Sự cần thiết của truyền thông nội bộ
Truyền thông nội bộ là một vấn đề khá quan trọng trong phát triển của một công ty. Tuy nhiên, có thể thấy tại Việt Nam, việc này vẫn chưa được các doanh nghiệp trong nước quan tâm và đầu tư đúng mức. Hy vọng rằng qua buổi trao đổi giữa DN &TH VN với chuyên gia truyền thông Lê Trần Bảo Phương sẽ giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn hơn về truyền thông nội bộ.
Thưa chuyên gia, anh hãy chia sẻ một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất về truyền thông nội bộ là gì và vì sao nó thật sự quan trọng đối với doanh nghiệp?
Trong phạm vi một doanh nghiệp (DN), truyền thông được chia làm 2 nhóm: truyền thông bên ngoài DN & truyền thông bên trong DN (còn gọi là truyền thông nội bộ). Đối tượng của truyền thông nội bộ DN chính là CBNV và nhóm cổ đông hiện hữu của công ty.
Nói một cách giản dị, gần gũi nhất, truyền thông nội bộ chính là hoạt động giao tiếp nội bộ giữa Ban Giám đốc với CBNV công ty và giữa Ban Giám đốc với cổ đông công ty, để giúp BGĐ có thể hiệu triệu mọi nguồn lực khả dĩ trong nội bộ. Xét về thực tế, truyền thông nội bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển của các DN.
Đối với CBNV, việc truyền thông nội bộ tốt có thể làm cho: CBNV làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm, năng suất cao hơn; CBNV hài lòng với mức lương vừa phải/thỏa đáng, để đảm bảo nguồn vốn được chi tiết kiệm mà vẫn giữ được người giỏi; Hạn chế tối đa việc nhân sự nghỉ lung tung, ốm đau, nhân sự giỏi bị dụ dỗ, lôi kéo; Hạn chế nhân sự nghỉ việc rồi thì nói xấu, chỉ trích, gây hại đến uy tín tổ chức.
Đối với cổ đông, việc truyền thông nội bộ tốt có thể giúp: Huy động thêm vốn từ cổ đông hiện hữu; Đạt được niềm tin, sự ủng hộ của Cổ đông, vị TGĐ “giữ được cái ghế”; Liên minh cổ đông lại để tránh bị thâu tóm.
Những kỹ năng cần có của người đảm nhiệm làm truyền thông nội bộ là gì, thưa anh?
Người làm truyền thông nội bộ không phải là công cụ của người quản lý để đi đàn áp tâm trí, chiêu trò tâm lý, mụ mị nhân viên. Họ cũng không phải là Ban chấp hành công đoàn đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân viên. Họ là người trung gian giúp cho các bên hiểu nhau, hướng về một lựa chọn hài hoà nhất.
Hoạt động truyền thông nội bộ nói cho cùng vẫn xoay quanh Tâm - Tình con người. Do đó, có 2 kỹ năng quan trọng nhất cần có trong truyền thông nội bộ chính là: Kỹ năng lắng nghe nguyện vọng và Kỹ năng Tâm Truyền Thông.
- Kỹ năng lắng nghe nguyện vọng của CBNV để hiểu trọn được nguyện vọng của họ, từ đó mới có thể dàn xếp thoả đáng theo điều kiện của công ty. Khi con người đã hiểu nhau, sự tin tưởng sẽ xuất hiện, khi đó mọi vấn đề dễ được giải quyết.
- Kỹ năng Tâm Truyền Thông của người làm truyền thông nội bộ là kỹ năng giao tiếp chân thành, tôn trọng nhau, có cái tâm, trách nhiệm với lời nói, cách hành xử, đứng đắn, minh bạch và đàng hoàng.
Làm thế nào để có thể triển khai tốt truyền thông nội bộ để giúp doanh nghiệp vận hành tốt bộ máy, vượt khó và phát triển trong tương lai?
Việc triển khai tốt truyền thông nội bộ để đưa công ty đi lên cần sự nỗ lực từ 2 bên: bên người chủ, người quản lý và bên CBNV. Bên người chủ, người quản lý phải đảm bảo được 4 nhiệm vụ: Sản phẩm kinh doanh, mô hình kinh doanh đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, CBNV cảm thấy niềm tự hào trong nội tâm; Chế độ lương thưởng, bảo hiểm thoả đáng, công bằng (không bất công, ưa nịnh nọt); Sự phân công công việc cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo; Có chế độ đào tạo nhân viên, khuyến khích thăng tiến nội bộ
Bên CBNV phải đảm bảo 2 nhiệm vụ: Trung thành, tạo lợi ích cho công ty, không phá hoại (ngay cả sau khi nghỉ việc); Có trách nhiệm, hoàn thành tốt phần việc và chỉ tiêu được giao
Nếu mỗi bên đều triển khai tốt phần nhiệm vụ của mình, tin chắc rằng đây là một DN khoẻ mạnh, đủ sức vượt qua khó khăn và phát triển tốt trong tương lai.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Ngọc Lam
Nguồn: Báo DN & TH