ nó, và dùng nó để giới thiệu về bạn.
  • Hãy chuẩn bị sẵn một ý tưởng: Nhà tuyển dụng sẽ quyết định chọn bạn hay không, không chỉ nhờ vào thành tích của bạn mà còn nhờ vào những ý tưởng của bạn trong tương lai để mang lợi nhuận về cho họ. Sẽ thật mới lạ đối với nhà tuyển dụng nếu bạn có sẵn trong đầu một ý tưởng để “bán” cho họ, thay vì như những người khác là nêu điểm mạnh của mình khi được hỏi câu: “Vì sao chúng tôi nên chọn bạn” laugh.

    Ý tưởng, hay kế hoạch này cần liên kết với những gì bạn đã tìm hiểu ở phần nghiên cứu về brand phía trên nhé. Ví dụ, nếu brand chưa chú trọng về digital hãy “chào” một kế hoạch digital ngắn gọn và mới. Chắn chắc là đôi khi nó sẽ không chính xác với những gì mà nhà tuyển dụng có trong đầu. Nhưng ít ra bạn hãy biết rằng nó giúp bạn tạo sự khác biệt với các ứng cử viên khác smiley.

Và đó là tất cả những gì tôi thấy cần thiết để chuẩn bị cho phỏng vấn. Và tôi cũng muốn nói thêm là chuẩn bị tốt sẽ cho bạn nhiều cơ hội nhất có thể. Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển không bao giờ là chắc chắn. Nó sẽ liên quan đến nhiều yếu tố khác như tính cách, các ứng cử viên khác, và đôi khi là cả người phỏng vấn nữa. Nhưng dù kết quả có như thế nào đi nữa; đừng bận tâm. Hãy cứ chuẩn bị phần mình tốt nhất. Tin tôi đi, cuộc sống có thể không công bằng, nhưng tôi tin nó không bao giờ quay lưng với những con người có cố gắng.

Bạn nghĩ sao? Cách bạn chuẩn bị cho phỏng vấn của mình là gì? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé. Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác của tôi tại.

“Brand thủ” tự tin khi phỏng vấn