Brand Updates W3/2025: KIDO Foods bị cấm sử dụng thương hiệu Celano và Merino, TikTok “hồi sinh” tại Mỹ
Tranh chấp về quyền sở hữu thương hiệu Celano và Merino trở nên căng thẳng hơn khi KIDO Group gửi đơn đến Toà án Nhân dân TP.HCM, yêu cầu KIDO Foods và các đối tác ngừng sử dụng hai thương hiệu này. Và cũng trong tuần qua, TikTok tại Mỹ đã có màn “hồi sinh” đầy ngoạn mục chỉ sau 12 giờ “tự đóng cửa”... Cùng nhiều tin tức đáng chú ý khác sẽ được cập nhật trong bản tin Brand Updates số này.
KIDO Foods bị cấm sử dụng thương hiệu Celano và Merino
Ngày 17/1, sau khi xem xét đơn yêu cầu của KIDO Group cùng các chứng cứ liên quan, Toà án Nhân dân TP.HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, yêu cầu KIDO Foods và các đối tác (bao gồm Đất Việt Media) ngừng sử dụng và chấm dứt mọi chiến dịch quảng bá liên quan đến thương hiệu Celano và Merino.
KIDO Foods, từng là công ty con của KIDO Group, đã vừa sản xuất vừa sở hữu thương hiệu Merino và Celano. Sau khi tái cơ cấu vào năm 2022, quyền sở hữu hai thương hiệu kem này được chuyển về cho KIDO Group, còn KIDO Foods chỉ đảm nhiệm vai trò sản xuất. Đến tháng 9/2024, Nutifood bắt đầu nắm quyền kiểm soát KIDO Foods với 51% cổ phần, trong khi KIDO Group giữ lại 49% cổ phần. Cũng từ giai đoạn này, tranh chấp sở hữu thương hiệu Merino và Celano trở nên căng thẳng hơn.
KIDO Group cho rằng mọi hoạt động sử dụng hai thương hiệu này phải được tập đoàn thông qua. Tuy nhiên, KIDO Foods vẫn tiến hành quảng bá thương hiệu mà không có sự chấp thuận, bao gồm việc sử dụng hình ảnh Celano trong các chiến dịch trên TikTok, YouTube, Facebook và trong các hoạt động tài trợ chương trình truyền hình như “Anh trai say hi”, “2 ngày 1 đêm”...
Ngoài động thái yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên, để giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp, KIDO Group sẽ tổ chức họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường vào ngày 24/1 sắp tới. Cuộc họp sẽ xin ý kiến cổ đông về các quyết định quản lý và bảo vệ thương hiệu Merino, Celano; đồng thời xem xét lại các giao dịch bán cổ phần tại KIDO Foods trong thời gian qua.
TikTok hoạt động trở lại tại Mỹ chỉ sau 12 giờ gián đoạn truy cập
Chỉ sau khoảng 12 giờ đồng hồ “tự đóng cửa” tại Mỹ, TikTok đã hoạt động trở lại bình thường. Người đóng vai trò mấu chốt trong màn “hồi sinh” đầy ngoạn mục này là Tổng thống đắc cử Donald Trump, khi ông cam kết rằng các công ty phân phối và lưu trữ nền tảng này sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm lệnh cấm tại Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/1 (theo giờ Mỹ).
“Cảm ơn sự kiên nhẫn và ủng hộ của các bạn. Nhờ nỗ lực của Tổng thống đắc cử Trump, TikTok đã trở lại Mỹ!”, nền tảng thông báo với người dùng Mỹ. Đại diện TikTok cũng chia sẻ trên mạng xã hội X rằng công ty sẽ hợp tác với ông Trump để tìm ra “giải pháp lâu dài nhằm giữ TikTok tiếp tục ở lại Mỹ”.
Và mới đây, Tổng thống Donald Trump cũng đã chính thức ký sắc lệnh hoãn thi hành đạo luật cấm TikTok trong vòng 75 ngày, cho phép các kho ứng dụng mở lại việc tải app. Theo sắc lệnh mới, ông Trump sẽ nắm quyền “xác định hướng hành động phù hợp đối với TikTok”. Đây được xem là tin vui đối với hàng triệu người dùng Mỹ, nhất là với những ai đang dùng ứng dụng này hàng ngày để theo dõi thông tin, giải trí và kiếm sống.
Cộng Cà Phê gia nhập thị trường Philippines
Sau chuỗi cửa hàng tại Hàn Quốc, Malaysia, Canada và Đài Loan, Cộng Cà Phê thông báo sẽ tiếp tục gia nhập thị trường Philippines. Theo GMA News, cửa hàng đầu tiên của Cộng dự kiến khai trương vào giữa tháng 2/2025 tại Gateway 2 Mall, Quezon City. Song, menu và các thông tin chi tiết khác về cửa hàng vẫn chưa được tiết lộ.
Năm 2018, Cộng Cà Phê lần đầu vươn ra thị trường quốc tế với cửa hàng đầu tiên tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Tính đến hiện tại, chuỗi đang vận hành 23 cửa hàng ở xứ sở Kim Chi. Năm 2019, Cộng tiếp tục mở rộng sang thị trường Malaysia với 2 cửa hàng đặt tại Kuala Lumpur và 1 cửa hàng tại Selangor. Và từ tháng 10/2023, Cộng bắt đầu đặt chân đến Toronto (Canada) và không lâu sau đó là TP. Đài Bắc (Đài Loan). Như vậy, bên cạnh 63 cửa hàng ở Việt Nam, thương hiệu này đã có 28 cửa hàng trên thế giới.
Cộng Cà Phê nổi tiếng không chỉ nhờ phong cách thiết kế cửa hàng hoài cổ đặc trưng mà còn nhờ hương vị cà phê đậm đà, kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Đây cũng chính là những yếu tố đã giúp thương hiệu này từng bước ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia.
Walmart lần đầu đổi logo sau 17 năm
Lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, Walmart công bố một “cuộc làm mới thương hiệu toàn diện” nhằm phản ánh “sự phát triển như một nhà bán lẻ đa kênh, lấy con người làm trung tâm và được hỗ trợ bởi công nghệ”.
Theo đó, logo wordmark mới của chuỗi bán lẻ 61 năm tuổi này sử dụng phông chữ dày hơn so với phiên bản cũ, lấy cảm hứng từ một kiểu chữ mà thương hiệu đã sử dụng từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000. Ngoài ra, Walmart vẫn giữ lại biểu tượng tia lửa màu vàng nổi tiếng nhưng đặt trên nền màu xanh đậm hơn nhằm “giữ cho thương hiệu luôn mới mẻ”. Song, phần lớn người dùng mạng xã hội lại cho rằng những thay đổi này không đáng kể, và nhìn chung, diện mạo mới của thương hiệu vẫn rất giống với diện mạo cũ.
Ông William White, Phó Chủ Tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Tiếp thị của Walmart US, cho biết trong một tuyên bố: “Diện mạo mới này bắt nguồn từ di sản của nhà sáng lập Walmart, ông Sam Walton, thể hiện khả năng ngày càng phát triển của chúng tôi và cam kết lâu dài trong việc phục vụ khách hàng của ngày hôm nay và ngày mai”.
Thương hiệu cho biết logo mới sẽ xuất hiện trên trang web và ứng dụng trong tháng này, đồng thời lần lượt triển khai đến 10.500 cửa hàng thông qua các hoạt động cải tạo.
Prada xem xét mua lại Versace
Theo nhiều nguồn tin, Prada đã mời ngân hàng đầu tư Citi làm cố vấn tài chính cho thương vụ mua lại Versace từ tập đoàn đa quốc gia Capri Holdings. Trong khi đó, Capri Holdings cũng đã thuê Barclays để tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng khác.
Versace là thương hiệu thời trang cao cấp được nhà thiết kế Gianni Versace sáng lập tại Milan vào cuối thập niên 1970. Đến năm 2018, thương hiệu thuộc quyền sở hữu của Capri Holdings. Hiện tại, Capri Holdings đang cân nhắc bán thương hiệu biểu tượng này cùng với Jimmy Choo.
Ngoài Prada, một số tập đoàn thời trang và các quỹ đầu tư tư nhân khác cũng quan tâm đến việc mua lại Versace. Các chuyên gia nhận định rằng, nếu giá cả hợp lý và tìm được đối tác phù hợp, Versace là một thương vụ đầy tiềm năng cho các tập đoàn lớn. Song, Prada và các tập đoàn đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.
Meta ra mắt ứng dụng Edits, trực tiếp cạnh tranh với CapCut của ByteDance
Ngày 19/1, Meta đã ra mắt một ứng dụng chỉnh sửa video mới có tên Edits, sau khi ứng dụng chỉnh sửa video CapCut của ByteDance bị gỡ khỏi App Store và Google Play như một phần của lệnh cấm TikTok. Ngay khi xuất hiện, giới báo chí lẫn người dùng mạng xã hội đã đánh giá Edits “có nét tương đồng kỳ lạ” với CapCut.
Người đứng đầu Instagram, ông Adam Mosseri, cho biết ứng dụng sẽ có một bộ công cụ sáng tạo, bao gồm một tab riêng để lấy cảm hứng, một tab để theo dõi các ý tưởng và một camera chất lượng cao. Thêm vào đó, Edits còn có khả năng chia sẻ các bản nháp với bạn bè hoặc cộng tác viên. Nhà sáng tạo cũng có thể theo dõi hiệu suất của các video được tạo thông qua Edits trên Instagram sau khi xuất bản.
Mosseri cho biết Edits sẽ ra mắt vào tháng tới trên iOS, và phát hành phiên bản Android không lâu sau đó. Ông nói thêm rằng Meta đang làm việc với một số nhà sáng tạo để thu thập phản hồi về ứng dụng.
Bên cạnh Edits, Meta gần đây cũng bổ sung nhiều tính năng mới cho Instagram như tăng thời lượng tối đa cho video trên Reels từ 90 giây lên 3 phút, hiển thị lưới ảnh trên nền tảng dưới dạng chữ nhật thay vì hình vuông đặc trưng... Những động thái này đều được các chuyên gia đánh giá là nỗ lực thu hút người dùng đến với Instagram trong bối cảnh tương lai TikTok vẫn còn bất ổn.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp