Ngành PR ở Châu Á có khác gì với Châu Âu?
Khi có cơ hội và tiếp xúc với cả 2 môi trường Á và Âu, tôi thường được hỏi ngành PR ở châu Âu thế nào và có giống với ngành PR ở châu Á, cụ thể là Việt Nam hay Singapore hay Trung Quốc hay không.
Dưới đây là 10 hiểu biết của tôi dựa trên những kinh nghiệm tôi có được:
1. Bản chất của PR ở đâu cũng như nhau
Câu đầu tiên các bạn có thể hỏi đó là: Nếu như bạn chưa từng làm việc ở châu Âu hay đơn giản là làm PR ở một nước châu Á khác ngoài Việt Nam, liệu những kỹ năng mà bạn có có thể sử dụng được không? Tin vui là có. Vì bản chất PR ở châu nào cũng như nhau. Các nguyên tắc và kỹ thuật cần thiết để trở thành một chuyên gia PR thành công, bất kể vị trí, đều giống nhau. Trên toàn thế giới, PR đều chủ yếu là các công việc liên quan tới xây dựng uy tín thương hiệu, xây dựng lòng tin, quản trị khủng hoảng. Không giống như những ngành như Pháp luật, Kế toán, kỹ năng trong nghề PR có thể thực hành từ châu Âu tới châu Á và ngược lại. Vì vậy, nếu bạn có ý định tìm một công việc mới ở nước ngoài, hãy thử xem!
2. Châu Âu không phải là một thị trường chung
Châu Á cũng vậy. Đức rất khác với Nauy hay Anh. Singapore cũng rất khác Trung Quốc hay Nhật Bản. Khi bạn lên một chiến dịch, điều quan trọng là phải địa phương hoá các ý tưởng chiến dịch và những sản phẩm tiếp thị dựa trên một thị trường duy nhất. Sự thấu hiểu địa phương rất quan trọng cho sự thành công xét về lâu dài.
3. Châu Á đa dạng về văn hoá hơn
Ví dụ, ở một agency của Singapore hay Hồng Kong, các chuyên gia tư vấn có thể đến từ nhiều nước khác nhau (Mỹ, Úc, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong). Nhưng ở các agency ở châu Âu, đa số những người làm việc trong lĩnh vực PR vẫn là dân bản địa, chỉ có một số ít đến từ châu Phi, Úc và Mỹ.
4. Giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương có thể không bắt buộc nhưng là một điểm cộng
Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế được sử dụng nhiều nhất trong các agency của châu Á. Cũng không vấn đề gì nếu như bạn không nói được tiếng địa phương trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, nói tiếng địa phương chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy sự nghiệm của bạn và tương tác với các đồng nghiệp và xã hội một cách dễ dàng hơn. Tốt nhất là bạn nên tham gia các khoá học ngôn ngữ địa phương nếu bạn làm việc ở nước ngoài.
5. Hệ thống cấp bậc vẫn bị nặng nề ở châu Á
Ở châu Á, người ta có xu hướng chú ý hơn tới thâm niên và chức danh của một người. Nói chung, những tư vấn viên thường vẫn phải hỏi sếp để được cho phép làm một cái gì đó và đợi sếp đưa ra quyết định. Mọi người có thể chỉ rời văn phòng sau khi sếp đã rời văn phòng. Điều này hoàn toàn khác với các nước ở châu Âu, đặc biệt là Bắc và Tây Âu, nơi mà hệ thống phân quyền trong cơ quan thường khá bình đẳng. Tất cả mọi người, bất kể thâm niên, đều được khuyến khích đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm và thực thi ý tưởng.
6. Truyền thông ở châu Á thân thiện hơn
Có thể nói rằng truyền thông ở châu Á thân thiện hơn, khi mà các nhà báo có thể nhìn thấy được nhiều hơn giá trị của việc "kết bạn" với các chuyên gia PR. Họ dành thời gian để gặp các chuyên viên PR để cà phê hay là ăn trưa, thậm chí là cả cuối tuần. Tuy nhiên, ở đây (Nauy) và nhiều nước châu Âu khác, nhà báo rất hiếm khi dành thời gian để gặp gỡ chuyên gia PR dù chỉ là để uống một lý cà phê, trừ phi bạn có câu chuyện đủ mạnh mẽ và hấp dẫn với họ.
7. Networking bằng con đường ẩm thực như là một tiêu chuẩn ở châu Á
Ở châu Á, người ta kết giao bằng các bữa ăn, trái ngược với những buổi uống bia/rượu ăn snack nhẹ nhàng ở một quán rượu nào đó sau giờ làm ngày thứ 6 ở đây. Thực phẩm dường như là một trong những cách tốt nhất để thiết lập mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác và kể cả giới truyền thông. Mọi người hầu như dành ít nhất là 1 tiếng để ăn trưa với đồng nghiệp mỗi ngày. Thậm chí còn có quan niệm rằng, điều quan trọng trong các bữa tiệc hay sự kiện mà bạn tham gia là phải biết mời và uống hết đồ uống mà sếp hay khách hàng mời bạn.
8. PR Freelancing thực sự không được thành lập ở châu Á
Ở châu Á, ngành công nghiệp PR freelancing không thực sự tồn tại. Dựa trên văn hoá và lịch sử, hầu như mọi người thích làm việc cho những công ty lớn, nổi tiếng mà ít có khái niệm "làm việc ở nhà" hoặc "hành nghề tự do". Điều này trái ngược với châu Âu, đặc biệt là ở Anh, nơi mà mọi người không quá bận tâm về nơi bạn làm việc miễn là bạn có việc để làm. Freelancers ở Anh đang tăng lên từng ngày và họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn những người làm fulltime ở một cơ quan.
9. Làm việc quá giờ ở châu Á là không thể tránh khỏi
Khi còn làm việc ở Việt Nam, giờ làm việc theo quy định của tôi là 8:00 - 18h:00. Nhưng thực tế, nó thường là 7:30 - 19h:00. Có những lần tôi phải ở lại văn phòng tới nửa đêm trước một sự kiện lớn vào sáng hôm sau và thậm chí còn là người đầu tiên rời khỏi phòng làm việc. Sếp tôi còn ở lại cho tới 3:00 và vẫn trở lại làm việc bình thường lúc 8:30 ngày hôm sau. Tất nhiên, điều này không xảy ra thường xuyên nhưng làm việc trong ngành này ở châu Á nói chung và ở Việt nam nói riêng, sẽ luôn phải chuẩn bị tâm lý có những ngày làm việc quá giờ và phải ở lại văn phòng cho đến những khung giờ rất kỳ quặc. Ở châu Âu thì khác, họ thường né tránh việc ở lại văn phòng muộn vì cho rằng đó là một biểu hiện của làm việc không hiệu quả. Họ thường đi làm đủ thời gian và rời văn phòng cho những hoạt động của gia đình, cá nhân và cân bằng cuộc sống.
10. Chấp nhận khác biệt giúp bạn có những hành trình thú vị hơn
Được đi nhiều nước hơn sẽ giúp chúng ta có nhiều trải nghiệm hơn về văn hoá, giao tiếp, hành vi người tiêu dùng và tất nhiên cả ẩm thực nữa. Có quá nhiều thứ để học hỏi và khám phá ở những châu lục khác. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận những khác biết, tôi tin chắc bạn sẽ làm đầy cuộc sống và công việc của mình bởi những kinh nghiệm quý báu, ý nghĩa, phong phú và thay đổi chính mình.
* Bài viết gốc được đăng tại www.makeitnoise.com